Tiếng đợi đang mờ dần trước Cửa Đại

Cửa Đợi không chỉ đang sạt lở về mặt địa lý, mà ngay trong lời ăn tiếng nói, trong cõi lòng, tiếng “đợi” cũng đang “sạt lở” dần dần vào quên lãng. Đến cuối thế kỷ 20, hai tiếng Cửa Đợi vẫn còn được đa số người dân nơi đây sử dụng, bây giờ đa số đã là Cửa Đại. Dù cả hai cái tên này để dùng chỉ một địa điểm, nhưng thực ra về tâm tình và “văn ngôn dẫn chứng”, thì không phải là một.

Nhìn từ Cửa Đại. Ảnh: MINH HẢI

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Cửa Đợi là tên gọi dân gian, vốn có từ rất xa xưa, hàng ngàn năm trước chữ viết, đến khi ký âm vào chữ Hán và chữ Nôm thời kỳ đầu, nhiều văn bản đã dùng chữ “đãi” (待) theo nghĩa đợi chờ. Còn vì sao “đãi” biến thành “đại” (大) theo nghĩa to lớn, thì có lẽ ứng theo thuyết ký âm kiểu hành chính hóa, một thời gian dài vốn chuộng nghĩa Hán Việt, ví dụ Đại Chiêm hải khẩu (Cửa Đại) và Chiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm). “Cửa biển Đại Chiêm thuyền bè sum họp, chợ phố Hội An hàng hóa nhóm đầy, thực là nơi đô hội lớn” – dẫn theo bản dịch Đại Nam nhất thống chí, tập 2, quyển 7.

Một trong những nghĩa đầu tiên của “đãi” là đợi, là chờ. Trong bài Ngẫu đề công quán bích, Nguyễn Du viết: “Sơn nguyệt giang phong như hữu đãi”, tạm dịch: Núi, trăng, sông, gió như có ý chờ đợi. Có lẽ vì nghĩa gốc này mà chữ Nôm dùng “đãi” để đọc thành đợi trong nghĩa đợi chờ, trông mong – phổ biến trong rất nhiều văn bản; còn đọc nguyên là “đãi” chỉ dùng trong nghĩa chiêu đãi, tiếp đãi, đãi cát tìm vàng.

Biết đợi chờ cũng là một tâm lý, một tâm tình, thậm chí một đức hạnh của người Việt xưa, khá phổ biến trong các truyện cổ, ca dao, dân ca, hò lý… Ví dụ như câu lý: “Anh về xẻ ván cho dày/ Đóng thuyền đợi bến, đón thầy mẹ sang”. Như thơ Nôm của Nguyễn Trãi: “Cúc đợi đến Thu hương chỉn muộn/ Mai sinh phải tuyết lạnh chăng hiềm” – trong bài Tự thuật 4.

Ngày trước, Cửa Đợi đúng nghĩa đen là nơi mà người ở nhà đợi chờ các ngư dân, thợ thuyền, thương nhân và binh lính đi xa trở về. Bây giờ sự đợi chờ đã không còn phổ biến như trước nữa, Cửa Đợi “biến thành” Cửa Đại, có lẽ cũng không sao.

“Đãi” còn có nghĩa là tiếp đãi, đối xử, đãi đằng, đãi cát tìm vàng. Như ca dao: “Cá buồn cá lội thung thăng/ Người buồn người biết đãi đằng cùng ai”. “Đãi” còn có nghĩa là phòng bị, chống lại. Như trong Sử ký có đoạn: “Liêm Pha kiên bích dĩ đãi Tần, Tần sổ khiêu chiến, Triệu binh bất xuất”, tạm dịch: Liêm Pha làm lũy vững chắc để chống cự lại Tần, quân Tần mấy lần khiêu chiến, quân Triệu không ra.

Trong bản dịch Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ (mộc bản), quyển 121, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) có đoạn: Ở Quảng Nam có 2 thuyền giặc Thanh lén lút nổi lên ở hải phận Đại Chiêm, đón cướp của cải những người đi buôn, lại lên bờ đốt phá nhà dân. Binh thuyền do tỉnh phái đi đánh, bắn giết được mấy tên. Giặc liền giong buồm bỏ chạy về phía đông.

Như hai nghĩa này thì Cửa Đợi là nơi rộng cửa để ngoại giao, giao thương, sẵn sàng tiếp đãi khách lạ, nhưng cũng sẵn sàng phòng bị, kháng cự nếu khách lạ làm điều xằng bậy. Mà thật như vậy, một nghĩa khác của chữ “đãi” là được ở lại, lưu lại, sinh sống. Vùng biển Cửa Đợi và vùng đất Hội An từng mang tinh thần quốc tế hóa, toàn cầu hóa, nơi dân tứ xứ dễ dàng tìm được công việc làm ăn, sự lưu trú, kết hôn.

Theo mô hình trên, thì Đại Chiêm hải khẩu – Hội An chính là một cảng thị đã được thiết lập từ thời tiền sử để điều hành một hệ thống thương mại xa bờ hoặc giao lưu quốc tế, cũng như một hệ thống trao đổi ven sông của cư dân nội địa ở miền trung du và thượng du” – nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định.

Một nghĩa nữa của “đãi” là dựa vào, nương tựa vào. Ngư dân, thương nhân trong quá khứ đã xem Cửa Đợi là nơi tiếp tế lương thực, là nơi có thể chọn để tránh bão, để sửa chữa thuyền bè. Sách Nông chiến viết: “Quốc đãi nông chiến nhi an”, tạm dịch: Đất nước nương nhờ vào chính sách nông chiến mà được yên ổn. Cửa Đợi là nơi chốn có thể nương nhờ.

Tất nhiên, phong thổ thường có trước, tên gọi thường đến sau, nhưng trong nhiều trường hợp, cái tên lại gắn liền với ý, với sự và với lịch sử của nơi chốn. Nếu nhìn theo các tầng nghĩa của Cửa Đợi thì cửa biển này quả là chất chứa bao nhiêu ý tứ, cung bậc từ chính tên gọi, còn nhìn theo Cửa Đại thì cửa biển này chỉ có to lớn là ưu trội. Mà với tốc độ đô thị hóa, sạt lở như hiện tại, to lớn cũng chẳng còn được bao nhiêu và bao lâu nữa. Như Vạn Hạnh thiền sư đã chỉ ra: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” – Ngô Tất Tố dịch: “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”. Nhưng nhìn, nhưng nghe tiếng “đợi” đang mất dần ý nghĩa, đang mờ dần trước Cửa Đại, cũng có chút chạnh lòng.

Lý Đợi

Theo Quảng Nam Online

 

Link nguồn: http://baoquangnam.vn/van-hoa/tieng-doi-dang-mo-dan-truoc-cua-dai-83542.html

Cùng chuyên mục