Thiếu hụt trầm trọng sản lượng điện

Liên tiếp nhiều tuần qua, ở hầu hết địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng cúp điện nguyên ngày vào dịp cuối tuần do việc sửa chữa đường dây, đầu tư các dự án cải tạo lưới điện và các nhà máy thủy điện thiếu nước cục bộ.

Các nhà máy thủy điện bậc thang Vu Gia – Thu Bồn đối mặt với thiếu nước cục bộ. Ảnh: T.H

Căng thẳng nguồn cung

Vào ngày nghỉ thứ Bảy hay Chủ nhật, khu vực Tam Kỳ và nhiều địa phương khác bị cúp điện nguyên ngày, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.

Theo Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), năm 2020 công ty tiếp tục chống quá tải các đường dây và trạm biến áp (TBA), tăng cường củng cố lưới điện vùng tây, cấp điện các phụ tải lớn, đầu tư mới ở vùng đông và Khu kinh tế mở Chu Lai; quản lý các TBA nguồn 110kV, tuyệt đối không để xảy ra sự cố gây mất điện đột xuất trên diện rộng. Ngành điện đang lập danh mục ưu tiên thi công trước các hạng mục sửa chữa lớn và đầu tư xây dựng các công trình lưới điện; sửa chữa, củng cố lưới điện nhằm ứng phó với sự cố lưới trước mùa nắng nóng.

Về kế hoạch cắt điện trong thời gian đến, PC Quảng Nam cho biết, từ ngày 1.4 đến 15.4, ưu tiên không cắt điện để phục vụ cho việc phòng chống dịch Covid-19; đồng thời có kế hoạch cấp điện ưu tiên cho các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Về thời gian cắt điện, tập trung vào các ngày nghỉ cuối tuần đối với các khu trung tâm hành chính, khu công nghiệp, kể cả phải tranh thủ vào giờ khuya.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, công ty tổ chức lập và duyệt phương án thi công chặt chẽ; xây dựng kế hoạch cắt điện đồng bộ để thuận lợi cho việc triển khai thi công; tổ chức giám sát tốt hiện trường nhằm tránh tồn tại, không để xảy ra trả lưới trễ hay phải cắt điện nhiều lần.

Trong khi đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia dự báo, tình trạng cắt điện có thể còn diễn ra trong nhiều ngày tới ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam, bởi nguồn cung đang rất căng thẳng. Theo cơ quan này, rõ nhất là nhánh Vu Gia gồm các nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 2 và Sông Bung 4, sản lượng điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng 200 triệu kWh.

Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, 2 tháng đầu năm ở các nhà máy thủy điện lưu vực Vu Gia – Thu Bồn chỉ đạt 3,37 tỷ kWh, thấp hơn 2,19 tỷ kWh so với kế hoạch năm. Tính đến ngày 1.3, tổng sản lượng thủy điện dự tính theo mức nước tích trong hồ chỉ 7,7 tỷ kWh, thiếu hụt 7,2 tỷ kWh so với mức nước dâng bình thường. Vì vậy, việc cung cấp điện trong mùa khô là rất khó khăn do thiếu hụt nguồn điện.

Thiếu điện do thiếu nước

Ông Nguyễn Văn Lân – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, nhà máy đang trong tình trạng thiếu nước, dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện. “Mùa khô này, công ty ưu tiên cho việc chống hạn ở vùng hạ lưu, mục tiêu cung cấp nước cho sản xuất là hàng đầu; còn việc ngừng hay xả nước phát điện đều do UBND tỉnh quy định theo quy trình” – ông Lân nói.

Trong khi đó, nhà máy thủy điện A Vương thiếu nước trầm trọng trong 2 năm trở lại đây do vùng này không xuất hiện lũ. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương – ông Ngô Xuân Thế cho biết, hồ thủy điện A Vương sử dụng bình quân mỗi năm 1,61 tỷ mét khối nước để phát điện, nhưng dung tích hữu ích của hồ chỉ chứa 266 triệu mét khối nước. Trữ lượng nước tích trong các cánh rừng rất ít, nhà máy đề xuất ngừng vận hành để tích trữ nước.

Năm nay dự báo hạn hán tiếp tục lập kỷ lục mới. Các nhà máy thủy điện thiếu nước dẫn đến sụt giảm sản lượng điện, trong khi ngành điện vừa phải kết hợp sửa chữa đường dây, đảm bảo an toàn mạng lưới nên trong thời gian tới tình trạng cắt điện luân phiên lại tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương của tỉnh. Việc cắt điện trên diện rộng là do phụ tải tăng quá cao trong những ngày nắng nóng.

Từ cuối năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh bằng nhiều biện pháp hạn chế tối đa việc phát điện, ưu tiên tích nước trên hồ về mực nước dâng bình thường để đảm bảo an ninh nguồn nước vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn năm 2020, trong đó yêu cầu các hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước qua phát điện trong khoảng thời gian nhất định.

Sở NN&PTNT cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài, hồ chứa không đủ nước nên việc lấy nước tưới tiêu phục vụ trồng trọt vùng hạ du luôn được ưu tiên. Việc vận hành liên hồ chứa theo quy trình 1537 trước đây cũng sẽ thay đổi. Theo đó, trong mùa cạn có sự phân chia cấp lưu lượng và quy định thời gian bắt đầu vận hành, kết thúc, lưu lượng trung bình ngày xả về hạ du, quy định căn cứ theo giới hạn mực nước ứng với thời gian 10 ngày để điều tiết vận hành lưu lượng xả; quy định các thời kỳ của mùa cạn.

Hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương làm việc với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cung cấp thông tin khi đơn vị này huy động các nhà máy vận hành. Theo ông Vũ Xuân Khu, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong các tháng nắng nóng, trong khi sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện giảm sút bởi một số nhà máy dừng vận hành xả nước phát điện để tích nước nhằm phòng chống hạn hán và nhiễm mặn trong năm.

Trần Hữu

Theo VnExpress

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/kinh-te/thieu-hut-tram-trong-san-luong-dien-86507.html

Cùng chuyên mục