Phố thời 4.0

Ở khu vực miền Trung, TP.Đà Nẵng luôn có điều kiện và khát vọng để vượt lên phía trước, mà câu chuyện thành phố thông minh là thí dụ. Tất nhiên, công nghệ nào cũng có xuất phát điểm từ chính con người…

Một góc công viên phần mềm Đà Nẵng trên đường Quang Trung, quận Hải Châu.
Một góc công viên phần mềm Đà Nẵng trên đường Quang Trung, quận Hải Châu.

Chuyện nhỏ

Video đồ họa dài 2 phút 49 giây mà Sở TT-TT TP. Đà Nẵng gửi đến các sở, ngành, địa phương liên quan hồi đầu tuần này thoạt xem chỉ là một trao đổi nghiệp vụ. Tất cả xoáy vào mục tiêu chính: Diễn đạt nội dung để xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, giảm ùn tắc giao thông tại các trục đường chính mà trẻ em là tâm điểm bởi chủ đề năm 2018 mang tên “An toàn giao thông cho trẻ em”. Video đồ họa này được gửi cho nhiều cơ quan, đơn vị với đề nghị sử dụng cho đến hết tháng 3.2019.

Nhưng xem kỹ, mới thấy câu chuyện tưởng là nhỏ này chẳng khác gì một chiến dịch truyền thông quy mô. Đăng phát ở các báo, đài, cổng thông tin điện tử… đã đành, cơ quan quản lý còn muốn trải khắp các giao diện khác nữa: trình chiếu video đồ họa trên hệ thống màn hình một cửa và các địa điểm phù hợp khác ở các quận, huyện; đăng phát trên hệ thống màn hình tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vào những khung giờ thích hợp; đăng tải trên màn hình các xe buýt công cộng, trên các màn hình công cộng của thành phố, trên trang cổng wifi thành phố, cổng thông tin dịch vụ công… Tóm lại, giới thiệu ở những nơi có – thể – nhìn – thấy ngoài không gian công cộng, không thô cứng trong hình hài các tấm pano, áp phích mà tương thích với màn hình tinh thể lỏng. Hãy thử tưởng tượng ở một góc phố nào đó, giữa mấy chục giây đồng hồ dừng chờ đèn đỏ, đứa trẻ ngồi phía sau cha mẹ được xem clip ngắn và hẳn sẽ “thấm” dần dần…

Cuộc tọa đàm vừa diễn ra vài ngày trước đó do chính Sở TT-TT TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức cũng xoay quanh chủ đề tương tự: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng thành phố thông minh. Trong nhiều mục tiêu đặt ra, tọa đàm hướng tới điểm nhấn xây dựng thành phố thông minh với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực dịch vụ công. Thật hấp dẫn khi Đà Nẵng đặt ra lộ trình ưu tiên mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường… Số liệu công bố tại buổi tọa đàm cho thấy, từ tháng 4.2018, Chatbot Danang Fanstaticity – ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tự động cung cấp thông tin người dùng tra cứu – đưa vào sử dụng đã giúp hỗ trợ hơn 21.000 lượt người. Chatbot đã tự động nhắn gần 300.000 tin hỗ trợ, tương tác giúp người dùng tìm hiểu thông tin điểm đến, các sự kiện, lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố…

Cần nhắc lại, Chatbot như một kênh tra cứu thông tin du lịch tự động mới trên tin nhắn, do Sở Du lịch TP.Đà Nẵng hợp tác cùng Công ty Hekate xây dựng. Khi ứng dụng này đi vào hoạt động, Đà Nẵng gần như có thêm một người trợ lực thầm lặng giúp du khách tìm những địa điểm tham quan, ẩm thực, lưu trú…

Cho nên, những video hỗ trợ trẻ em là chuyện quá đơn giản với một nơi như Đà Nẵng. Biên bản xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2020 giữa UBND TP.Đà Nẵng và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng xác định hợp tác: xây dựng đô thị thông minh và ứng dụng công nghệ IoT, AI, Big Data vào lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự, du lịch… Chỉ riêng giao thông thôi, các ứng dụng thông minh sẽ giúp địa phương thu thập, phân tích thông tin từ camera giao thông, giám sát giao thông, xa hơn nữa là xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) của thành phố.

Chuyện lớn

Trở lại với Chatbot Danang Fanstaticity, chính ứng dụng này đã đưa Đà Nẵng xếp cạnh Singapore và trở thành một trong 2 thành phố đi đầu tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ Chatbot vào du lịch.

Cũng tại Singapore hồi đầu tuần trước (12.11), lãnh đạo TP.Đà Nẵng chính thức mời gọi đối tác xây dựng thành phố thông minh nhân hội nghị thượng đỉnh về thương mại và đầu tư ASEAN (ABIS) 2018. Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, công nghiệp 4.0 vào tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Trong điều kiện chủ quan của địa phương, Đà Nẵng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước vào cuộc, bao gồm nâng cấp Mạng đô thị (MAN), hệ thống cảm biến, các giải pháp phần mềm…

Thực ra, câu chuyện “thành phố thông minh” đã được Đà Nẵng đặt ra từ nhiều năm trước, từ năm 2012 qua đề án xây dựng Thành phố thông minh. Ít nhất có 17 lĩnh vực được thành phố ưu tiên, nằm trong nhóm 6 trụ cột chính: quản trị, kinh tế, môi trường, đời sống, công dân, giao thông. Năm 2012, Đà Nẵng cũng đã nhận tài trợ từ cuộc thi “Thành phố thông minh hơn” của IBM Smarter Cities Challenge. Còn hiện tại, Đà Nẵng đang hợp tác với Liên đoàn sản xuất Singapore (SMF), Công ty Sakae Holdings, Tập đoàn Surbana Jurong để triển khai gói tư vấn, trong đó có tích hợp tư vấn xây dựng “thành phố thông minh”.

Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng được xếp vào nhóm 26 thành phố trực thuộc Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN). Trước hết bởi nơi đây từng có nhiều năm liền đứng đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), chưa kể thành phố đang xây dựng khung kiến trúc thành phố thông minh. Đà Nẵng cũng vào nhóm các thành phố phát triển hạ tầng công nghệ thông tin nhanh nhất nước, năm 2015 từng đoạt giải ASEAN City về ứng dụng công nghệ thông tin trong khu vực công.

Chuyện “không nhỏ không lớn”

Vậy video đồ họa cảnh báo về giao thông chủ yếu dành cho trẻ em sắp được giới thiệu rộng khắp mang thông điệp gì? Thứ nhất, đó là khởi động từ chuyện nhỏ nhất, nằm sâu trong ý thức, dành cho trẻ nhỏ. Thứ hai, công nghệ có tiên tiến đến mấy, phố của thời cách mạng công nghệ 4.0 có lạ lẫm đến đâu, thì an toàn tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu. Thứ ba, nếu không nhón những bước đi đầu tiên nơi chân núi, thì bao giờ mới lên đến đỉnh?

Cần thêm thời gian để những ý tưởng táo bạo kiểu như dùng hình mẫu công nghệ thay thế nhân viên giải đáp thắc mắc cho công dân, vào bãi xe thông minh chỉ cần mở điện thoại đã biết khu nào còn trống, rồi giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh… được thực nghiệm. Thêm ít thời gian nữa để 2 phút 49 giây video đồ họa “đến” với trẻ nhỏ. Trong quãng thời gian đó, phố vẫn rất cần những con người có trách nhiệm, không chen lấn vượt ẩu, đậu đỗ xe có ý thức hơn… Những chuyện “không nhỏ không lớn” ấy hiện diện khắp các đô thị, chả riêng gì Đà Nẵng.

Hứa Xuyên Huỳnh

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục