Nhiều chung cư, khu nhà tập thể xuống cấp

Nhiều khu chung cư (KCC), khu tập thể (KTT) trên địa bàn Đà Nẵng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Làm sao để giải quyết tình trạng này là vấn đề đang được đặt ra.

Khu tập thể ở K340 Phan Châu Trinh xuống cấp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu tập thể ở K340 Phan Châu Trinh xuống cấp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Vừa ở vừa lo

KCC đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) được xây dựng trong giai đoạn năm 1997 – 2000 nhằm giải quyết nhà ở cho người dân các khu vực quy hoạch, giải tỏa nhưng không có điều kiện nhận đất tái định cư, do Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hiện chung cư này xuống cấp trầm trọng; nhiều mảng tường bị nứt, thấm dột từ tầng trên xuống tầng dưới.

Ông N.V.N, sống ở khu nhà A2 thuộc KCC đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc cho biết, việc chung cư xuống cấp là nỗi lo của hàng trăm hộ dân tại đây. Căn hộ chung cư giờ đây trở thành nơi sinh sống tạm bợ. Mọi người không dám mua sắm vật dụng điện tử mới do sợ ẩm mốc dẫn đến cháy nổ; muốn sơn quét tường hoặc dán la-phông, thạch cao cũng ngần ngại vì tường không đủ điều kiện chống thấm.

Việc căn hộ ẩm mốc, bong tróc lớp sơn, cửa và lan can gỉ sét khiến các hộ dân không buồn chăm sóc, để ý cảnh quan nữa. Hành lang trở thành nơi đặt cây phơi quần áo, tủ đựng giày dép… Sân chung cư bẩn nhưng không dọn dẹp, Ban quản lý phát động cũng không mấy người tham gia”, ông N. thở dài. Theo quan sát của chúng tôi, khuôn viên 2 block KCC đầu tuyến Sơn Trà – Điện Ngọc phía đường Ngô Cao Lãnh hiện khá bẩn với rác thải, cỏ dại và các vật dụng sinh hoạt hư hỏng. Cây xanh không được cắt tỉa, chăm sóc, cành nhánh sà xuống gần đất.

“Mặt tiền” khu chung cư bị bao quanh bởi những vườn rau tạm bợ, trông nhếch nhác. Ảnh: H.LÊ
“Mặt tiền” khu chung cư bị bao quanh bởi những vườn rau tạm bợ, trông nhếch nhác. Ảnh: H.LÊ

Cách đó không xa, khuôn viên KCC dành cho người thu nhập thấp trên tuyến đường Lê Văn Lương cũng nhếch nhác với hàng quán tạm bợ, lều bạt giăng tứ phía. Thậm chí, khoảng sân chung bị một số hộ dân quây rào trồng trọt nhưng không chăm sóc kỹ lưỡng khiến hàng rào nghiêng ngả, cây cối khô cằn, lưới giăng khắp khiến “mặt tiền” KCC bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số KCC mới xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 10 năm cũng xuống cấp khá nhanh, như KCC Vịnh Mân Quang ở đường Khúc Thừa Dụ (quận Sơn Trà); KCC Hòa Hiệp, KCC Hòa Minh (quận Liên Chiểu); KCC A2 nam cầu Cẩm Lệ, KCC thu nhập thấp Khuê Trung (quận Cẩm Lệ); KCC Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê)… Trong đó, KCC Hòa Hiệp mới được đưa vào sử dụng hơn 5 năm đã thấm dột, nứt tường; tường thường xuyên xuất hiện rêu, ẩm mốc; hệ thống điện thường xuyên hư hỏng. KCC Hòa Minh với 8 block nhà, là nơi định cư của gần 300 hộ dân tại đây cũng xuống cấp.

Ở quận Hải Châu, 49 hộ dân đang sống ở 8 KTT xuống cấp loại D (cấp nguy hiểm) trên địa bàn quận để di dời khẩn cấp theo chủ trương của UBND thành phố cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trước tình hình đó, mới đây Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các phương án bố trí TĐC phù hợp nhưng không bố trí đất TĐC.

Tìm hướng xử lý

Theo Sở Xây dựng, trong 43 KCC do đơn vị đang quản lý, chỉ có 11 KCC đạt chất lượng khá, còn lại chất lượng trung bình và kém. Một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, với KCC thu nhập thấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức thuê, có thu phí hằng tháng, sở trích 15% tiền thuê nhà để bảo trì, sửa chữa chung cư.

Với những KCC bố trí cho hộ nghèo, phụ nữ đơn thân, diện giải tỏa, không thu tiền thuê nhà nên sở không có kinh phí để chủ động sửa chữa mà phải xin chủ trương sửa chữa từ thành phố. Trước thực trạng các KCC xuống cấp, nhếch nhác, mất mỹ quan, tháng 8 vừa qua, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3230/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 3230) phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa 16 KCC thuộc sở hữu Nhà nước, với tổng mức đầu tư 7,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; trong đó chú trọng lựa chọn những KCC có các hạng mục, cơ sở hạ tầng bị gỉ sét, mục nát, sàn mái bị thấm, hư hỏng…

Còn ở quận Hải Châu, trước năm 2019, UBND quận Hải Châu phối hợp với Sở Xây dựng và Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan vận động, thuyết phục các hộ dân sinh sống trong 10 KTT xuống cấp có chất lượng kiểm định còn lại dưới 40% chấp hành chủ trương giải tỏa, di dời và bố trí TĐC của thành phố.

Trong đó, đã có nhiều hộ được nhận đất TĐC hoặc nhận căn hộ chung cư trên địa bàn quận Hải Châu, Cẩm Lệ… để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ không chịu nhận tiền hỗ trợ, đất TĐC nên khi thành phố quyết định không bố trí đất TĐC nữa, mà chỉ bố trí căn hộ chung cư theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, thì các hộ này “đòi” được ở lại trong những KTT xuống cấp nghiêm trọng.

Người dân vẫn còn ở trong khu nhà tập thể K340 Phan Châu Trinh. Ảnh: H.HIỆP
Người dân vẫn còn ở trong khu nhà tập thể K340 Phan Châu Trinh. Ảnh: H.HIỆP

Vào ngày 4/3/2019, UBND thành phố có công văn thống nhất bố trí cho thuê 30 căn hộ (hoặc bố trí cho thuê tạm) tại Khu chung cư 201 Đống Đa để di dời các hộ dân ra khỏi 8 KTT xuống cấp loại D (cấp nguy hiểm) trên địa bàn quận Hải Châu.

UBND quận Hải Châu cũng đã tích cực vận động, thuyết phục 49 hộ dân ở 8 KTT nói trên nhận căn hộ ở Khu chung cư 201 Đống Đa để di dời vào ở tạm hoặc thống nhất với chủ trương bố trí căn hộ chung cư của thành phố, tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra, trong thời gian chờ thành phố có quyết định phương án bố trí TĐC phù hợp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng thời, lãnh đạo quận Hải Châu đã có buổi tiếp xúc cả 49 hộ và trực tiếp trả lời, giải quyết các vướng mắc, giải thích về các quy định của pháp luật, chủ trương của thành phố về giải tỏa, di dời các KTT xuống cấp trên địa bàn quận nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân…

Tuy nhiên, đến nay, khi mùa mưa bão đã đến, vẫn còn nhiều hộ sinh sống trong các KTT xuống cấp nguy hiểm. Ông Trương Thanh Dũng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hải Châu cho hay: “Quan điểm của lãnh đạo quận là làm gì có lợi cho dân thì làm hết sức, nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trước đây, quận còn bố trí ôtô đưa dân đến tận Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ để xem đất và chọn lựa đất nhưng một số hộ dân không chịu nhận đất vì ngại xa và quyết ở lại trung tâm quận Hải Châu nên đến bây giờ gặp khó khăn vì vướng các quy định”.

Được biết, về vấn đề này, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng xây dựng phương án hoán đổi bố trí căn hộ từ khu chung cư này sang các khu chung cư khác theo diện tích thực tế và xây dựng bộ tiêu chí để xét, bố trí cho phù hợp, bảo đảm công bằng cho các hộ dân và đúng quy định của pháp luật.

Thành phố cũng giao Sở Xây dựng xây dựng thêm các phương án khác như: chỉ hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp tự lo chỗ ở; đề xuất xây dựng KTT mới tại các khu đất rộng để bố trí lại cho các hộ dân… UBND quận Hải Châu giải quyết dứt điểm việc di dời dân ra khỏi 8 KTT xuống cấp nguy hiểm và xây dựng phương án cưỡng chế nếu các hộ vẫn không chịu di dời…

H.Lê – H.Hiệp

Theo Đà Nẵng Online

Cùng chuyên mục