Ở yên, một “đặc quyền” mà sao nhiều người lại khó dùng?

Như một phần đối lập cho các khung cảnh vắng vẻ được báo chí khai thác triệt để ở khu trung tâm quận 1, Sài Gòn là khung cảnh khá đông đúc của nhiều nơi cách không xa trung tâm là bao…

Các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Phú… có vắng hơn so với lúc bình thường nhưng vẫn đông đúc đáng ngại. Nhiều chợ, hàng quán ăn uống vẫn khá đông người mua bán. Ở các quán ăn, trà sữa bán mang đi, vào những giờ cao điểm, các ngày cuối tuần, lực lượng shipper và những người đến mua về xúm xít đông đúc trước mỗi quán, tràn xuống lòng lề đường mà lời nhắc nhớ giữ khoảng cách tối thiểu 2m luôn bị bỏ quên.

Chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí luôn đông đúc dù con đường này đang được sửa chữa nâng cấp. Ảnh: Thanh Chung

Vỉa hè con đường chia đôi công viên Hoàng Văn Thụ viên vốn là địa điểm tập kết rất nhiều hàng rong. Trong thời gian cách ly, nơi này chỉ vắng được mấy ngày đầu. Chị Hòa Bình, một người dân ở gần đây cho biết: Công an đến là họ chạy. Công an đi là đâu vô đó. Có khi dân phòng cho xe phát loa tuyên truyền cách ly toàn xã hội, đọc rõ ràng về các quy định phạt nếu không chấp hành nhưng mà thực khách ở đây vẫn bình chân như vại. Mà toàn người trẻ tụ tập...

Đây cũng là tình hình chung của khá nhiều nơi trong thành phố. Chị Hồng Liên, ở khu dân cư Bình Lợi, Bình Thạnh, thì kể khu bờ sông gần nhà chị có rất nhiều quán xá, đều đóng cửa, nhưng nhiều bạn thanh niên chừng 18-20 tuổi ở đâu vẫn kéo tới ngồi ăn uống, túm tụm. Bữa nào bị phường kiểm tra thì vắng, 1-2 ngày sau không thấy lực lượng chức năng thì lại tụ tập.

Các quán hàng rong ở công viên Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. Ảnh: Hòa Bình

Tình trạng này cũng tương tự ở khu bờ kè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chạy dài hai bên đường Trường Sa, Hoàng Sa. Thậm chí có những người vào mua thức ăn thức uống ở các hàng quán đối diện rồi băng sang đường, tụm năm tụm ba ngay bờ kè để ăn uống.

Các công viên cũng vậy. Nếu như các công viên Gia Định, Hoàng Văn Thụ, 23/9… cấm tụ tập và việc này được thực hiện nghiêm chỉnh thì không hiểu sao công viên Lê Văn Tám vẫn khá nhộn nhịp.

Điều đáng nói, hầu hết họ là những người trẻ.

Công viên Lê Văn Tám có thông báo không tụ tập nhưng vẫn có rất nhiều người tim đến tụ tập. Thông tin mới nhất cho thấy, giãn cách xã hội, mỗi người cách nhau từ 1,5m – 2m có thể là chưa đủ để bảo vệ bạn khỏi bị lây nhiễm vi-rút khi tập thể dục ngoài trời.

Không phải vô cớ mà có những khẩu hiệu cổ động ở nhà là yêu nước. Sau một thời gian được ở yên trong nhà, bạn có nhận ra rằng đó là một đặc quyền mình đang được hưởng mà không biết đó không?

Chỉ việc ở nhà, mọi việc cần thiết khác đã có các thể loại dịch vụ giao tận nơi thì còn gì bằng. Bạn có nhận ra rằng, trong mùa dịch Covid-19 như thế này mới thấy những y bác sĩ, nhân viên y tế, công nhân vệ sinh, vận chuyển rác, bán hàng, người lau dọn, chuyển hàng, tài xế, thợ xây… cần thiết đến mức nào. Họ là những người vì nghĩa vụ, công việc, và cả mưu sinh mới phải chấp nhận nhiều nguy cơ cao mà bước ra khỏi nhà, bước ra khỏi vùng an toàn. Nhiều người trong số họ là những người buộc phải chọn lựa, ở nhà chịu đói hay ra đường chịu lây nhiễm cao hơn!

Cảnh chen nhau mua hàng mang về ở một quán bún bò trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh.

Ngày càng có nhiều người dũng cảm chấp nhận rủi ro để giúp đỡ người khác, để mưu sinh và số khác lại có thời gian nhiều hơn vì giãn cách xã hội và phong tỏa, nên càng không chịu ngồi yên. Không chịu ở yên.

Quả thật, ý thức công dân chưa bao giờ quan trọng như lúc này!

Những khẩu hiệu như thế này được treo rất nhiều dọc trục đường Cách Mạng Tháng 8, Tân Bình.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/o-yen-mot-dac-quyen-ma-sao-nhieu-nguoi-lai-kho-dung/

Cùng chuyên mục