Sinh viên Oxford đồng ý cấm thịt bò, cừu để bảo vệ môi trường
Giới sinh viên Đại học Oxford vừa bỏ phiếu cấm bán các món thịt bò, thịt cừu tại căng tin nhằm góp phần giảm thiểu tác hại đối với môi trường do việc tiêu thụ thịt gây ra.
Hội sinh viên Oxford thông qua một đề nghị của đa số sinh viên về việc cấm bán món thịt đỏ tại các quán trong khuôn viên trường, bao gồm cả những nơi cung cấp đồ ăn trong thư viện đại học và các tòa nhà.
Đồng cỏ chăn thả chiếm chỗ bể chứa carbon tự nhiên
Theo đề xuất của Hội sinh viên, Đại học Oxford cần thể hiện tinh thần tiên phong trong vấn đề tiêu thụ thịt đỏ gây nhiều hệ lụy cho môi trường.
Lâu nay, là trường đại học hàng đầu của Anh quốc, Oxford bị chỉ trích vì thiếu đóng góp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Việc cấm thịt bò và thịt cừu tại các sự kiện và quầy ăn uống là chiến lược khả thi và hiệu quả để giúp nhà trường đạt được mục tiêu thay đổi vì môi trường xanh năm 2030.
Trước đó, Oxford đã có cam kết chống phân biệt chủng tộc và điều này thường đi kèm với mục tiêu giảm thiểu phát thải nhà kính.
Theo tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh), ngành chăn nuôi tạo ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngang với “tất cả lượng ô tô, xe tải cộng lại”, với hàng triệu km vuông ‘bể chứa carbon’ tự nhiên đã bị phá hủy bởi các chủ trang trại gia súc để nhường chỗ cho đồng cỏ chăn thả.
Hơn nữa, tác động môi trường của việc ăn thịt bò và thịt cừu được ghi nhận nghiêm trọng hơn so với các loại thực phẩm khác. Điều này là do bò và cừu là động vật nhai lại, quá trình tiêu hóa của chúng tạo ra lượng khí methane cao hơn.
Hơn 5 tấn CO2 thải vào môi trường mỗi năm
Do đó, lượng khí nhà kính được cho là có thể giảm đáng kể nếu loài người thay đổi cách tiêu thụ thực phẩm, với việc hạn chế ăn thịt bò và cừu có thể đem đến việc hạn chế hơn 5 tấn CO2 thải vào môi trường mỗi năm trước năm 2050.
Ben Farmer, đại diện cho nhóm hoạt động cộng đồng tại Oxford, cho biết:
“Điều quan trọng là các thay đổi về thói quen dùng thực phẩm không mang tính ép buộc mọi sinh viên hoặc nhân viên tại trường đại học phải tuân thủ.
Hơn nữa, những thay đổi dựa trên thực phẩm chỉ là một phần của những thay đổi mà chúng tôi muốn thấy trường đại học thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.”
Trước Đại học Oxford, Đại học Cambridge và Đại học Goldsmiths ở London đều đã phát động chiến dịch truyền thông và lệnh cấm thịt bò trong căng tin nhà trường.
Thực tế, thịt bò hiện góp khoảng 7% lượng calo trong khẩu phần ăn hàng ngày của người phương Tây, do vậy, các nhà hoạt động môi trường thường đưa ra khuyến cáo phương pháp hiệu quả nhất giảm thiểu tác hại tới môi trường là giảm lượng tiêu thụ thịt bò.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trong giới khoa học cho rằng việc kêu gọi từ bỏ hoàn toàn thịt bò trong khẩu phần ăn không hẳn là phương án tốt nhất mà mang tính cực đoan, giống như đòi người ta chuyển từ ăn mặn sang ăn chay để bảo vệ môi trường. Điều quan trọng là các trang trại gia súc cần áp dụng phương pháp chăn nuôi giảm thiểu các chất thải gây ô nhiễm từ bò, như chăn thả trên đồng cỏ và giảm nuôi bằng các loại thức ăn công nghiệp.
Thiệu Kiệt
Theo 24hsongxanh.vn/ Unilad
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/sinh-vien-oxford-dong-y-cam-thit-bo-cuu-de-bao-ve-moi-truong/