Singapore để không gian xanh phát triển hoang dã

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không gian xanh nơi công cộng của Singapore ít được cắt tỉa hơn so với bình thường. Nhờ vậy mà người ta bỗng phát hiện đây là cách làm cho thành phố Sư tử đẹp tự nhiên và hoang dã hơn.

Nghiên cứu cho thấy, trong hai tháng chính quyền áp dụng quy tắc “ngắt mạch” ngừa lây lan coronavirus, từ ngày 7/4 đến ngày 1/6, các hoạt động cắt tỉa, nhổ cỏ tạm dừng, các khoảnh cây cỏ tự nhiên trên khắp Singapore trở nên khởi sắc hơn.

singapore-de-khong-gian-xanh-phat-trien-hoang-da
Những mảng xanh đô thị ở Singapore là niềm mơ ước với nhiều người dân nước khác

Giảm ô nhiễm và tiếng ồn

Tại những bãi cỏ trước đây vốn được cắt xén cẩn thận, người ta thấy các loại hoa dại nhiệt đới, cây bụi rừng và cây non bản địa mọc lên như nấm sau cơn mưa. Người dân cũng thấy nhiều loại bướm, ong và chim kéo nhau bay về các thảm cỏ ở khu dân cư, ven đường và đường dẫn vào công viên.

Nhờ vậy, nhiều người dân bày tỏ sự thích thú trước vẻ đẹp và sự đa dạng của đời sống động thực vật mà “nhờ” Covid-19, họ mới nhận ra. Một số người lớn tuổi còn nhận xét rằng cảnh quan tươi tốt này khiến họ nhớ lại Singapore vào những năm 1960 và 70.

Một số ý kiến ​​cho rằng không gian xanh ít được cắt tỉa cẩn thận còn giúp làm giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn do các thiết bị cắt tỉa cây và máy cắt cỏ chạy bằng xăng gây ra.

Trong khi đó, một giới chức Quốc hội Singapore bình luận rằng việc chăm sóc mảng xanh công cộng với tần suất thấp hơn có thể tiết kiệm chi tiêu công, giảm nhu cầu nhân lực và cải thiện đa dạng sinh học ở Singapore.

Cuộc tranh luận về việc liệu chính quyền thành phố có nên để cho các mảng cỏ mọc tự do khiến người ta phải suy nghĩ lại về phương pháp quản lý cây xanh lâu nay.

singapore-de-khong-gian-xanh-phat-trien-hoang-da
Loài bướm xuất hiện trở lại trên những thảm cỏ ngoài đường

‘Thành phố bền vững’

Giới chuyên gia đô thị tin rằng phương cách “tái tạo tự nhiên”, nghĩa là cho phép thực vật phát triển tự phát trong không gian do con người tạo ra, có thể hình thành các thành phố bền vững và lành mạnh về mặt sinh thái.

Trái ngược với quy chuẩn trước thời Covid-19 của Singapore về những bãi cỏ được cắt đều thẳng tắp, phương cách “tái tạo tự nhiên” giúp hệ sinh thái phát triển đa dạng và linh hoạt hơn. Sự hiện diện của các loài thực vật đa dạng và lớp mùn từ lá rụng giúp cải thiện chất lượng đất và chống xói mòn.

Chúng cũng bảo vệ cư dân đô thị khỏi tình trạng lũ quét và nắng nóng – hai mối đe dọa ngày càng tăng do tình trạng ấm lên toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng.

Nghiên cứu tại khu vườn Ventus trong khuôn viên trường Đại học Quốc gia Singapore, một bãi cỏ tự nhiên rộng 2.500 m2, cho thấy một ví dụ tích cực: Sau 18 tháng không cắt tỉa, nhiệt độ bề mặt của nơi thấp hơn 4°C so với các bãi cỏ xung quanh.

Việc cắt cỏ ít thường xuyên hơn có thể làm giảm việc vận chuyển tốn nhiều xăng của công nhân cảnh quan và việc sử dụng thiết bị cắt tỉa có động cơ, do đó giảm phát thải khí nhà kính. Đó là chưa kể việc giảm số giờ lao động hiện dành cho việc cắt cỏ, trồng trọt, đánh cây và bón phân cũng sẽ cắt giảm chi phí và tiết kiệm tài nguyên.

Đáng lưu ý, hiện tại, ngoài Singapore, nhiều thành phố lớn khác đã bắt đầu chú trọng việc hình thành những cảnh quan tự nhiên nằm đan xen trong những dãy cao ốc bê tông.

singapore-de-khong-gian-xanh-phat-trien-hoang-da
Những bãi cỏ xanh mướt tự nhiên do không còn bàn tay người chăm sóc như trước thời Covid-19

Ở New York có cầu cạn đường sắt bỏ hoang High Line nay trở thành rừng cây và đồng cỏ với hàng trăm loài thực vật. Trong khi đó, công viên Queen Elizabeth Olympic ở London, Anh quốc được biết đến với đồng cỏ đầy màu sắc của những loài hoa dại bản địa. Cả hai công viên này đều chú trọng phương pháp bền vững nhằm giảm thiểu việc cắt cỏ, sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, chính sách để cho Mẹ Thiên nhiên để mặc cây cối phát triển có thể bị phản đối bởi những người đã quen với những thảm xanh được cắt tỉa cẩn thận.

Hơn nữa, về lâu dài, không có gì đảm bảo việc để cho thực vật tùy nghi phát triển thì sẽ đạt được sự đa dạng sinh học. Nguyên do là các loài xâm lấn phát triển nhanh như cây hoa bìm bìm và cỏ tranh có xu hướng mọc lấn át các loài thực vật bản địa phát triển chậm, như chúng ta có thể thấy ở một số khu đất bỏ hoang, có ít thảm thực vật.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ CNA

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/singapore-de-khong-gian-xanh-phat-trien-hoang-da/

Cùng chuyên mục