Du Xuân bắt chước tiền nhân – Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…

Trong tình hình dịch bệnh khiến người ta e ngại nơi đông đúc, du Xuân đến những nơi vắng vẻ mà rất đẹp, chưa bị làn sóng du lịch nhấn chìm được người yêu xê dịch tìm chọn. Chẳng hạn như cây cầu Đồn Cả ở đèo Hải Vân, ranh giới giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế.

Cầu Đồn Cả có lẽ là một trong những cây cầu đường sắt cao tuổi nhất ở Việt Nam bỗng dưng “nổi tiếng muộn” trong cộng đồng ưa xê dịch thời gian gần đây. Cây cầu trở thành địa điểm mới gây tò mò cho dân du lịch tìm đến.
Đây là lối rẽ xuống con đường nhỏ để xuống ga Hải Vân Bắc, từ đường đèo, cầu Đồn Cả nằm bên tê đèo. Nếu đi từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi Hải Vân Quan, đi tiếp khoảng 5km nữa, gần khu hầm thông gió là sẽ thấy một đoạn đường nhỏ phía bên tay phải để đi xuống ga Hải Vân Bắc.
Lối đi nội bộ xuống ga Hải Vân Bắc. Đường nhỏ dốc liên tục hơi ngoằn ngoèo, dài khoảng 2km, nên dùng xe số để đi. Nếu dùng xe tay ga, bạn hãy cẩn thận.
Ga Hải Vân Bắc chỉ là ga xép, là nơi các đoàn tàu tạm dừng để tránh tàu. Thường thì chỉ các đoàn tàu chở hàng, tàu địa phương mới tạm dừng
Dấu tích thời chiến tranh còn sót lại thông qua cái lô cốt cũ nát này. Màu xanh cây rừng như muốn chừa lại một chút cho hậu thế nhớ thời đã xa.
Đoạn đường từ ga Hải Vân Bắc đến cầu khoảng 1 km, ấn tượng bởi màu xanh cây rừng phủ kín chung quanh rất mát mắt.
Nơi đây, nếu không có những chuyến tàu, thì rất vắng người. Thi thoảng bạn sẽ gặp vài công nhân đường sắt đang duy tu sửa chữa. Bạn có thể trò chuyện với họ để hiểu thêm công việc của những người thợ thầm lặng này.
Trên đường đi ra cây cầu, bạn có thể nhìn thấy cảnh biển vắng của vùng đèo giáp ranh 2 tỉnh này từ xa xa.
Một cái miếu nhỏ hoang vu nằm cheo leo trên mỏm đá gần cầu và bia khắc những người nằm lại nơi này thời xưa! Điều này lý giải vì sao dưới chân cầu hay có những đồ lễ cúng đặt vương vãi trên một số tảng đá.
Cầu Đồn Cả tiếp nối tuyến đường từ Ga Hải Vân Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) với ga Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế), là cây cầu quan trọng trong hành trình ngược xuôi vượt đèo Hải Vân của các chuyến tàu Bắc Nam cả trăm năm qua.
Trăm năm nay, cầu Đồn Cả cõng trên mình không biết bao nhiêu chuyến tàu Bắc Nam xuôi ngược. Cây cầu trông hãy còn vững chãi, chắc chắn và gợi chút màu cổ tích. Dân mê điện ảnh, đặc biệt là fans của Harry Potter sẽ liên tưởng ngay đến đường ray Glenfinnan, Lochaber, Scotland trong bộ phim Harry Potter kinh điển. Cây cầu này như một phiên bản thu nhỏ của đường ray với 21 vòm nổi tiếng đưa đón những cô cậu học sinh của trường Hogwarts vậy.
Khung cảnh hoang vu của núi rừng và đặc biệt 4 mái vòm cong ấn tượng của cây cầu đã khiến nơi đây vừa đẹp vừa ẩn chứa những điều bí ẩn của núi rừng. Câu chuyện về những người đã nằm xuống trong quá trình làm đường, xây cầu, trong chiến tranh… đã khiến nơi vắng vẻ này thêm nhuốm màu liêu trai.
Tuyến đường sắt xuyên Việt với bao lịch sử thăng trầm mà đoạn đường này là một phần gợi cho du khách nhiều cảm xúc khó tả.
Không gian rất yên tĩnh, chỉ có tiếng suối và chim rừng, cũng rất thích hợp cho bạn ngồi tĩnh tâm một chút, tạm trút bỏ những đông đúc ồn ào phố thị.
Dưới chân cầu dòng suối nhỏ chảy len qua nhiều tảng đá lớn tạo thành từng vũng nước to nhỏ. Một địa điểm rất đẹp để chụp hình và tắm suối.
Trụ cầu to lớn, sau cả trăm năm vẫn rất vững chãi để cõng những đoàn tàu xuôi ngược Bắc Nam.
Bạn có thể nhìn người trong hình để hình dung độ cao to của cây cầu. Trông nó hùng vĩ mà không kém lãng mạn giữa núi rừng Hải Vân.
Không khó để có thể nhìn thấy dấu vết ăn uống của khách đến đây và để lại không chịu dọn. Bức tranh đẹp nơi này chưa toàn mỹ là vì vậy.
Vỉ sắt dùng để nướng và mì ăn liền dùng dở dang người ta không buồn dọn. Đây là điều đáng phàn nàn nhất ở điểm đến hoang sơ này!
Cây cầu nơi hẻo lánh này vẫn không thoát được những đôi tay kém văn minh từ phố thị. Một góc chân cầu bị vẽ vời làm hỏng cả vẻ đẹp trăm năm của cây cầu.

Bài & ảnh: L.M.Hạ

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: http://24hsongxanh.vn/du-xuan-bat-chuoc-tien-nhan-ta-dai-ta-tim-noi-vang-ve/

Cùng chuyên mục