Quảng Nam di dời người dân quanh nhà máy ô nhiễm

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu huyện có phương án di dời người dân xã Đại Tân đến nơi ở mới, đảm bảo các điều kiện hạ tầng thiết yếu.

Người dân dựng lều tập trước nhà máy từ sáng 19 đến 28/9 để phản đối. Ảnh: Đắc Thành.
Người dân dựng lều tập trước nhà máy từ sáng 19 đến 28/9 để phản đối.

Ngày 27/9, ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch Quảng Nam có chỉ đạo yêu cầu Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (chủ nhà máy cồn Đại Tân) khẩn trương có phương án khắc phục sự cố tràn dầu fusel, tuyệt đối không để dầu tràn ra ngoài khu vực đã xảy ra sự cố, xử lý triệt để mùi hôi, đảm bảo môi trường sinh sống cho người dân địa phương quanh nhà máy.

Phó chủ tịch Quảng Nam cho rằng, sự cố xảy ra là điều đáng tiếc, trách nhiệm trước hết thuộc về công ty, tuy nhiên việc người dân tập trung đông người cản trở việc xử lý, khắc phục sự cố của nhà máy là không đúng pháp luật.

Nếu không kịp thời khắc phục ngay sự cố, có thể kéo theo sự cố khác xảy ra, lúc đó thiệt hại của công ty và người dân sẽ lớn hơn, hậu quả khi đó có phần trách nhiệm của những người ngăn cản“, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh nêu.

Nước trong nhà máy cồn Đại Tân có màu đen chảy ra môi trường. Ảnh: Đắc Thành.
Nước trong nhà máy cồn Đại Tân có màu đen chảy ra môi trường.

Trước việc này, tỉnh Quảng Nam yêu cầu huyện Đại Lộc vận động, thuyết phục nhân dân không gây mất an ninh trật tự tại địa phương và khẩn trương tạo điều kiện để công ty khắc phục sự cố, đồng thời khảo sát và đánh giá việc ảnh hưởng của nhà máy đến đời sống nhân dân. Huyện phải có phương án di dời người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi nhà máy đến nơi ở mới, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Địa điểm di dời phải được người dân đồng thuận, đảm bảo các điều kiện hạ tầng thiết yếu cho sinh hoạt như giao thông, điện, nước… Kinh phí và tiến độ thực hiện báo cáo về tỉnh và các ngành xem xét quyết định“, ông Thanh yêu cầu.

Phía nhà máy cồn Đại Tân phải lập phương án hoạt động đảm bảo an toàn sau khi khắc phục xong, cam kết bằng văn bản trước nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình hoạt động.

Nếu để xảy ra sự cố tương tự thì nhà máy phải đóng cửa, không hoạt động cho đến khi hoàn thành việc di dời dân đến nơi ở mới“, ông Lê Trí Thanh nói.

Trước đó, đêm 18 rạng sáng 19/9, trong quá trình sản xuất, công nhân nhà máy cồn Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) vận hành đã để tràn dầu fusel từ bồn chứa ra ngoài và phát tán tạo thành mùi hôi thối “tấn công” cư dân xung quanh. Trong đêm, người dân xã Đại Tân kéo về cổng nhà máy dựng lều để phản đối, đồng thời gửi đơn đến UBND Quảng Nam yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc di dời dân đến nơi ở mới, vì bị ô nhiễm môi trường khói bụi, mùi hôi… xảy ra nhiều năm nay.

Ngày 20/9 huyện Đại Lộc đình chỉ hoạt động của nhà máy cồn Đại Tân. Chính quyền đã giải thích nhưng người dân không đồng tình và tiếp tục tập trung đứng trước nhà máy phản đối. Chiều 24/9, lãnh đạo huyện Đại Lộc cùng công ty đối thoại với người dân trước cổng nhà máy nhưng bất thành.

Năm 2012, Nhà máy cồn Đại Tân đi vào hoạt động, do Công ty cổ phần Đồng Xanh làm chủ đầu tư. Sau hai năm sản xuất, nhà máy phải tạm dừng do làm ăn thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.

Đến năm 2015, công ty này chuyển giao quyền quản lý cho Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm sản xuất cồn sinh học ethanol với công suất 100.000 tấn/năm, loại này cung cấp làm xăng E5.

Quá trình sản xuất, nhà máy từng nhiều lần để xảy ra sự cố. Tháng 7/2018, người dân ở xã Đại Tân đồng loạt ký đơn yêu cầu cơ quan chức năng huyện Đại Lộc và tỉnh Quảng Nam xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư sinh sống.

Bài & ảnh: Đắc Thành

Theo VnExpress

Cùng chuyên mục