Quản lý nước sinh hoạt tại Hội An: Lỏng lẻo và nhiều hệ lụy

Hệ thống cung cấp nước thủy cục chưa đảm bảo; quản lý khai thác nước ngầm bị buông lỏng… là những nguyên nhân khiến vấn đề nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hội An gây bức xúc và có khả năng vượt tầm kiểm soát.

Khu dân cư làng Chài vẫn chưa có nước sạch dù hệ thống nước đã được lắp đặt.Ảnh: V.L
Khu dân cư làng Chài vẫn chưa có nước sạch dù hệ thống nước đã được lắp đặt.Ảnh: V.L

DAI DẲNG KHAI THÁC NƯỚC NGẦM

Hơn 35% hộ dân trên địa bàn TP. Hội An không dùng nước sạch của nhà máy, đồng nghĩa rất nhiều người trong số này sử dụng nước dưới đất (nước ngầm). Trong khi đó, UBND tỉnh đã nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm tại những khu vực có đường ống nước thủy cục chảy qua.

“Né” nước  thủy cục

Theo Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ dân đăng ký đấu nối sử dụng nước nhà máy thủy cục chỉ đạt khoảng 65%, đồng nghĩa với hộ dân và doanh nghiệp còn lại sẽ sử dụng nguồn nước ngầm. Số chưa đăng ký chủ yếu thuộc các phường Cẩm An, Tân An, Thanh Hà, Cẩm Hà… Cá biệt, tại phường Cẩm An, chỉ có 27/1.424 hộ dân đăng ký đầu nối nước thủy cục (1,86%). Ngoài ra, có thể kể đến các xã Cẩm Hà: 424/1.923 hộ (22,05%); phường Thanh Hà: 847/2.876 hộ (29,45%); phường Tân An: 735/2.310 hộ (31.82%)… Ông Nguyễn Viết Thành – Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An khẳng định, hiện tại tất cả xã, phường trên địa bàn thành phố, kể cả tuyến đường ven biển từ sân gôn Montgomerie Links (Điện Dương, Điện Bàn – địa bàn do đơn vị quản lý) trở vào tới phường Cửa Đại đều có ống dẫn nước. “Chúng tôi đã gửi tất cả thông tin đến người dân, khách sạn, chính quyền địa phương nhưng số hộ dân đăng ký sử dụng cực kỳ thưa thớt. Tôi cam đoan nếu chỗ nào chưa có hệ thống nước nhà máy chỉ cần người dân báo, chúng tôi sẵn sàng kéo ống tới” – ông Thành nói.

Các hộ dân sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt.Ảnh: V.L
Các hộ dân sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt.Ảnh: V.L

Báo cáo của đơn vị này cũng cho thấy, bên cạnh một số khách sạn, khu resort, dự án lớn đang được triển khai như Marriott, Holiday Inn, Malibu, Rolya, Athena… chưa kết nối với hệ thống nước sạch thủy cục, thì một số khách sạn hoặc dự án dù có đấu nối nhưng chỉ số sử dụng nước rất ít. Đơn cử, khách sạn Green Apple, bình quân mỗi tháng dùng 500 mét khối nước; khách sạn Southern Hothel & Spa, bình quân 762 khối/tháng, thậm chí tháng 4.2019, cơ sở này chỉ sử dụng 309 khối nước. Cá biệt, khách sạn 4 sao Allmanda (Đồng Nà, Cẩm Hà), bình quân mỗi tháng sử dụng 168 khối nước (tương đương một homestay).

Đáng lo ngại nhất là một số khách sạn 5 sao ven biển Điện Bàn như The Nam Hải, Le Bellamy Hà My (Điện Dương) vẫn đang sử dụng nước ngầm. Mặc dù đến nay hệ thống cấp nước nhà máy đã kéo đến tận nơi. “Đơn vị đã nhiều lần chào mời khách sạn sử dụng nước thủy cục, nhưng họ nói không dùng vì còn giấy phép khai thác nước ngầm. Nói chung phần lớn những khu vực đất cát người dân và doanh nghiệp thường bơm nước ngầm dùng, hoặc nếu có lắp đồng hồ thì cũng sử dụng rất ít kiểu đối phó” – ông Thành phản ánh. Mức giá dịch vụ đơn vị cung cấp cho các cơ sở kinh doanh hiện nay là 12.000 đồng/m3, người dân là 8.500 đồng/m3.

Vi phạm quy định

Các nghiên cứu cho thấy, việc khai thác nước ngầm nếu vượt mức và không được kiểm soát, hậu quả rất nguy hiểm, rõ nhất là có thể gây sụt lún, nhiễm bẩn, xâm nhiễm mặn…, nhất là những khu vực gần biển. Mới đây, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu tiến hành ra quân bít lấp tất cả giếng khoan bơm, nghiêm cấm việc khai thác nước ngầm, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố.

Tại Quảng Nam, trong các năm 2014, 2016, 2019, UBND tỉnh cũng đã liên tiếp ban hành các văn bản quy định về việc sử dụng nước ngầm. Gần nhất là văn bản số 2181/UBND ngày 23.4.2019, nêu rõ, đối với các khu vực vùng ven biển như TP. Hội An, phía đông thị xã Điện Bàn, phía đông huyện Thăng Bình và TP. Tam Kỳ, khu vực trung tâm huyện Núi Thành và Khu công nghiệp Bắc Chu Lai cần hạn chế tối đa việc tham mưu cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển chỉ đạo Phòng TN-MT theo dõi, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất của các đơn vị tổ chức trên địa bàn, nhất là các khu vực ven biển; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các đơn vị, tổ chức đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và giấy phép còn hiệu lực nhưng tại khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung cung cấp đủ lưu lượng, chất lượng thì đề nghị chủ công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất hoàn trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép và thực hiện trám lấp giếng theo quy định.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Trường phòng TN-MT TP. Hội An, nếu khối lượng nước khai thác trên 10 khối/ngày đêm thì việc cấp phép thuộc Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh cấp. Do đó, việc kiểm tra thuộc Sở TN-MT. “Cơ quan tham mưu cấp phép cũng phải là cơ quan giám sát thực hiện, còn mình chỉ phối hợp thôi, nhưng chuyện còn rất dài. Trước tiên, phải có kế hoạch kiểm tra, rồi thông báo cho đối tượng kiểm tra… Nhưng thực tế, hàng năm Sở TN-MT cũng ít kiểm tra” – ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, do việc cấp phép khai thác nước ngầm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên thành phố hầu như không biết được việc này. “Hiện nay thành phố mới chỉ đánh giá sơ bộ nước ngầm tại đảo Cù Lao Chàm, còn trong đất liễn vẫn chưa có một khảo sát, điều tra, đánh giá trữ lượng nước ngầm một cách khoa học. Vì vậy, để biết được tác hại của việc khai thác nước ngầm thế nào trước tiên phải có số liệu điều tra về trữ lượng, tác động… để làm cơ sở đối chiếu so sánh, sau đó mới kiến nghị tỉnh về việc quản lý nước ngầm. Mà với tầm của Hội An thì việc khảo sát điều tra là rất khó. Tất nhiên, nếu khai thác nước ngầm quá mức sẽ không tốt” – ông Hùng nói.

Theo ông Trần Ngọc Văn – Trưởng phòng Quản lý nước, khí tượng, thủy văn (Sở TN-MT), UBND tỉnh đã ngưng cấp giấy phép khai thác nước ngầm và ngưng gia hạn giấy phép khai thác nước ngầm cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hội An tại những khu đã có nước thủy cục; kể cả xin khai thác tưới cây cũng không giải quyết. Do đó, những đơn vị khai thác nước ngầm hiện nay là vi phạm, nếu phát hiện sẽ bị xử lý. “Mình kiểm tra cũng phải định kỳ và theo kế hoạch được xây dựng đầu năm, nhưng cũng không thể đi hết được, chủ yếu là dưới địa phương họ giám sát” – ông Văn chia sẻ.

LÃNG PHÍ TẠI DỰ ÁN LÀNG CHÀI

Hơn 10 năm nay người dân sống trong dự án khu dân cư Làng Chài 1, 3, 4 (phường Cẩm An) chủ yếu sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt, dù mạng lưới đường ống đã được lắp đặt trong khu dân cư. Nguyên do là mạng lưới này không tương ứng với đường ống thủy cục, không thể đấu nối, dẫn đến cả hệ thống bị bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí.

Ông Trần Phu (tổ 3, khối Tân Thành, khu Làng Chài 1) cho hay, hơn 4 năm kể từ khi vào sống trong khu Làng Chài, gia đình ông chỉ sử dụng nước giếng cho sinh hoạt. “Lúc đầu thấy có đường ống kéo về cũng mừng nhưng rồi chẳng thấy nước chi cả” – ông Phu phản ánh. Tương tự, hộ ông Dương Đốc (tổ 3, Làng Chài 1) cũng cho biết, gia đình ông về đây sinh sống từ 2016 nhưng chỉ sử dụng nước giếng bơm. “Ở đây không có nước thủy cục, nước ăn, uống, sinh hoạt đều phải bơm giếng lên lọc. Hầu như nhà nào cũng có giếng và máy lọc nước tự trang bị. Tôi cũng không nghe ai nói khi nào có nước máy, mà có hay không thì dân dùng nước giếng cũng quen rồi. Bây giờ còn có máy lọc chứ trước đây chỉ lấy gàu bơm lên uống thôi” – vợ ông Đốc kể.

Các hộ dân sinh sống trong các khu Làng Chài đều thừa nhận, dù dự án khu dân cư được hình thành từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên dân vào ở đông nhất chỉ khoảng 4 – 5 năm trở lại đây và hầu như không nghe thấy nói gì đến nước thủy cục. Theo ông Nguyễn Viết Thành – Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An, nguyên nhân khu dân cư không có nước sạch bởi hệ thống đường ống không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. “Khoảng năm 2014 dự án Làng Chài mời chúng tôi đến làm việc nhằm đấu nối hệ thống nước khu dân cư vào hệ thống nước nhà máy để đơn vị quản lý khai thác, nhưng do hệ thống đường ống không đảm bảo nên công ty không đồng ý đấu nối, từ chối nhận quản lý dự án” – ông Thành thuật lại. Cụ thể, hệ thống đường ống cấp nước khu dân cư là ống kẽm, điều này đi ngược lại những khuyến cáo Tiêu chuẩn 33 của Bộ Xây dựng về ngành nước (TCXDVN 33:2006), Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch là không nên dùng ống kẽm trong cấp nước, ngoại trừ những vùng đặc thù hoặc tuyến ống qua cầu… và chỉ sử dụng cho hệ thống cấp 1, còn hệ thống dịch vụ cấp 3 (nối vào hộ dân) thì không được.

Ông Thành cho rằng, ngoài việc không phù hợp, trường hợp nếu sử dụng ống kẽm thì dự án cũng phải đưa luôn cả đầu nối T chờ vào trong hộ dân chứ không thể làm ống không vì phải khoan đấu nối. Nhưng hiện nay không thể khoan đai cho đường ống kẽm, phải có hệ đấu nối riêng, bởi không ai dùng cách này nữa. Chưa kể, khu dân cư nằm gần biển, có độ nhiễm mặn nhất định, nếu sử dụng ống kẽm trong vòng 3 năm ống sẽ gỉ sét và đổi màu, tăng hàm lượng kim loại trong cấp nước, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. “Ngoài những tác hại về chất lượng nguồn nước, nếu đưa vào khai thác hệ thống ống kẽm việc thất thoát về cấp nước là khó tránh khỏi, nên đơn vị không nghiệm thu và không nhận. Giả sử chúng tôi nhận đưa vào sử dụng thì cũng chỉ khoảng 2 năm sẽ phải lôi lên thay thế đường ống khác. Hơn 4 năm nay rất nhiều lần họ mời đơn vị đến hỏi tại sao không đấu nối được, chúng tôi cũng đã nói lý do, đồng thời đề nghị họ khắc phục nhưng cũng không thấy phản hồi hay sửa chữa, khắc phục gì cả” – ông Thành nói.

Theo quy định cấp nước, trong vòng một năm nếu hệ thống không đưa vào sử dụng sẽ phải nghiệm thu lại xem có đạt chất lượng hay không, tuy nhiên thông thường ống kẽm sẽ bị gỉ sét, điều đó cũng đồng nghĩa cả hệ thống phải bỏ vì không thể cấp nước được. “Về nguyên tắc anh phải làm đúng tiêu chuẩn, đúng quy định, phù hợp với thực tế quản lý của đơn vị cấp nước địa phương. Mà trong cấp nước có nhiều chuẩn về phụ tùng nên không thể nói đã được các bộ phận liên quan phê duyệt, thẩm định được, việc này không phù hợp. Tất nhiên, đơn vị nào thẩm định cũng phải đảm bảo chuẩn mực tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Đáng ra, khi thiết kế lắp nước phía chủ đầu tư là Phòng TN-MT TP.Hội An tham khảo ý kiến của đơn vị thì sẽ tránh trường hợp như hiện nay. “Yêu cầu của chúng tôi là phải thay đổi tất cả ống dịch vụ từ ống kẽm sang ống nhựa HDPE và thay thế các phụ kiện dán keo không đảm bảo mới có thể nghiệm thu được” – ông Thành nói thêm.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Trưởng phòng TN-MT TP. Hội An, do dự án đã diễn ra từ nhiều năm trước nên ông không nắm được, phải cần thời gian nghiên cứu lại hồ sơ mới có thể trả lời chính xác. Tuy nhiên giải pháp sắp tới sẽ là thay thế hệ thống ống kẽm theo yêu cầu của Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An. “Chúng tôi đã làm việc với phía xí nghiệp để có phương án thay đổi  một phần ống kẽm sang ống nhựa HDPE để dân sớm có nước sử dụng, còn cụ thể thế nào tôi sẽ cho biết sau” – ông Hùng trao đổi.

TÌM GIẢI PHÁP CHO NƯỚC SINH HOẠT

Tuy mạng lưới nước thủy cục cơ bản phân bổ đến các địa bàn dân cư, nhưng người dân nhiều khu vực vẫn sử dụng nước ngầm dù chất lượng không phải đều đảm bảo. Thậm chí, tại các xã Cẩm Hà, Thanh Hà nước ngầm bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn không mặn mà đăng ký sử dụng nước nhà máy.

Một số dự án ven biển Hội An vẫn chưa sử dung nước thủy cục.Ảnh: V.L
Một số dự án ven biển Hội An vẫn chưa sử dung nước thủy cục.Ảnh: V.L

Loay hoay chuyện cấp nước

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua Hội An liên tục thiếu nước trên diện rộng; công suất nước cung cấp giảm hơn 3.500 khối, chỉ còn khoảng 15.000 mét khối/ngày, đêm. Nghiêm trọng nhất là khu vực cuối hai thôn Thanh Tam và Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh), cuộc sống của khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng gay gắt do thiếu nước. Những nơi khác trên địa bàn thành phố nếu có, nước cũng rất yếu và chất lượng thấp do bị nhiễm mặn.

Hội An là thành phố du lịch với khoảng 600 cơ sở lưu trú (hơn 10.200 phòng), tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân mỗi năm trên 20%, riêng năm 2018 Hội An đón gần 5 triệu khách tham quan, lưu trú. Việc thiếu nước khiến cuộc sống người dân và hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch khốn đốn. Ông Lê Quân – Giám đốc Khu du lịch Vạn Dừa (Cẩm Thanh) cho biết, hơn một tháng nay nước nhà máy rất yếu, để có nước sử dụng công ty phải đấu nối  trực tiếp vào đường ống chính dẫn về khu du lịch, sau đó dùng máy công suất lớn hút vào bể trữ, nhưng nước vẫn thiếu. “Ở Cẩm Thanh, nước ngầm bị nhiễm phèn không thể dùng được nên chỉ trông chờ nước sinh hoạt thôi, do đó nước thiếu rất khổ” – ông Quân phàn nàn.

Tại xã Cẩm Hà, dù nguồn nước ngầm không an toàn do nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu của hơn 220ha đất trồng quật thấm xuống, nhất là ô nhiễm từ bãi rác Cẩm Hà và nghĩa địa gần kề, nhưng người dân vẫn bất chấp dùng nước ngầm. Theo bà Nguyễn Thị Min (thôn Bầu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà), ngoài tiết kiệm tiền và thói quen sử dụng thì việc nguồn nước nhà máy cung cấp yếu, chất lượng không tốt bằng nước ngầm nên người dân không muốn dùng. Tương tự, ông Nguyễn Trúc (thôn Bầu Ốc Thượng) cho biết, hầu hết nguồn nước sử dụng cho việc ăn uống, sinh hoạt đều lấy từ nước giếng khoan mặc dầu trong khu vực đã có nước máy. “Dùng nước giếng đỡ tốn tiền, nước lại trong ngon, nếu mình đóng sâu dưới đất thì cũng không lo sợ gì” – ông Trúc nói.

Theo ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An, người dân trên địa bàn phường không dùng nước thủy cục vì sợ tốn tiền, chưa kể nước không đảm bảo. “Nước ở đây rất ngon vì gần biển. Một số người ở phố cũng xuống đây bơm nước giếng về dùng, nên người dân không có nhu cầu dùng nước máy” – ông Công nói.

Nâng cấp mạng lưới cung cấp nước

Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An luôn khẳng định, hệ thống ống nước đã phủ đến tất cả xã phường Hội An, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, điều này không đúng thực tế. Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Trưởng phòng TN-MT TP. Hội An, nhiều vùng ở Hội An vẫn chưa có đường ống nước kéo đến, chưa kể hệ thống đường ống nhỏ nên khó thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dùng. “Tất nhiên, các doanh nghiệp phải sử dụng nước thủy cục, chỉ doanh nghiệp nào không sử dụng nước cấp của nhà máy thì mới lập thủ tục xin UBND tỉnh được phép khai thác nước ngầm, còn lại buộc phải sử dụng nước cấp hết, đồng thời sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây, anh nào không thể tưới được mới xin khai thác nước ngầm, và phải được cấp phép, nhưng tôi được biết rất nhiều khu vực của Cẩm An, Cẩm Hà,Thanh Hà… vẫn chưa có hệ thống nước tới” – ông Hùng quả quyết.

Ông Trương Ngọc Hoàng Thông – Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp thoát nước Hội An cho biết, lượng nước trung bình đơn vị phát ra hệ thống khoảng 18.500 mét khối/ngày đêm. Trong khi Nhà máy nước Hội An công suất chỉ 16.000 mét khối ngày/đêm. Do vậy, từ đầu năm 2019 khi Nhà máy nước Trảng Nhật (Điện Thắng Bắc, Điện Bàn, công suất 15.000 mét khối/ngày đêm) đi vào hoạt động, đơn vị cũng đã kết nối đưa nước về Hội An. Riêng với Nhà máy nước Hội An, dự kiến cuối năm nay sẽ đầu tư nâng cấp lên 30.000 khối/ngày đêm, khi đó chắc chắn đảm bảo nguồn cung lâu dài và ổn định cho thành phố.

Với việc đưa nước từ nhà máy nước Trảng Nhật về, chắc chắn nước cung cấp tại Hội An sẽ dư thừa. Riêng chuyện thiếu ở Cẩm Thanh thời gian qua chỉ mang tính cục bộ, các xã phường còn lại không thiếu. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ kết thúc cuối tháng 7 này. Trước mắt, chúng tôi sẽ mở thêm đường ống cung cấp nước về đây. Cụ thể, xí nghiệp đang xúc tiến đường ống (đường kính 160mm) theo đường biển vào Đồng Muối xuống Cẩm Thanh, riêng những khu vực nội bộ sắp tới cũng sẽ đầu tư đường ống vào tận nơi, dự kiến cuối tháng 7 sẽ xong. Với việc chống nhiễm mặn, về lâu dài chúng tôi sẽ tìm nguồn nước ổn định hơn. Sắp tới sẽ lập dự án đưa nước sông Bàu Sấu, khu vực đập Bàu Mít (Điện Hòa, Điện Bàn) về. Chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát xong, dự kiến hoàn thành trước tết âm lịch 2020” – ông Thông cho biết.

Vĩnh Lộc

Theo Quảng Nam Online 

Cùng chuyên mục