Nữ doanh nhân Lâm Thúy Ái: “Tôi muốn làm giàu chậm, mà chắc!”

Trong giới kinh doanh, đặc biệt là ngành kinh doanh thuốc thú y, thuốc thủy sản, phụ gia thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất ngành dược,… cái tên công ty Mebipha hẳn đã rất quen thuộc với bề dày và uy tín 16 năm có mặt trên thị trường. Nhưng, bên cạnh vị tổng giám đốc Huỳnh Công Tuấn năng động trên chốn thương trường, còn có một người phụ nữ đứng sau mà không phải ai cũng biết, vì chị hiếm khi chịu xuất hiện riêng trên các phương tiện truyền thông, nếu không vì một lý do đặc biệt nào đó. 

Đó là Lâm Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SX – TM Mebipha –  một trong 100 doanh nhân được vinh danh Doanh nhân và Doanh nghiệp TP. HCM tiêu biểu năm 2018.

Chân dung doanh nhân Lâm Thúy Ái
Chân dung doanh nhân Lâm Thúy Ái – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SX – TM Mebipha.

Chân dung một “gấu mẹ Thúy Ái”

Không thích đi vé máy bay hạng C, chỉ thích tích góp điểm thưởng các chặng bay để có thể có một chiếc ghế khá tốt trên mỗi chuyến bay. Có nhà, có bất động sản ở khắp nơi nhưng chưa có cái nào muốn ở và vẫn chỉ thích ở căn nhà 4m2 x 16m lâu nay ở Gò Vấp. Nơi chị có thể đi mà yên tâm gửi nhà cho hàng xóm, nơi lâu lâu không thấy mặt là hàng xóm xúm vào hỏi thăm như một người thân quen đi xa về.

Làm từ thiện hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn có thể mặc bộ đồ mấy trăm ngàn. Đồ đạc có giá trị của chị có được là do bạn bè tặng. Người phụ nữ ấy có thể mua quà hàng chục triệu đồng tặng bạn nhưng mình thì vẫn mua sắm rất bình dân.

Là người bận rộn nhưng lại thích đi học và rất chịu học, hở ra là chị lại đi học. Những khóa học ngắn hạn liên quan đến các công việc mình đang làm, nếu rảnh thì xách giỏ phụ người khác, cũng là một cách học hỏi.

Hay ngồi ở khách sạn 5 sao ngay trung tâm quận 1 để họp hành giao tế, làm việc, nhưng kiến thức về quán xá cả khu quận 1 này của người phụ nữ ấy là chỉ biết mỗi một quán cà phê và cái quán ấy cũng nằm trong khách sạn Rex mình hay ngồi. Điểm thứ 2 chị hay ngồi là phố tây Bùi Viện. Hai chỗ ngồi đối lập, hai khung cảnh, không gian trái ngược cũng phản ánh phần nào cá tính đa dạng trong con người Lâm Thúy Ái.

Ái nói chị không muốn mình trở thành bà này bà kia trên các phương tiện truyền thông, càng không muốn gọi mình là nữ doanh nhân. Chị đã và vẫn thích làm người mẹ, một người vợ chăm lo hết mực cho cuộc sống gia đình, luôn đứng sau hỗ trợ cho chồng. “Là người vì công việc, nhưng về đến nhà, bỏ đôi giày ra, là vào vai trò người mẹ người vợ chỉn chu nhất có thể. Chồng gọi một tiếng là dạ, chồng không thích mình đi đâu là sẽ ở nhà.

Đó là đôi nét chấm phá về chân dung Lâm Thúy Ái, nữ doanh nhân nghìn tỉ có nickname Gấu mẹ Thúy Ái. Một người phụ nữ thừa nhận có rất nhiều tính cách khác nhau trong con người mình mà tùy sự việc, môi trường, ứng xử hay hoàn cảnh, quan hệ,  chị sẽ bật hay tắt chế độ on- off của mình.

Ái cũng không thích xây dựng cho mình một hình ảnh lộng lẫy long lanh thành đạt, thậm chí chị còn muốn người ta đánh giá mình dưới cái khả năng mình có. “Không có bộ tiêu chuẩn nào cho cuộc sống mình. Mình có thể sống như một bà hoàng mà cũng có thể sống như một người ăn mày.” Chị cho biết.

Trong đời sống, Ái thích người ta hiểu sai về mình, chị cho đó là sự thú vị. Nhưng làm ăn, là đối tác thì chị luôn đề cao sự trung thực và chuẩn mực. Thúy Ái cho biết. “Niềm tin gầy dựng được không dễ, nhưng có được rồi thì mọi chuyện thuận lợi rất nhiều. Một chuyện nói ra đơn giản thôi như giao dịch làm ăn, đối tác sẵn sàng ứng hàng trước khi nhận tiền của mình. Nhưng trước đó là cả một uy tín, niềm tin được tạo dựng như thế nào người ta mới tin tưởng mình như thế.”

Người luôn thích đứng sau

Ở công ty, anh Tuấn chồng mình (ông Huỳnh Công Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX – TM Mebipha – NV) là người đối ngoại, mình chỉ là người đứng sau hỗ trợ thôi. Mình điều hành lo liệu thực thi mọi việc bên trong, từ việc vận hành nhà máy đến vận hành công ty.”  Thúy Ái cho biết.

Từ nhỏ, Thúy Ái là người có tính cách rất năng động, nhưng khi lập gia đình là Ái thay đổi ngay, xác nhận mình ở nhà, làm bệ phóng cho chồng, không bao giờ muốn giành phần gì về mình. Ái quan niệm là lấy chồng xong chỉ muốn quanh quẩn trong nhà, chấp nhận đứng sau lưng hậu thuẫn chồng. Khi chồng lập công ty, chị lao vào việc phụ chồng một tay. Lo quán xuyến việc công ty và việc nhà là hai công việc chiếm hết tất cả suy nghĩ của chị. Không lạ khi Ái chia sẻ, từ khi công ty Mebipha khởi nghiệp đến năm 2013 là quãng thời gian chị chỉ ở nhà lo việc cho nhà máy.

Chị kể, tháng 8/2013 là thời điểm mình lao ra đường, khi thị trường chao đảo, nhân sự công ty không ổn, phụ chồng để lo lắng một tay. Chưa được một năm, khi mọi việc đi vào quỹ đạo ổn định, thì chị lại “về nhà” tiếp.

Ái cho biết: “Bản thân mình chỉ muốn sống một cuộc sống đơn giản nhất. Không dễ dứt mình ra khỏi tổ ấm đâu. Mình không muốn làm bất cứ việc gì mà thấy  rằng nó có thể  ảnh hưởng đến gia đình mình.”

Vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống lẫn công việc, chứ không chỉ đẹp lung linh như mọi người thấy hiện nay, nhưng quan trọng là biết đi cùng nhau. Thúy Ái đúc kết ngắn gọn: “Chỉ cần chồng chọn vậy là đủ rồi: một trợ lý đắc lực cho công việc, một người vợ, một người mẹ đảm đang, một bạn tình trên giường.”

Quan điểm không đổi trong kinh doanh

Trong ngành nghề của mình, Ái chia sẻ, công ty của gia đình chị là một trong những đơn vị giữ vững quan điểm kinh doanh từ đầu, tôn chỉ đưa ra thế nào thì cứ thế mà làm: “Kinh doanh ai cũng nói giữ chữ tín, công ty mình cũng chọn điều này từ khi khởi nghiệp, giữ đến hiện nay và chắc chắn mãi về sau. Người quản lý cao nhất của công ty là anh Tuấn đã nói rằng mình có thể vì thiếu kiến thức mà sai sót, sau đó sẽ bổ sung, khắc phục ngay, chứ không thể sai sót vì cố tình lờ đi, biết mà vi phạm.”

Doanh nhân Lâm Thúy Ái thường ngày
Là người vì công việc, nhưng về đến nhà, bỏ đôi giày ra, là vào vai trò người mẹ người vợ chỉn chu nhất có thể” – doanh nhân Lâm Thúy Ái chia sẻ.

Chị hào hứng kể: “Đứng trước các yêu cầu, các câu hỏi của khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài đánh giá nhà cung cấp, công ty mình đều tự tin vượt qua tốt đẹp, vì mình đủ chuẩn. Mình bán được hàng cho các công ty nước ngoài là nhờ vậy. Họ không cần hồ sơ đẹp, thuyết minh hay, mà họ cần mình làm thực sự.” Ái tâm sự: “Sản phẩm của mình khi làm ra luôn cao giá hơn những sản phẩm đồng dạng. Câu hỏi đặt ra là có làm rẻ hơn được không? Được, nhưng để có sản phẩm hoàn chỉnh hiệu quả nhất trong chăn nuôi, thì không. Khi làm thành phần một sản phẩm nào đó, thí dụ có 12 thành phần, mình chỉ làm đúng chuẩn 2, còn lại bỏ được không, để lời hơn được không? Được. Nhưng mình không làm được.

Không phải ai cũng quyết tâm làm được và làm dài lâu điều này. Ranh giới của nhà sản xuất sạch và không sạch cũng rất mong manh. Bài toán kinh tế của công ty không bị xung đột với quan điểm, lợi nhuận kinh doanh của mình? -Tôi thử tranh luận với chị, và chị đáp ngay: “Mình chấp nhận chậm giàu một tí, nhưng nó sẽ giúp cho mình đi bền, phát triển vững. Thí dụ như  hồ xử lý nước thải của công ty chẳng hạn. Mình phải cho sửa đến 3 lần vì không đạt được chuẩn mong muốn. Đồng nghĩa là tốn kém và mất công nhiều hơn. Nhưng khi làm xong, mình có thể tự hào nói rằng công ty tôi đã làm rất tốt việc này, tuân thủ nghiêm túc những yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp khi sản xuất. Nếu muốn vận hành dối, không khó đâu. Trước khi có đợt kiểm tra, chỉ cần tắt hệ thống, vài thao tác, tiểu xảo là đã có thể đối phó trót lọt các đợt thanh kiểm tra rồi. Nhưng đó không phải là cách mà Mebipha thỏa hiệp.

Ái chia sẻ thêm: “Trong nhà máy, có rất nhiều thứ để người ta làm sót, làm sai, làm dối, vì mình nắm sản xuất trong tay nên rất hiểu việc này.

Thí dụ một gói sản phẩm của mình có khối lượng tịnh 100 gram, quy định cho phép sai số từ 90 – 110gr, thông thường công nhân sẽ cân từ 100 – 110gr, nếu muốn giảm giá thành thì đơn giản lắm, mình cho nó 91gr thôi. Nhưng không, sản phẩm của mình bao giờ cũng 100 – 110 gr. Cứ tính ra một tháng bao nhiêu triệu gói, nhân cho con số 5gr hao hụt ấy, là một con số rất lớn. Tiền của mình đó, sẽ hiểu mình phải kiên quyết bỏ qua chuyện này mới giữ vững được tâm lý, giữ vững được phương châm làm việc của mình. Hãy nhắm mắt bỏ qua để nghĩ đến cái lớn hơn.” Thấy người viết thắc mắc ra vẻ hoài nghi, Ái cười giòn: “Vậy thì phải quay về bản chất ban đầu của vợ chồng mình. Ông chồng là người Trung – gốc Bình Định, vợ là người Nam. Ông miền Trung nói gì rồi đố mà thay đổi, còn bà miền Nam thì bao nhiêu bả cũng lo đủ được cả. Hai tính cách này kết hợp sẽ cho ra chuyện 100 hay 110 gr, quan điểm kinh doanh mà Mebipha đã xác lập từ đầu. Một cách kiên định.”

Chị tâm sự: “Khi mọi việc nằm trong giới hạn cho phép của công ty, chồng mình đã set up như thế, anh giao cho em mua, bán cái đó với  mức giá đó, thì cứ thế mà làm. Mình luôn mua giá cao nhất và bán với giá thấp nhất có thể. Chồng có hỏi tại sao, mình nói anh cho em được mua trong khung giá đó thì em làm trong nhiêu đó.”

Nghệ thuật đắc nhân tâm

Doanh nghiệp bây giờ hay tham gia các hội đoàn, không ít người chọn đây là hoạt động bề nổi với đủ loại sự kiện phô trương thanh thế bản thân và tăng cường tần sồ xuất hiện trên truyền thông. Lâm Thúy Ái chỉ tham gia đúng 3 nơi, trong đó ruột rà nhất là CLB Doanh nhân Tiền Giang mà chị đang giữ vai trò phó chủ tịch. Chị cho biết mình rất hạn chế xuất hiện ở những hoạt động hội hè, vì đó không phải là sự bận tâm của mình. Sự bận tâm của chị nằm ở việc làm sao để luôn đối xử tốt với nhân viên lẫn khách hàng.

Tôi hỏi Thúy Ái sau chừng ấy năm, có phải công việc của mình đã đến lúc đi vào quỹ đạo ổn định, hái quả ngọt. Chị cười mà rằng, “5 năm đầu khởi nghiệp mình bám trụ ở công ty. Đó là 5 năm mình không bước đâu ra khỏi nhà trừ chuyện đi làm. 5 năm đầu ở thành phố. 5 năm tiếp theo xây nhà máy ở Tây Ninh. Lộ trình hàng ngày của 5 năm đó, từ thứ 2 đến thứ 7 của Thúy Ái là 5 giờ sáng lái xe từ Sài Gòn lên nhà máy ở Tây Ninh, 5 giờ chiều mới lái xe về. Mình luôn vào nhà máy 15 phút trước khi công nhân đến. Hai năm trời mình ngồi nói chuyện, ăn cơm chung  với công nhân, tổ chức những buổi tiệc nho nhỏ, chơi với công nhân như một người chị, người bạn, người em, để nói với họ về nhà máy này, vì sao có nó, ban giám đốc muốn cái gì, rồi sau này các bạn sẽ được gì, có gì…”

Ái kể với nụ cười: “Một trong những kết quả là đây, trước kia làm việc từ 48 tiếng/tuần, bây  giờ chỉ còn 44 tiếng/ tuần, nghĩa là chỉ làm từ thứ 2 đến nửa ngày thứ 7, nếu khi nào hàng nhiều mới làm ngày thứ 7, không thì nghỉ luôn 2 ngày thứ 7, chủ nhật. Từ 48 giờ xuống 44 giờ nghe có vẻ đơn giản nhưng không dễ tính toán đối với một doanh nghiệp. 48 tiếng nhân 52 tuần, nhân số lượng công nhân, lại một bài toán không dễ chịu nhưng, cái quan trọng mình cần là cảm xúc của công nhân mình như thế nào. Họ có nghỉ ngơi thoải mái cuối tuần thì đầu tuần vào mới có năng lượng tốt làm việc, năng suất mới hiệu quả, thậm chí hiệu quả hơn cả việc kéo rây ra thời gian làm việc mà lại khiến người ta không thoải mái, ức chế.”

Công ty Mebipha cũng là một trong 99 doanh nghiệp tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2018. Mebipha là một trong những đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thuốc thú y. Gần đây Mebipha cũng đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất thuốc thú y cho ngành thủy sản.

Trong số gần 600 sản phẩm có số công bố của Cục Thú Y Việt Nam, Cục Thủy Sản, Cục Chăn Nuôi, Mebipha có gần 20 sản phẩm mang tính khác biệt. Ceftri One 50 INJ; Multi Mix Egg % là những sản phẩm dành cho gia cầm thể hiện được tính ưu việt, vượt trội được thị trường tin dùng.

Ceftri One 50 INJ của Mebipha từng được bình chọn là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu nhất trong ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Tôi buột miệng “có hơi hướng đắc nhân tâm nhỉ”. Ái nói luôn, chị được tặng cuốn Đắc nhân tâm lúc 17 tuổi và đến năm 38 tuổi mới mở cuốn sách này ra đọc. Đơn giản là Ái muốn từ bản thân nghiệm ra, thích trải nghiệm thực tế và đối chiếu hơn là đi học, đọc rồi áp dụng theo.

Ái đọc sách rất nhiều, từ khi còn nhỏ. Vì thế, nó giúp cho chị có những suy nghĩ, khoảng lặng cần thiết để có thể đưa ra những quyết định kinh doanh mà chị tin là đúng nhất có thể. Ngày xưa, nhà Ái sống giữa thiên nhiên vùng quê Trảng Bom, Đồng Nai nên có lẽ chị thấm cái không gian xanh bình yên đó mà đem vào các nguyên tắc kinh doanh quản trị, phát triển doanh nghiệp của mình. Phảng phất đâu đó, là chất thiền trong kinh doanh của Thúy Ái. Thay vì rần rộ, ào ào lên như một số người khác, Ái hay có quãng dừng thích hợp. Chị lắng nghe, phân tích, nhận định tình huống để có hướng xử lý mà mình thấy phù hợp và tích cực nhất. Ái quan niệm, nhiều khi mình phải dừng lại, lùi lại, chậm lại để nhìn rõ bản chất sự việc hơn trước khi đưa ra một quyết định hay đánh giá nào đó. Sự thiệt hơn không chỉ và không thể tính bằng tiền. “Tiền có thể hôm nay không có thì ngày mai, mình còn và có khả năng là kiếm được thôi, không nhất thiết phải hấp tấp. Đó là lý do vì sao mình có quan điểm khó suy suyển là thích làm giàu chậm.” Ái bày tỏ.

Quan niệm này của chị thì tôi không tranh luận. Bởi với khối gia sản khổng lồ mà người ta hay đùa vợ chồng chị là doanh nhân nghìn tỉ, với 4 công ty đang hoạt động theo một chuỗi sinh thái khép kín, với uy tín mà vợ chồng Ái tạo dựng được cho công việc của mình, thì đã minh họa quá rõ rồi còn gì.

Sơn Trà

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

Cùng chuyên mục