Rộn ràng Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn

Với người Hoa Chợ Lớn, rằm tháng Giêng – Tết Nguyên tiêu mới thật sự là thời điểm rộn ràng nhất của những ngày đầu năm. Điều này thấy rõ nhất trong các hội quán, chùa chiền ở khu vực quận 5, Sài Gòn.

Rằm tháng Giêng là thời điểm các chùa của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận nói chung, đông khách viếng nhất. Đây là dịp để mọi người cùng nhau đi chùa khấn vái, xin xăm, xin lộc trả lộc, cầu tài, cầu sức khỏe, bình an gia đạo… với tất cả sự thành kính và tin tưởng. Dĩ  nhiên, không chỉ có người Hoa, mà còn có rất đông người Việt đi viếng chùa và cả du khách nước ngoài. Trong đó, khách đến viếng Nghĩa An hội quán (tức chùa Ông, thờ Quan thánh Đế quân) và hội quán Tuệ Thành (tức chùa Bà Thiên Hậu ) đông nhất. Rằm tháng Giêng cũng là dịp lễ cúng Quan Đế lớn nhất trong năm.

Các chùa lớn, đông khách viếng ở Chợ Lớn đều rất quy củ, nghiêm ngặt chuyện thắp nhang.. Khách được phát 3 cây nhang miễn phí và chỉ được thắp ở nơi được chỉ định. Tuyệt đối không có trường hợp ngoại lệ.
Nhiều người không biết tiếng Hoa, nên các chùa thường có sẵn người viết hộ cho các sớ cầu an.
Người Hoa hay có thói quen treo đèn cầu bình an, cầu tài lộc… đầu năm, treo ngay trong chánh điện. Có 6 mức giá cho các loại đèn treo, từ thấp nhất 120.000 đồng đến cao nhất 1.380.000 đồng/ lồng đèn tùy theo khả năng của gia chủ.
Nhang khoanh là đặc trưng rất riêng của các ngôi chùa người Hoa nói chung và ở Chợ Lớn nói riêng. Người ta có thể thắp nhiều nhang cây nhưng nhang khoanh thì chỉ một. Và không được tự động treo mà phải cậy đến người làm công quả ở chùa.
Kẻ cắm vào vừa rời chân nhang thì đã có người gom bỏ đi. Đây là thực tế quen thuộc ở các chùa, nhưng người ta hầu như không quan tâm đến việc cây nhang sẽ ở lại lư hương bao lâu, mà là phải đốt sao cho thật nhiều nhang!
Hầu hết ai đi các chùa đều thỉnh lộc hoặc vay lộc làm ăn. Họ luôn sẵn tiền lẻ để gửi lại nhà chùa khi rước lộc. Lộc thường là phong bao lì xì, trái cây…
Đây là Mã Đầu tướng quân (người giữ ngựa Xích Thố cho Quan Công) đứng bên ngựa Xích Thố. Khách viếng chùa Ông thường xếp hàng để được chui bụng ngựa, rung lục lạc để cầu may.
Người thanh niên trong ban phục vụ lễ hội của chùa Ông đang cầm tiền mà khách đi chùa dúi vội cho anh khi thỉnh lộc để cho vào thùng công đức. Một người phục vụ khác trông thấy nói anh nên giữ xem như tiền để uống cà phê nhưng anh từ chối. Một hành động rất nhỏ,nhưng đáng để ngẫm trong thời điểm dư luận rất nhạy cảm với các thể loại thùng công đức.
Trong khi khách vào chùa đang được đưa nhang để thắp thì một người làm công quả đang vác thùng rác toàn là nhang các loại đi đổ. Việc này diễn ra liên tục. Rằm tháng Giêng là rằm lớn và lượng nhang tiêu thụ ở các chùa cũng nhiều kỷ lục.
Tèo, 8 tuổi, bán vé số khu vực chùa Ông được 2 năm. Tèo có đứa em còn ẵm ngửa và mẹ em cũng là “đồng nghiệp”. Tèo không biết chữ nhưng nhớ rõ mặt số, ngày rằm đông khách, em bán được gần cả trăm vé. Dịp rằm, khách đi chùa cũng hay chọn mua vé số như một cách cầu may.
Rằm tháng Giêng, đi chùa, chụp hình lưu niệm với Lân, Thần Tài, Thổ Địa, theo quan niệm của nhiều người đó là sự may mắn và hanh thông.
Cho lân ăn lộc, cũng là một cách để cầu may đầu năm. Múa lân nhận lộc, cũng là dịp để tăng thêm thu nhập cho các đội múa lân sư rồng.
Tháng Giêng là dịp các đoàn lân sư rồng hoạt động với cường độ cao nhất. Quận 5 hiện có số lượng đoàn lân sư rồng lớn nhỏ các loại nhiều nhất Sài Gòn và là nguồn cung chính cho các hoạt động lệ hội, buôn bán, khai trương… có nhu cầu cần đến lân sư rồng.
Hiện UBNDQ.5 đang tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nguyên tiêu tại Quận 5 để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa lễ hội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hình là Tổ lập hồ sơ đang thực hiện việc ghi lại tư liệu để chuẩn bị hồ sơ.

Bài & ảnh: Sơn Trà.

Cùng chuyên mục