Thấy gì ở Ngày hội du lịch TP.HCM?

Theo Sở du lịch TP.HCM, trong 4 ngày diễn ra Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 15 tại công viên 23/9, doanh thu ước tính đạt 120 tỉ đồng, tăng 45% so với năm 2018, thu hút khoảng 12.700 lượt khách mua tour, tăng 41% so với năm 2018. Nhưng còn nhiều điều đáng nói hơn ngoài những con số này.

Phượng hoàng cổ trấn – Trương gia giới, giá nào cũng bán 

Đây là tour du lịch có giá cả nhảy múa nhiều nhất trong Ngày hội du lịch năm nay. Ông Van Bill, công ty Bayon travel thốt lên sau khi đi dạo một vòng các gian hàng: “Ngày hội du lịch TP.HCM năm nay đi đâu cũng thấy người ta chào bán tour Phượng Hoàng cổ trấn – Trương Gia Giới”. Nhiều năm qua, đây là tour du lịch rất hot với khách Việt và khoảng 2 năm trở lại đây, mức độ ăn khách của nó là đỉnh điểm, đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ các đơn vị lữ hành lớn như Vietravel, Saigon tourist… cho đến các công ty mới mở, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ đều chào bán tour này.

Khách tham quan đang chụp hình lưu niệm cùng các cô gái trong trang phục dân tộc Miêu ở gian hàng của Bayon travel.

Thị trường tuyến tour này lại càng sôi động hơn khi nhiều hãng lữ hành tham gia thuê bao nguyên chuyến bay thẳng (charter) đến Trương Gia Giới thay vì phải transit-quá cảnh như trước đó. Dĩ nhiên, không phải ai cũng đủ uy tín, chịu chi như Saigon tourist, Viettravel, Bayon travel… khi những chuyến bay thẳng sẽ rất tiện lợi về mặt thời gian, di chuyển nhưng cũng khá hồi hộp về lượng khách và hiệu quả doanh thu. Có lẽ vì thế mà không ít đơn vị lữ hành đã xoay sang cạnh tranh về giá. Chưa bao giờ người ta thấy tuyến tour hot này lại có rất nhiều mức giá khác nhau như vậy trong cùng một “hội chợ du lịch”. Giá nào cũng có, hãng nào cũng bán. Nếu như đơn vị chuyên tour này là Bayon travel từ nhiều năm nay đã quyết định giảm giá tour 6 ngày 5 đêm chỉ còn 13.990.000 đồng/ khách so với mức giá cũ là 16.390.000 đồng, thì hàng loạt đơn vị lữ hành khác cũng không đứng ngoài cuộc đua giảm giá này. Thậm chí cả những đơn vị không có thế mạnh về tour Trung Quốc, không chuyên tuyến này cũng tham gia giảm giá sâu. Và mức giá thấp nhất cho tour này, có nơi chào bán là 8.990.000 đồng/khách. Giám đốc một đơn vị lữ hành biết chuyện không khỏi ngạc nhiên: “Tôi không hiểu sao người ta có thể bán với giá đó vì chắc chắn không thể nào lời được!”

Rẻ hay không rẻ?

Năm nay, Ngày hội du lịch TPHCM tiếp tục có các hình thức săn tour giá rẻ, “giá rẻ sập sàn” hoặc giá vé máy bay cực rẻ… thu hút một lượng khách nhất định. Từ đó, cũng cho thấy các đơn vị lữ hành tham gia hội chợ chia làm hai phân khúc: rẻ hay không rẻ?

Những gian hàng có khuyến mãi thường đông khách đến. Trong ảnh là khách hàng săn chuyến bay giá rẻ ở Ngày hội du lịch TPHCM.

Saigon tourist – đơn vị tham gia Ngày hội du lịch TPHCM từ những năm đầu nhưng đến nay, năm thứ 15, kiên quyết không làm tour giá rẻ. Hãng lữ hành này trở thành thí dụ hiếm ở Ngày hội du lịch. Chuyện dễ gặp là nhân viên gian hàng chưa kịp chào mời tour, chưa kịp giải thích thì khách đã kịp “phát hiện” ra có tour cùng tuyến giá rẻ hơn ở những đơn vị khác nên đổi ý. Lường trước được điều này, đại diện Saigon tourist cho biết họ chấp nhận mất nhiều khách để định vị lại phân khúc khách hàng của mình. Thậm chí, sinh sau đẻ muộn như công ty Tugo cũng tỏ quyết tâm định nghĩa lại thị trường tour du lịch cao cấp.

Bên cạnh những đợt khuyến mãi lớn nhỏ các loại cho nhiều tuyến tour nội địa và nước ngoài, nhiều doanh nghiệp còn kéo khách bằng các hình thức tặng quà đủ loại. Điều này đánh trúng vào tâm lý của khách: thường quan tâm đến quà tặng mà dễ bỏ qua chất lượng tour.

Một thực tế hiện nay của thị trường du lịch mà không ít đơn vị lữ hành có uy tín phải than rằng họ gặp nhiều khó khăn khi làm tour nước ngoài, là sự cạnh tranh quyết liệt về giá khi tour không có chuẩn giá sàn, nên luôn trong tình trạng thả nổi! Điều này tất nhiên dẫn tới hệ lụy giảm đi chất lượng của tour rất nhiều.

Thói quen khi mua tour và những lưu ý 

Nhân viên một công ty du lịch đang tư vấn cho khách về tour Phượng Hoàng cổ trấn – Trương Gia Giới.

Theo khảo sát của người viết, khách đi Ngày hội du lịch nói riêng và khách mua tour du lịch nói chung rất dễ bị cuốn vào các thể loại quà tặng, hay nhìn quà trước khi nhìn vào giá tour. Khi nhìn vào giá tour thì chủ yếu chỉ có sự so sánh với các công ty khác về mức giá để chọn, chứ ít khi đặt câu hỏi vì sao lại có giá rẻ như thế. Thậm chí không quan tâm đến các điểm đến ra sao, mà chỉ so sánh về số lượng, các chi phí phát sinh ở các điểm thế nào. Lấy thí dụ ở tour đang hot Phượng Hoàng cổ trấn – Trương Gia Giới, không ít khách hàng chỉ bận tâm chuyện giá rẻ mà quên mất rằng chính lịch trình tour đã có quá nhiều sự khác biệt. Nhiều nơi bán tour nhấn mạnh điểm đến Phượng hoàng cổ trấn mà cố tình lơ đi Trương Gia Giới, nơi đẹp nhất của tỉnh Hồ Nam, điểm đến cặp đôi thường nằm trong tuyến này, mà thay bằng một số điểm đến không nổi tiếng khác. Không đến Trương Gia Giới, đồng nghĩa với việc nhà tour đã bớt được khá nhiều, khi tiền vé vào cửa đến hơn 1 triệu đồng/ 1 vé. Chưa kể thời gian đến những điểm thay thế khác di chuyển xa và bất tiện hơn. Hiểu nôm na khi đến Sài Gòn, thay vì đáp xuống Tân Sơn Nhất thì bạn lại phải xuống sân bay… Nha Trang rồi ngược xe về lại vậy.

Chưa kể, chuyện ăn uống, lưu trú cũng cần phải quan tâm thích đáng. Thí dụ chuyện ở, khách sạn 2 sao ở Trung Quốc khá tệ, nhưng nếu bạn không quan tâm tìm hiểu, không có thông tin tham khảo thì dễ bỏ qua thông tin này.

Có một câu nói cửa miệng mà dân du lịch luôn nhắc đến khi mua tour: “tiền nào của nấy”, là vì vậy.

Bài và ảnh: L.M.Hạ

Cùng chuyên mục