Người buồn ngóng phố…

Mới có một lần lóng ngóng chờ ba má, mà ngổn ngang nhiều nỗi niềm trong tâm can. Nếu chờ chục lần, trăm lần như ba má chờ mình thì sao?

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần ba đi làm về trễ, má hay thơ thẩn ngoài cổng nhà ngó ra phố. Đám anh em tôi vẫn biết má chờ ba. Mâm cơm chiều má chưa dọn ra. Lúc nào cũng phải đợi đầy đủ cả nhà. Lắm khi mấy anh em đói quá, má kêu uống nước cầm hơi lót bụng. Mấy bận sau, má bắt đầu mua ít bánh trái để trên bàn ăn. Nếu ba về trễ, mấy anh em cứ nhón tay bẻ trái chuối hay lấy miếng bánh da lợn mà ăn cho đỡ đói. Ba chưa về, má thỉnh thoảng ra ngoài ngóng trông.

Chúng tôi lớn dần lên, má thôi ra vào ngóng ba nữa, mà chờ đám con về nhà sau cả ngày dài bôn ba ngoài phố.

Có lần tôi nói ba má cứ việc ăn trước, đám con mỗi đứa một việc, có bao giờ về nhà đúng giờ đâu, má cứ làm vậy riết tụi con hổng có bạn hay hổng làm gì được. Thời nay rồi, sau giờ làm còn bạn bè đồng nghiệp, lắm khi khách khứa đối tác, cơm nhà đâu phải lúc nào cũng về ăn được. Má ờ một tiếng nhẹ hều. Sau bận đó, má không ngóng đám con nữa. Bàn ăn chỉ còn cái rổ úp thức ăn chừa lại trên bàn. Có tối muộn, đám con về nhà sau mệt nhoài phố thị bon chen, chẳng đứa nào rớ cơm má nấu. Má lại lục tục gói gọn, cất vào tủ lạnh.

Mấy lúc đám con đi xa, má hay ngập ngừng hỏi “bao giờ về, đem theo đồ ăn không má làm”. Đáp lại lời má là những cái lắc đầu nguầy nguậy, những cái xua tay liên hồi. Giờ cái gì cũng có, chỉ sợ mình không có tiền để mua. Mang theo mấy cái đồ ăn má làm, lắm khi chẳng qua được cửa sân bay. Đám con lớn rồi, tự biết lo thân. Má lo quá đâm ra rối việc đám con. Bận má nghe vậy, má cũng ờ một tiếng nhẹ tênh. Sau này mấy đứa con đi xa, má chỉ ra tới cổng, đóng cửa rồi thôi.

Ba làm cái khoảng sân nho nhỏ trước nhà, trồng mấy cây hoa bé bé xinh xinh. Má trồng mấy cây cải, cây hành. Ba kê bộ bàn ghế sáng sáng ngồi uống trà đọc báo. Mấy đứa con đi làm phóng xe cái ào ra khỏi cửa, ba lật đật đứng dậy cài chốt. Có khi ba ngồi đến chín, mười giờ sáng chờ đến đứa cuối cùng ra khỏi nhà đi làm muộn. Má kê cái võng ngoài sân, chiều chiều nằm đong đưa nghe radio phát mấy chương trình ca nhạc, thỉnh thoảng điểm thêm tin kẹt xe đâu đó. Cánh cửa nhà chiều nào cũng hé vừa đủ một khoảng rộng để đám con về đến là phóng xe thẳng một mạch vào nhà. Cũng có bận, cánh cửa nhà hé đến tận chín mười giờ đêm, radio phát sang chương trình cải lương, đứa con cuối cùng mới về đến nhà. Má vẫn đong đưa bên cánh võng.

nguoi-buon-ngong-pho
Ảnh: TAT

Đám con lớn dần, bắt đầu biết đợi chờ trông ngóng một điều gì đó trong cuộc đời. Tỷ như ông anh bắt đầu biết chờ cô người yêu sau giờ tan ca. Lắm khi chờ tận hai tiếng đồng hồ mới rước được cô nàng đi ăn tối, xem phim hay cà phê tán dóc. Nhiều bữa mưa dầm dề, ướt lấm lem cũng đợi. Nhiều bữa bực dọc rồi đem về nhà xả ra cho má. Má nghe rồi cũng ờ nhẹ tênh. Mình thương người ta thì mình phải chịu. Hổng có sự đợi chờ nào mà thảnh thơi hết đó. Ngóng trông nào thì cũng kèm theo lo âu thấp thỏm. Nhưng mà có những người, nhiều khi mình phải chờ cả đời. Bận má nói vậy, ông anh nghe trong lòng nhoi nhói.

Những ngày dịch bệnh phải ngưng lại công việc, đám con đủ mặt ở nhà. Má được thể bày la liệt các món ăn. Nào là bánh xèo hồi đó ông anh thích lắm. Một mình ăn gần ba cái. Này là chè đậu đen, nước dừa sên kèo kẹo, thằng út ghiền lắm. Còn cái này dành cho con chị lớn, con nhỏ hay thèm chả giò, phải là nhà cuốn… Bữa cơm nhà rộn ràng mấy câu chuyện thường nhật. Tiếng nói láo xáo quanh bàn ăn. Lòng má hình như cũng rộn ràng.

Khoảng sân vườn ba vẫn ngồi cà phê mỗi sáng, má vẫn nằm nghe radio mỗi chiều. Chỉ khác chăng là cửa nhà lúc nào cũng khép.

Bận miền Trung giông bão xác xơ, ba đọc báo nhiều hơn, má thấp thỏm nghe đài. Một chiều thằng út về nhà sau giờ tan ca phố xá kẹt xe đang nhễ nhại mồ hôi bỗng chưng hửng. Cửa nhà im ỉm khóa ngoài. Lục túi sực nhớ mình hổng có chìa khóa. Lâu lắm rồi đã quen nếp hễ về nhà là có ba má chờ sẵn. Thằng út luống cuống gọi con chị, hớt hải báo tin ông bà già đi đâu mất tiêu. Vụ này lạ lắm à nghen.

Đã thành nếp, ba má có đi đâu thì cũng về trước năm giờ chiều, tăm tắp từ hồi về hưu. Cửa nhà bao năm qua chỉ đóng khi con cái đã về đầy đủ. Ba má đi đâu vậy ta? Thằng út chạy qua hàng xóm hỏi, người ta hổng biết, chỉ thấy ba chở má trên chiếc xe đạp cọc cạch tận hồi trưa. Thằng út nghe lòng nóng ran. Nhớ mấy cái vụ đám bán hàng ưa canh me nhà có mấy người già tới chào mời bán hàng rồi lừa tiền bạc. Hay đám đầu tư tiền ảo, đánh trúng tâm lý mấy ông bà già có chút tiền dư mà dụ dỗ… Trong đầu thằng út nhảy lên nhiều viễn cảnh xa xăm.

Thằng út lại điện thoại cho anh mình. Chiều sẫm trời, ba anh chị em láo nháo trước cửa nhà. Tiếng thở dài thườn thượt, hồi nào tới giờ có đứa nào biết mặt mũi cái chìa khóa cửa ra làm sao. Cứ chạy xe cái ào ra vô, chuyện cửa nẻo có ba má lo hết. Giờ không dưng đứng trước cửa nhà mình làm kẻ xa lạ. Ngóng ra phố, lòng hoang mang nhiều nỗi. Đứa này gọi qua nhà cậu, đứa kia hỏi thăm nhà chú. Hỏi miết làm hai bên nội ngoại cũng đâm ra lo theo. Chẳng có câu trả lời ba má ở nơi đâu.

Chiều buông dần màu ghi xám trên con phố nhỏ. Đám con bắt đầu bời bời lòng dạ, đang định chạy lên công an phường thì đầu ngõ thấy cái dáng liêu xiêu, cái xe đạp quen thuộc, cái nón kết cũ kỹ… Lòng mừng như thể lượm được vàng.

Má cười xuề xòa nhìn ba đứa con, trời má tưởng bây về trễ như mọi lần. Người ta rủ đi gói bánh tét cho miền Trung, ba má thấy ở nhà cũng đâu có gì làm, đi phụ hợ cho vui. Người ta còn gói tới hai ba bữa nữa lận. Mấy đứa con nhìn nhau, nghẹn cứng họng, hổng biết nói lời nào.

Mới có một lần lóng ngóng chờ ba má, mà ngổn ngang nhiều nỗi niềm trong tâm can. Nếu chờ chục lần, trăm lần như ba má chờ mình thì sao? Đâu phải cái gì cũng có thể nói bằng lời, tỷ như sau cái lần chờ ba má này, mấy đứa con to nhỏ cùng nhau, mỗi đứa lận lưng một cái chìa khóa, mơi mốt khỏi để ba má chờ cửa.

Vậy mà ba má vẫn cứ chờ. Đôi ba lần mấy đứa con dặn dò, ba má ngủ sớm đi, cứ đóng cái cửa trong, khóa cái cổng ngoài, tụi con có chìa khóa hết rồi. Má ừ hử, ba lặng thinh. Nhưng cửa vẫn cứ mở, đèn vẫn cứ sáng, chỉ chờ mấy đứa con về an toàn vẹn nguyên hình hài thì má mới tắt radio mà vào phòng ngủ.

Bữa cậu Út từ quê lên thăm, nghe mấy đứa con cằn nhằn ba má chuyện thức đêm thức hôm chờ cửa. Cậu hề hà, tụi bây hổng biết, người già ngủ ít xịt. Người già có làm gì đâu. Quanh quẩn cũng chỉ từ cửa vào bếp, từ bếp ra cửa; cũng chỉ chuyện con cái đi làm, về nhà, cơm nước thế thôi. Đó là cái thú của người già. Chừng nhà vắng lặng thì buồn hiu. Buồn quá thì ra cửa mà ngó phố ngó người. Ngóng phố cũng là ngóng con. Con ba đứa thì phải về nhà đủ ba. Vậy mới yên lòng mà đi ngủ. Tụi bây dầu lớn rồi, dầu bôn ba lăn lộn trăm nẻo vạn đường thì với ba má tụi bây, con mình luôn còn nhỏ xíu, luôn phải để mắt tới, luôn cần chờ trông, lo lắng. Ai làm ba má cũng vậy. Người già nào cũng vậy. Chừng tụi bây lớn rồi, có con cái, chục năm nữa, cũng y hệt. Cũng mở cửa nhà tiễn con đi. Cũng nằm vắt vẻo đợi con về. Cũng thắt thẻo ruột gan khi con buồn. Hay rổn rảng lòng dạ mỗi bận con vui. Vậy chứ tụi bây về nhà mà hổng thấy cửa mở, hổng thấy ba má mình là tụi bây buồn lắm. Ổng bả cũng gần tám chục rồi nghen. Có những cái buồn, một đôi năm nữa tụi bây mới thấu.

Cậu Út nói nhẹ tênh, như má hay gật đầu mỗi bận mấy đứa con nói. Vậy ra, đâu còn bao nhiêu lâu nữa đâu, ba má sẽ thôi ngóng phố? Còn bao nhiêu lâu nữa đâu, mấy đứa con về nhà hổng thấy ba má chờ mình nữa?…

Nghĩ đến cái đoạn đó là lòng dạ như ai dần ai giã, rưng rức gì đâu!

Tống Phước Bảo

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nguoi-buon-ngong-pho-26862.html

Cùng chuyên mục