Sài Gòn từng rất thơm…

Những người mỗi ngày ra phố, đối mặt trực tiếp với ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí đang tác động rõ rệt lên chính mình, sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị mà thực tế về nơi mình đang sống.

Trong bức tranh đa chiều về về ô nhiễm không khí (ONKK), cảm nhận của những người dễ bị bỏ quên hay ít được quan tâm trong các câu chuyện về ONKK ở đô thị lớn quả là đáng lưu tâm.

Không khí đô thị với người mù và bán hàng rong

Với ông Thiện, mảng xanh ở dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, Sài Gòn là một trong những nơi dễ chịu nhất trong số những lối đi mà người khiếm thị như ông cảm nhận được.

Người khiếm thị có cách cảm nhận về môi trường rất riêng biệt. Ông Thiện, ngụ ở đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn kể: “Ông trời lấy đi thị giác, ổng cho lại những giác quan khác nhạy hơn. Hồi tôi còn trẻ, Sài Gòn thơm lắm. Hằng ngày tôi đều thích bước ra khỏi nhà để cảm nhận cho hết hương thơm đất trời. Những ngày nắng, tôi ngửi thấy hương hoa sứ ngòn ngọt, ngày mưa thoang thoảng hương ngọc lan, cảm giác mát và dịu ngập tràn trong phổi. Bây giờ không khí ở Sài Gòn khác rồi, hầu như toàn ngửi thấy bụi, nó cứ nằng nặng, ngồm ngộp, khó thở, nên tôi cũng hạn chế ra ngoài. Những người không nhìn thấy như tôi rất ghét bụi bởi dù không nhìn được nhưng tôi cảm nhận được một cách sâu sắc qua xúc giác, khứu giác… Nếu bạn có dịp đến các trung tâm dành cho người khiếm thị, các bạn sẽ thấy đồ vật luôn thường được lau dọn sạch sẽ.

Ông Thiện nói thêm: “Tôi ở cái hẻm này ngót cũng được 60 năm hơn, hồi đó mắt tôi còn sáng. Đi học, trường cách nhà chưa đầy một cây số, lúc đó con đường này đẹp lắm, hai bên toàn là cây xanh. Rồi, từ hồi nào, tôi cảm giác thành phố giống như một ổ kiến lửa, bàn tay chỉ còn chạm vào cát và bê tông, bàn tay tìm kiếm thân cây dần vắng bóng…, nghĩ cũng buồn”.

Người bán hàng rong ở lề đường phường Phước Long, Q.9, Sài Gòn này chỉ có một thứ phòng bị duy nhất với ô nhiễm không khí là cái khẩu trang vải.

Người phụ nữ bán hàng rong ở phường Phước Long B, Q.9 này thì kể rằng: “Tôi hay bán khoai bán bắp ngay góc đường này, dù biết bụi bặm nhiều, nhiều hơn hồi trước ghê lắm, cũng ngán xe qua lại nhưng nhờ vậy mà lo đủ cho 3 miệng ăn. Đúng là từ lúc chuyển qua tuyến đường này ngồi bán lê lết bệnh có nhiều hơn. Tôi ho cả tháng nay rồi, đi khám, uống thuốc hoài không hết bệnh. Để bớt bụi phà vào mặt thì tôi mua cái khẩu trang vải này, 8,000 đồng một cái. Khẩu trang tốt 50,000 đồng/ cái còn mắc hơn 1 ký bắp khó lắm tôi mới bán được. Thôi che khẩu trang vải cũng được, giặt lại xài nhiều lần vậy. Ví von thế này, người ta ra chiến trường có khiên có giáo, tôi đi bán có rau củ có cái khăn hay khẩu trang là chiến được hết. Miễn sao con tôi được đi học đàng hoàng, cực mấy cũng chịu. Tôi sẽ cố chăm lo sức khỏe tới đâu hay tới đó, chứ có những thứ xa vời quá muốn nói cũng không có kiến thức. Như chuyện ô nhiễm không khí, tôi ít học biết gì đâu mà mong cầu, chỉ mong đường ít bụi hơn để tôi đỡ ho, đỡ tiền thuốc!

Vẫn đi tìm một giải pháp căn cơ?

Đây là 2 trong số những nhân vật tham gia chương trình Chuyện ngày xámHumans of Air Pollution trong khuôn khổ của chiến dịch Không khí sạch, bầu trời xanh, do doanh nghiệp xã hội Change thực hiện, chia sẻ góc nhìn về hiện trạng ONKK của những người dân đang sinh sống tại TP.HCM và Hà Nội. Họ là những đại diện cho tiếng nói của những người yếu thế, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ONKK, những người cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của bầu không khí qua từng giác quan, và đang chống chọi sự tác động nặng nề của ONKK với sức khỏe của họ và gia đình họ.

Nhóm Bitpo, gồm các sinh viên trường Đại học Kinh Tế – Luật đang hoàn tất dự án về sản phẩm màng chắn bằng tảo và diệp lục để giảm thiểu khí CO2 từ ống pô xe máy.

Sống cùng với thực trạng chất lượng không khí (CLKK) ngày càng suy giảm, rapper Đinh Tiến Đạt tâm sự: “Tôi thấy nếu gia đình tôi đang chịu ảnh hưởng một thì những người điều kiện sống thấp hơn ngoài kia sẽ phải chịu ảnh hưởng gấp trăm lần. Trồng cây quanh nhà, lắp máy lọc không khí, hạn chế ra ngoài, hạn chế mở cửa sổ, đó đều là những biện pháp mà mỗi người đều có thể thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình. Tuy nhiên đó đều không phải là giải pháp tốt nhất.” Bên cạnh những giải pháp cục bộ mà các hộ gia đình ứng dụng, có không ít những giải pháp sáng tạo được đề ra từ các nhóm cộng đồng trẻ nhằm mang lại giải pháp lâu dài cho vấn đề ONKK, thể hiện tín hiệu lạc quan về ý thức cải thiện CLKK tại Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu này dù khá tích cực nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

2 năm hoạt động, nhóm Xanh Hà Nội đã trồng được hơn 1,500 cây xanh và đang ấp ủ dự định mở rộng mô hình “phủ xanh đô thị” ra các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Ninh, Sài Gòn…

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc Change cho biết, Change đã khảo sát và tổng hợp ý kiến của 20.000 người trên toàn quốc về ONKK. Kết quả cho thấy 75% cảm thấy không hài lòng với CLKK tại khu vực mình sinh sống, 18% ý kiến cho rằng nên áp dụng hình thức thu phí khí thải đối với các phương tiện giao thông. Theo đó, người dân mong muốn có một bộ luật riêng được ban hành nhằm quản lý CLKK hiệu quả hơn, cần phải có các biện pháp chính sách như thu phí khí thải đối với các ngành công nghiệp nặng như sắt, thép, xi măng, nhiệt điện, hoá chất… và thắt chặt tiêu chuẩn phát thải để cải thiện tình trạng không khí.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/sai-gon-tung-rat-thom/

Cùng chuyên mục