Sóng vỗ nhịp mưu sinh

Những con đường dài và hẹp ướp nồng vị biển đã đưa chúng tôi đến với bao phận người ăn đời ở kiếp với biển Tam Tiến (thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành). Họ coi biển như lòng mẹ, nương vào biển tìm kế sinh nhai; nhịp mưu sinh vì thế cũng vỗ theo từng con sóng…

Những cụ già mưu sinh với nghề nhặt mót cá vụn ở Tam Tiến. Ảnh: N.TRANG
Những cụ già mưu sinh với nghề nhặt mót cá vụn ở Tam Tiến. Ảnh: N.TRANG

Thanh xuân gửi lại

Trời chưa hửng sáng. Bờ biển Tam Tiến đã rộn rã kẻ mua người bán, từng bước chân, tiếng nổ xe máy nhộn nhịp dưới ánh đèn mờ được làm tạm bợ. Ngoài khơi xa, từng đoàn thuyền lần lượt trở về, xen lẫn trong những lời gọi chấp chới của “bạn hàng” buôn, chúng tôi chợt bắt gặp phận già mưu sinh với nghề “mót cá”. Những mái đầu lấm tấm sợi bạc với gương mặt đen sẫm, nếp nhăn xô vào khắc khổ, lần lượt từng người chia nhau đi nhặt nhạnh những con cá vụn.

Chủ thuyền vừa giao xong mấy rổ cá trích, cá chuồn, cụ Huỳnh Thị Lý (80 tuổi) vội cầm giỏ chạy đến xin tìm mót những con cá còn sót lại trên mạn thuyền. Chợt ánh mắt cụ Lý sáng lên, nụ cười chân chất hồn hậu khoe: “Còn những 5 con cá trích tươi rói, nhẵn bóng đây này”. Tính ra, bao nhiêu cá đó đáng giá chỉ mấy đồng bạc lẻ, nhưng ở hoàn cảnh ngặt nghèo, neo đơn, không chồng con như cụ Lý là cả niềm vui. Ấy là ở chỗ, bon chen buổi sáng ngoài bờ biển, kiếm được dăm ba ký cá vụn, cụ Lý đã đủ số tiền vài chục nghìn đồng trang trải bữa ăn tuổi xế chiều.

Các cô cậu học trò đi bóc vỏ tôm kiếm tiền thắp ước mơ đến giảng đường.
Các cô cậu học trò đi bóc vỏ tôm kiếm tiền thắp ước mơ đến giảng đường.

Để ánh mắt và nét mặt thương cảm của chúng tôi khác đi, cụ Lý cười, phân bua rằng không phải cứ cả đời cụ xưa nay chỉ biết chực chờ đợi thuyền về bến đi nhặt cá đâu. Ngày trước, và cả thời thanh xuân cụ cũng biết bám biển mưu sinh, gánh cá thuê, giăng chài lưới. Vì tuổi già, lưng còng sức yếu, chẳng làm việc nặng được nữa. Cũng như cụ Lữ Thị Đãi, năm nay đã 82 tuổi tròn, bị đau đủ chứng bệnh như viêm phế quản, thấp khớp vẫn gượng dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ mấy cây số từ nhà xuống đến biển tham gia cùng hội bạn “mót cá” kiếm tiền mong có một bữa no.

Trong lúc đợi thuyền về bến, cụ Đãi ngồi nhìn xa xăm, kể với chúng tôi chuyện nghề, phận đời. Lời kể của người già luôn bắt đầu từ con tim, hệt như tiếng gió rung cây và ầm ì tiếng sóng vỗ. Phận đời neo đơn, lặn lội quang gánh, vạ vật nơi miền biển mưu sinh đắp đổi qua ngày. Niềm biết ơn với biển dường như chưa bao giờ nguôi trong tâm khảm những người làng chài.

Bà Lữ Thị Liễu (58 tuổi) sống đời neo đơn không chồng con, mọi khi ra phụ bưng bê cá, nhưng nay tay phải gãy rạp phải băng bó. Thế rồi cũng xách giỏ, chịu khó mót từng con cá mắc cạn trong thúng hay rơi dưới đất cát. May sao, nhiều người đi chợ không ái ngại mua cá vụn giá rẻ, thành thử “mót cá” ngày nào, các cụ các bà lại bán hết trong ngày đó, bỏ túi vài chục nghìn đồng. Chúng tôi chợt nghĩ về lát cắt phận đời, dường như mọi sự sống, niềm vui và hy vọng của họ đều trông chờ vào biển. Biển muôn trùng sóng cát và cuộc sống của họ cũng muôn vẻ, đau có, buồn có, nhưng niềm vui và hạnh phúc cũng chẳng thiếu bao giờ.

Quà của biển

Tất nhiên, không phải biển bao giờ cũng đẹp và bình yên. Đằng sau đó luôn ẩn ức những sóng gió, những bão táp xô vào cuộc đời vốn đã lắm gian nan, nhọc nhằn của người dân làng chài, đặc biệt là hình ảnh bao người phụ nữ gánh vác trọng trách lo chu toàn cho cả gia đình. Trên bao nhiêu lo âu về nơi ăn chốn ở, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo lớn nhất của những người mẹ không chỉ cơm ăn áo mặc, mà còn tương lai các con của mình.

Ghé thăm làng chài Hà Lộc, chúng tôi chỉ gặp cụ già, phụ nữ và trẻ con tung tăng chạy giỡn. Nghĩa là, mặt trời vừa ló rạng, chợ cá tan là lúc tàu ra khơi mang bao trai tráng khỏe mạnh thả chài, kéo lưới. Những người phụ nữ, trong khi chờ chồng từ khơi xa trở về, phải làm thêm việc như vá lưới, chế biến cá khô, tôm khô và cả nước mắm. Từ món nghề ấy, họ đã dày công làm nên sự nghiệp lớn, đưa cái tên biển Tam Tiến đi xa ra đến chợ Hàn ở TP. à Nẵng hay một số quầy bán mặt hàng khô ở tận TP. Hồ Chí Minh.

Chị Võ Thị Trang (47 tuổi) có chồng đi câu mực, trước kia chị Trang ra chợ lấy cá làm chả xay bán, cuộc sống bữa đói bữa no, nhất là vào mùa mưa khi chồng chị không thể nào đi biển. Từ cái khó, chị Trang nghĩ cách thu mua tôm, cá số lượng lớn của những tàu thuyền, áp dụng quy trình hấp, phơi hoặc sấy hải sản khô, chị bắt tay vào hành trình khởi nghiệp cho riêng mình.

Phụ nữ làng chài đợi tàu thuyền cập bến để mưu sinh với nghề gánh nước rửa cá.
Phụ nữ làng chài đợi tàu thuyền cập bến để mưu sinh với nghề gánh nước rửa cá.

Trời không phụ lòng người, sau 3 năm cố gắng bám biển mưu sinh, chị Trang gầy dựng thương hiệu chuyên cung cấp hải sản khô cho thị trường. Thấu hiểu cảnh khó khăn của những phụ nữ làng chài như bản thân đã từng trải, chị Trang kêu gọi các chị em về xưởng hải sản của mình làm việc với mức lương từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Ở miền biển mặn nồng nhưng thấm đẫm tình người này, những người như chị Trang không thiếu. Như thể ai cũng thấu hiểu cái khó, cái khổ của nhau để vá víu theo nhịp mưu sinh, giúp nhau sống qua ngày.

Chứng kiến từng dòng người chỉ toàn phụ nữ đi gánh nước, bào đá ở bến cá, nghe mấy mẫu chuyện tếu táo, lao xao tiếng cười rổn rảng, chúng tôi mới cảm được nghị lực sống bền bỉ của họ. Trông chị Nguyễn Thị Thinh (40 tuổi) vẫn còn trẻ nhưng dáng người ốm yếu thấy rõ, bởi vì một nhẽ đôi vai gầy của chị phải gánh nặng cả gia đình, từ nuôi chồng bị nhiễm trùng máu đến lo ăn học cho 2 đứa con. Chị Thinh bảo, sáng nào chị cũng dậy từ 3 giờ sáng, gánh thùng ra bến cá lấy nước bỏ cho các chủ buôn với giá 20.000 đồng/chủ. Gánh nước đến khi trời ló rạng, chị thu về tầm 200.000 đồng rồi vội vàng về nhà lo cơm nước, đi làm công chuyện khác như lời chị nói: “Chồng mình không đau ốm thì chẳng đến khổ thế này. Nhưng thôi, trời cho sao mình cứ nhận. Đời người miền biển vậy mà!”.

Hy vọng

Đời người miền biển vậy mà”… như trở thành câu “cửa miệng” của dân làng chài biển Tam Tiến. Đi đến đoạn đường nào chúng tôi cũng nghe thấy. Ở chợ. Ở bến cá. Hay tận trường lớp nơi có mấy cô cậu học trò tụ tập, bàn nhau đi lấy tôm về bóc vỏ, kiếm khoảng thù lao công 15.000 đồng/kg. Cuộc sống mưu sinh của cha mẹ theo từng con sóng đã quá khó khăn, mà học hành lại tốn nhiều chi phí, tranh thủ ngày hè, các em phụ giúp gia đình bằng công chuyện làm thêm.

Ngày nào cũng như nhau, cứ 5 giờ sáng, từng tốp học trò chừng 5 – 7 em đến những xưởng chế biến tôm, cá khô nhận hàng về bóc vỏ. Chúng tôi nhẩm tính, cả mùa Hè của các em có thể kiếm đến 4 triệu đồng, dư sức sắm sửa quần áo đồng phục, sách vở đến trường. Em Mai Văn Thiện (học lớp 8) với dáng người nhỏ thó, thu hút ánh nhìn của chúng tôi từ vẻ mặt lanh lợi, hoạt bát đạp chiếc xe cà tàng đến nhận một lúc 5 ký tôm về bóc trong một ngày. Em nói: “Cả năm em chỉ rảnh thời gian này, tranh thủ kiếm tiền trang trải chuyện học hành. Chứ không, nghèo quá là phải nghỉ học ra khơi”.

Câu nói của Thiện nghe tỉnh bơ, nhưng dễ khiến lòng chúng tôi tủi đến vô phương. Phần lớn những đứa trẻ như Thiện đều có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ li dị, hoặc mẹ bỏ xứ mà đi, nhưng đứa nào đứa nấy khao khát tìm kiếm con chữ những mong thoát cảnh nghèo túng. Như em Nguyễn Thị Diễm (học lớp 11) có ngày lấy đến 10 ký tôm, hoặc khi không nhận được tôm thì xin chủ xưởng cho ở lại canh nồi hấp kiếm vài chục nghìn đồng tiền công “thời vụ”. Ai cũng bảo rằng con bé đặt mục tiêu phải vào đại học nên bắt đầu làm nhiều việc để tích lũy tiền từ năm lớp 10 cho đến nay. Bởi ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo và bao tháng ngày chênh chao nơi miền biển, nhiều cô cậu học trò như Diễm, như Thiện khiến chúng tôi liên tưởng đến màu xanh hy vọng. Hẳn vì thế, trẻ ở làng chài từng ngày nuôi khát khao, đưa ước mơ vươn ra biển lớn đời người. Nắng gió khắt nghiệt của biển khơi dẫu ít dẫu nhiều, thì từng dòng người già hay trẻ vẫn đeo đuổi, bám víu để mưu sinh.

Như Trang

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục