Người mê cổ vật Chăm
Sống trên vùng di sản đền tháp Chăm Mỹ Sơn, hơn 30 năm nay ông Lê Ngọc vẫn miệt mài cóp nhặt từng cổ vật Chăm như thể muốn tìm về quá khứ vàng son của một nền văn minh đã từng hiện diện trên mảnh đất này.
Trong căn nhà gần chợ Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), bên cạnh những bình lọ gốm, sứ và đồng Đông Sơn… ông Ngọc dành hẳn một gian để trưng bày các hiện vật Chăm mà ông đã dày công sưu tầm. Những đôi khuyên tai xinh xắn, những bình, lọ gốm cổ, những lục bình bằng đồng, những vòng tay bằng bạc nằm im lìm như chứng nhân của một phần lịch sử.
Ông Ngọc bắt đầu chơi cổ vật từ năm 1986, chủ yếu sưu tầm, mua lại trong dân, hễ nghe nơi nào có cổ vật là ông tìm đến. Bằng kinh nghiệm và cảm nhận của người đam mê cổ vật, ông biết đó là thứ mình cần.
“Đồ Chăm có những đặc trưng về hoa văn, mẫu gốm, màu đất bám vào nên rất khó lẫn lộn. Chưa kể, có những vật như hữu duyên với mình, chỉ cần bắt gặp là đeo đuổi cố gắng mua bằng được” – ông Ngọc tâm sự.
Để có kiến thức cổ vật, ông Ngọc không ngừng tìm tòi tư liệu lịch sử, nghiên cứu văn hóa Chămpa kết hợp với kinh nghiệm và cảm nhận bản thân. Dù vậy, thỉnh thoảng ông cũng gặp vật giả cổ, những lúc đó ông tự nhủ xem như học phí phải trả cho thú chơi này.
Từng là một nền văn minh rực rỡ nên di vật Chămpa rất đẹp và tinh xảo, đặc biệt là vật trang trí và phục vụ cho các lễ nghi trong đời sống hoàng cung. Bộ sưu tập đồ Chăm cổ của ông có rất nhiều hiện vật độc đáo. Ngoài các vòng đeo tay bằng bạc, vàng, nổi bật có thể kể đến hộp cơi trầu và bình đồng chạm trổ cầu kỳ được người dân tìm thấy gần Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Ông cho rằng, đồ vật Chăm bằng đá, gốm rất nhiều nhưng bằng kim loại thì rất hiếm, không phải ai cũng có, chưa kể nếu gặp chưa chắc mình mua được vì giá rất cao. Cho nên, sưu tập cổ vật loại này rất tốn kém, có vật cách đây 30 năm ông đã mua đến vài chỉ vàng. Bù lại, sưu tập đồ Chămpa có cái “sướng” của nó, nhất là mỗi khi sở hữu được một món đồ quý, cảm giác như có thể trở về được với quá khứ của một triều đại, một nền văn hóa đã mất.
Công việc kinh doanh kim hoàn của gia đình đã cho ông điều kiện và những kinh nghiệm quý báu để “thẩm định” cổ vật kim loại, nhất là những vật trang sức bằng vàng, bạc.
“Có những vật tôi không biết người Chăm xưa họ làm bằng cách nào, vì nó quá tinh xảo và hoàn hảo, bây giờ mình dù có máy móc hiện đại cũng chưa chắc đã làm được. Như vòng đeo tay bằng vàng, từng hoa văn chạm trổ rất cầu kỳ, màu sắc tinh tế. Đây là điều rất bí ẩn, nếu mình biết là hồi đó người Chăm chỉ nấu vàng bằng than củi, không có hóa chất để phân kim, khó để tạo được một sản phẩm đồng chất. Chính những điều này đã lôi cuốn tôi, vì tôi bắt gặp ở mỗi hiện vật là một câu chuyện kỳ thú” – ông Ngọc chia sẻ.
Hơn 30 năm sưu tầm vật cổ, ngoài giữ riêng cho mình những hiện vật để thỏa thú đam mê, ông Ngọc cũng chủ động hiến tặng cho bảo tàng, bởi ông nghĩ mình sống ở nơi từng là đất thiêng của Vương quốc Chiêm Thành, nên hiến tặng cũng là cách để cổ vật được bảo tồn. Trong số các cổ vật hiến tặng, không ít cái rất đẹp, quý hiếm nhưng ông vẫn không hối tiếc, bởi nói như ông: “Có hiện vật mình không thể giữ cho riêng mình, nó cứ thôi thúc mình mang đi hiến tặng. Cho nên ở khía cạnh tâm linh tôi nghĩ cổ vật cũng có linh hồn”.
Vĩnh Lộc
Theo Báo Quảng Nam
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/nguoi-me-co-vat-cham-83545.html