Thăm hòn non bộ khổng lồ của Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn là cụm 5 ngọn núi nổi tiếng nhất xứ Đà, là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước từ hàng trăm năm qua, trong đó có cả vua quan triều Nguyễn… 

Ngũ Hành Sơn từ xưa đến nay không chỉ là đối tượng của những nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, mà danh thắng quốc gia đặc biệt này còn là nguồn cảm hứng cho vua, quan, nhà sư ngày xưa vãn cảnh cho đến các thi sĩ, điêu khắc gia, nhiếp ảnh gia nhiều thế hệ ngày nay sáng tác…

Tháp Xá Lợi ở chùa Linh Ứng.

Núi nhiều tên, nhưng chỉ một truyền thuyết

Ngũ Hành Sơn còn có những cái tên như Non Nước, Ngũ Uẩn Sơn (núi năm chòm), Phổ Đà Sơn, Bạch Hoa Ngũ Chỉ Sơn (năm ngón tay – vì đứng trên nhìn xuống nó giống như một bàn tay khổng lồ có 5 ngón cắm xuống đất). Trong đó, cái tên hòn Non Nước là phổ biến và lâu đời hơn cả.

Đường lên núi, cũng là lối vào chùa Tam Thai. Có 2 lối vào Ngũ Hành Sơn và đây là lối thứ nhất.

Nên cũng dễ hiểu khi không ít du khách lần đầu đến Đà Nẵng khá ngơ ngác khi hỏi tên Ngũ Hành Sơn mà người địa phương cứ trả lời là núi Non Nước. Ngũ Hành Sơn là tên gọi chính thức, còn Non Nước là cách gọi trong dân gian đã quen, có thể là gọi cho hòn Thủy – hòn Non Nước hoặc đại diện cho cả 5 ngọn núi ở đây.

Lối đi trên núi tuy nhỏ, ngắn, nhưng băng qua khá nhiều dốc, bậc tam cấp, vách núi khiến du khách như đi trên một hòn non bộ khổng lồ.

Tên gọi Ngũ Hành Sơn được dân gian đặt dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn và tên gọi này chính thức được công nhận qua một áng văn của vua Minh Mạng khi ông đến nơi này năm 1837. Vua Minh Mạng đã dựa theo nguyên lý của Khổng giáo đặt tên nhóm núi này là “Ngũ Hành Sơn”, duy trì tên gọi từ thời Gia Long là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn, riêng Hỏa Sơn có hai ngọn kề nhau là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn.

Khung cảnh trên đỉnh hòn Thủy nhìn sang các hòn còn lại của Ngũ Hành Sơn.

Theo truyền thuyết dân gian được người dân Đà Nẵng lưu truyền đến ngày hôm nay thì 5 ngọn Ngũ Hành Sơn là 5 mảnh vỡ của quả trứng Rồng hóa thành.

Đường lên động Vân Thông.

Câu chuyện quen thuộc ấy có thể tóm tắt như thế này. Ngày xưa nơi đây là một vùng biển hoang vu chỉ có một ông già sống đơn độc. Một hôm giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biến đi mất, lát sau một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là thần Kim Quy đào cát vùi quả trứng xuống, giao cho ông lão một cái móng của mình và dạy ông cách bảo vệ quả trứng. Nhờ có móng rùa thần, ông lão đã ngăn chặn được các loài thú dữ. Một thời gian sau trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp và vỏ trứng tách thành năm mảnh vỡ là năm ngọn núi. Thiếu nữ thì được vua Chăm cưới làm vợ còn ông lão thì được thần Kim Quy chở lên trời.

Các nhà sư vừa hành lễ xong ở chùa Linh Ứng.

Sở dĩ phải nói đây là “truyền thuyết chính thức”, vì theo thời gian và sự tưởng tượng phong phú, cả ẩu tả của một số hướng dẫn viên du lịch trong nước và ngoài nước, mà danh thắng này bị gán thêm một số truyền thuyết không có căn cứ. Thí dụ như 5 đỉnh núi này là 5 ngón tay Phật nhốt Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký!

Có gì trong hòn Thủy Sơn?

Lối xuống chùa Linh Ứng.

Gọi Ngũ Hành Sơn lá hòn non bộ khổng lồ trang trí cho thành phố Đà Nẵng cũng không ngoa, mà hòn non bộ đẹp nhất, nhiều “tiểu cảnh” nhất chính là hòn Thủy Sơn. Vì nói đi chơi Ngũ Hành Sơn, nhưng thực tế chỉ có hòn Thủy là nơi chính thức đón du khách, cũng là hòn núi to, cao, đẹp nhất, có nhiều giá trị văn hóa lịch sử nhất. Bạn sẽ không ngờ rằng trong quả núi nhỏ ấy lại chứa rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, những sự thú vị và cả kỳ bí như vậy, ngay giữa phố xá Đà thành.

Động Tàng Chơn là một trong những động khá sáng của Ngũ Hành Sơn.

 Hòn Thủy Sơn là một trái núi nhỏ chỉ cao 106m, mà có tới 6 cái động, 4 ngôi chùa cổ, 3 đỉnh, và 2 đường lên núi: một đường ở hướng Tây – Nam dẫn lên chùa Tam Thai, một đường ở phía Đông có 108 bậc tam cấp, dẫn lên chùa Linh Ứng. Trong 6 cái động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Vân Thông, Tàng Chơn, Âm Phủ, ấn tượng nhất là những động sau.

Nhìn từ động Hoa Nghiêm ngược ra phía ngoài động.

Từ cổng sau chùa Tam Thai, rẽ bên trái là đường dẫn đến động Hoa Nghiêm và động Huyền Không, trước khi vào động có cổng xây bằng vôi vữa khắc 3 chữ Hán “Phổ Đà Sơn”, trong động có thờ tượng Quan Thế Âm cao gần bằng vòm động Hoa Nghiêm. Trong động Hoa Nghiêm còn có một tấm bia ghi lại công đức những người có lòng hảo tâm xa gần đóng góp xây dựng chùa và các tượng Phật, trên trán bia có ghi mấy chữ Hán: “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật“, bia được tạc trực tiếp vào trong vách đá. Đây là một trong những nơi có nhiều ma nhai (văn tự khắc trực tiếp trên núi đá) có giá trị hiếm có ở miền Trung.

Lối đi vào động Huyền Không, từ động Hoa Nghiêm.

Phía bên trái động Hoa Nghiêm có một lối đi xuống 15 bậc cấp, đó là động Huyền Không. Đây cũng là một trong những nơi được giới chụp ảnh ưa chuộng săn hình nhất ở Ngũ Hành Sơn. Động gây ấn tượng khi hai bên bậc cấp lên xuống có tượng Tứ Hộ Pháp (thường gọi là 2 ông Thiện và 2 ông Ác). Động Huyền Không là động trong động, muốn vào đây bạn phải đi qua động Hoa Nghiêm. Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất ở danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Không gian bên trong động Huyền Không.

Động này rộng và cao, vách động lồi lõm, trên trần có “giếng trời” khá lớn, là nơi lấy sáng cho cả động. Ánh sáng di chuyển theo ánh mặt trời rọi vào động tùy thời gian trong ngày, cộng với khói hương nghi ngút khiến cho động có vẻ lung linh huyền ảo.

Trần động Huyền Không, với “giếng trời” lấy sáng cho cả động.

Các pho tượng thờ rải rác khắp nơi, trên vách núi hay trong các gian đền thờ âm u càng khiến động thêm kỳ bí. Nơi đây có nhiều thạch nhũ chảy dài xuống tạo thành nhiều hình động vật, rồi có cả nước thạch nhũ nhỏ ra đều đặn được ví như bầu sữa tiên từ trên trời xuống. Bây giờ lối từ động Hoa Nghiêm sang động Huyền Không đã được thắp sáng, nền động đã được lát đá kín hết nên trông động bớt đi vẻ thâm u huyền bí như xưa.

Động Huyền Không được xem là động to, đẹp nhất của Ngũ Hành Sơn.

Ở phía Nam Vân Nguyệt Cốc, trên lưng chừng sườn núi có một cửa động hình tròn, đó là động Vân Thông, còn gọi là “đường lên trời” đường vào động tối và hẹp, thông lên đỉnh núi chỉ có một lối nhỏ vừa một người đi. Trong động có tấm bia ghi 3 chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn”, đây cũng là một tấm bia cổ được tạc trực tiếp vào vách đá.

Ngũ Hành Sơn không chỉ thu hút du khách thông thường, mà cả những người tu hành. Trong ảnh là một vị đại đức ở một ngôi chùa trong Nam lặn lội ra Đà Nẵng để thăm viếng ngọn núi này.

Động Tàng Chơn nằm ở phía sau lưng chùa Linh Ứng, động khá lớn, chia làm 3 hang và 3 động nhỏ, từ ngoài vào qua cửa đá là động Chơn Tiên. Phía trong bên trái là động Tam Thanh, nền động có gạch Chăm rải rác. Có thể thấy rải rác các di tích Chăm trong hang động của Non Nước. Hang chính giữa động là hang Chiêm Thành, lối hẹp, trong hang tối, hai bên có 2 bộ đá chạm hình thần Hộ Pháp của người Chăm. Gần đây, khi làm lại nền hang, các vị sư chùa Linh Ứng đã tìm thấy một bộ thờ chạm hình thần Indra cưỡi voi, chung quanh có vũ nữ Apsara.

Bàn thờ Chăm trong động Tàng Chơn. Phía sau bàn thờ là một cái hang tối âm u càng khiến không gian nơi đây thêm kỳ bí.

Góc bên phải là hang Dơi hoặc hang Ráy, có ngách thông lên đỉnh núi, trong hang có rất nhiều dơi trú ngụ. Trong góc phía Đông động Chơn Tiên có một phiến đá hình vuông gọi là Bàn Cờ, góc này còn gọi là góc Động Bàn Cờ. Sau này người ta cho tạc 2 pho tượng ông Tiên ngồi đánh cờ trong cảnh tranh tối tranh sáng càng khiến cảnh trong động y như thật.

Nhị vị tiên đánh cờ trong Động Bàn Cờ, với ánh sáng là nắng trên trần động soi xuống bàn cờ tiên.

Động Âm Phủ nằm dưới chân Thủy Sơn, khoảng giữa hai đường bậc cấp lên xuống. Cửa hang trước kia hẹp, ngày nay đã mở rộng, đường vào hang sâu hun hút, tối đen gập ghềnh, có nhiều ngách, vào sâu chừng 40m thì đến một khoảng hang rộng, ở phía Tây có một lối xuống đến chỗ rộng hơn có hang sâu hình trụ như miệng giếng, có nhiều lỗ thông lên đỉnh núi. Hang Âm Phủ bây giờ đã được cải tạo và xây thêm một số hạng mục theo truyền thuyết Phật giáo để phục vụ khách tham quan nên vẻ kỳ bí của hang cũng bớt đi ít nhiều!

Ngũ Hành Sơn là một cụm núi đá vôi thấp nằm ở đồng bằng, giữa sông Hàn và biển Đông, cách trung tâm Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam. Vốn là những hòn đảo trên biển Đông, gió và nước đã xâm thực thành những hang động, sau hàng trăm ngàn năm, do quá trình biển lùi, những đảo này được nối liền với lục địa và trở thành 5 ngọn núi như ngày nay. Đá ở đây là loại cẩm thạch (marbre), sáng đục màu trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, xanh đậm… không cứng lắm. Thợ đá ở làng đá mỹ nghệ Non Nước từng ưa dùng tạc tượng và đồ mỹ nghệ, trang trí… rất đẹp. Sau này thì việc khai thác đá Non Nước đã bị cấm, may thay, nhờ thế mới còn các ngọn núi cho khách tham quan về sau.

Bài & ảnh: Sơn Trà

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục