Đầu năm, bình tĩnh với dịch bệnh được không?

Bạn sẽ lấy làm lạ khi nhận được câu hỏi này, nhưng thực sự thì tình hình lây lan của “dịch cúm Vũ Hán” đã khiến nhiều người ăn Tết mà đứng ngồi không yên, nhất là ở các thành phố có nhiều du khách nước ngoài đến từ những vùng có liên quan đến dịch.

Có thể dễ dàng nhận thấy chuyện xôn xao, lo lắng từ cẩn trọng đúng mức đến quá mức của nhiều người trong những ngày đầu năm mới Canh Tý. Có lẽ chưa bao giờ mà người ta ăn Tết trong tâm trạng cảnh giác và thấp thỏm cao độ như thế, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An… Tràn lan trên mạng xã hội là các thông tin liên quan đến Corona với thông tin tam sao thất bổn khiến nhiều người không biết đâu mà lần. Nếu như dịch cúm Vũ Hán hoành hành ngoài đời thì trên mạng xã hội, dịch misinformation – tạm hiểu là thông tin sai lệch, thông tin giả, cũng hoành hành cư dân mạng không kém! Trong đó, có khá nhiều facebooker có tiếng, nhiều influencer, KOL cũng đưa ra hay trích dẫn, chia sẻ nhiều thông tin khiến tin tức liên quan “dịch cúm Vũ Hán” thật là… loạn! Thậm chí, có những người suốt mấy ngày Tết kiên quyết cố thủ trong nhà sau khi lướt mạng.

Chúng ta không chỉ cần phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, mà còn biết cách lượng giá thông tin. Điều này không hề khó. Chỉ cần lưu tâm một chút thôi.

Gia đình nhạc sĩ Trương Lê Sơn – ca sĩ Hoàng Lê Vy trang bị khẩu trang khi đi du lịch Nha Trang trong mùa “dịch cúm Vũ Hán”. Họ cho biết, luôn cập nhật thông tin về dịch cúm một cách thận trọng từ truyền thông.

Chẳng hạn như nguồn thông tin từ đâu và ai, có đáng tin cậy, nhất là những nguồn tin làm cho cộng đồng hoang mang. Những lúc này thông tin từ những người am hiểu, có chuyên môn, như các y bác sĩ, nhà khoa học… đáng để bạn lưu tâm và tin cậy hơn, dù có thể lượng người theo dõi của họ không bằng những facebooker có tiếng khác.

Thông tin qua nhiều trang web loan tin về corona không phải lúc nào cũng chuẩn, chính xác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy. Bạn cũng nên kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân (thí dụ như ưa dùng từ “địa ngục”, “kinh hoàng”), không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ ông này, bà kia mà không rõ văn cảnh, nói chung là mượn danh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh được viết nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp…

Bạn cũng đừng lướt tít tin bài rồi thôi. Rất nhiều bản tin có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus Corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất cứ chứng cớ nào. Đi kèm là bạn nên kiểm tra lại hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất nhiều hình trên facebook không có chú thích rõ ràng nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin…

Và, rất cần thiết, hãy tìm đọc những thông tin chính thống từ các cơ quan truyền thông, hãng thông tấn lớn, uy tín.

Cẩn thận là tốt, mà bạn còn phải tỉnh táo nữa, để mình sống sót và sống khỏe giữa thời buổi nhiễu nhương thông tin.

Sơn Trà

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/dau-nam-binh-tinh-voi-dich-benh-duoc-khong/

Cùng chuyên mục