Ngã tư thì rộn
Góc ngã tư ấy, tôi ngồi ở quán cà phê mà kiểu thiết kế, trang trí đoan chắc bạn có cảm giác na ná một quán nào đó ở Hội An. Nó giống ở cái sự níu kéo, mà khách ngang qua cầm lòng chẳng đậu phải bước vào, nhất là bữa chiều muộn, khi quán vắng khách, những dãy bàn im hơi. Ở quán ấy, tôi cầm cuốn Gáy người thì lạnh của cô Tư, ngó xe qua và phải thốt lên, ngã tư thì rộn.
Xưa nhà tôi ở ngã tư, ồn ào bủa vây, láo nháo xe cộ, í ới tiếng người đến tận 12 giờ đêm. Nên nghĩ lớn lên sẽ tìm nơi vắng vẻ mà ở. Thật ra, khi thực hiện ước mơ rồi, lại thèm quay quắt cái láo nháo ở ngã tư. Rồi hễ có cớ là thảy đại mình xuống ngã tư nào bất kỳ.
Cũng những bữa chiều muộn, tôi nháy mắt với “cô Hồng trứng vịt lộn”. Đó là cái bảng hiệu nhỏ xíu, dựng nem nép sau cột đèn ngã tư Phan Bội Châu – Trưng Nữ Vương. Bao nhiêu lâu rồi, có lẽ là từ sau tết đến nay, tối tối đã không còn nhìn thấy nữa. Tôi chợt da diết nhớ cái đèn dầu leo lét mỗi khuya ấy, mà ánh sáng từ đèn không đủ để cái bóng hắt trọn dáng người nhỏ thó của người đàn bà với thúng ủ trứng lên vỉa hè.
Nhà tôi ở ngã tư, nên ám tượng về chốn bốn bề chộn rộn luôn ở đó. Ở ngã tư, bạn sẽ có hơn một sự chọn lựa, rẽ về hướng nào cho cuộc đi dằng dặc đời người; hoặc bạn sẽ bị chùng chình, phân vân không biết chọn ngả nào. Ngã tư rộn là “trang chủ” để bạn nhận ra dáng hình phố xá. Tôi nhớ, những năm tháng chưa chồng, trừ tịch nào tôi và em trai cũng đứng cúng giao thừa. Đứng ở góc ngã tư đêm trừ tịch, bốn phương tám hướng thế mà năm nào cũng vậy, cúng xong là không biết xuất hành hướng nào để nhặt về bình an cho mẹ và các em. Nên cứ bước chân ra, rồi tùy duyên mà đáo. Xa hơn một chút, là cái thời vừa đi vừa hít hà thật sâu mùi thuốc pháo, cứ như chỉ dẫn địa lý.
Những năm đó, tức là hơn hai mươi năm về trước, Ái Nghĩa cũng chỉ có duy nhất ngã tư nơi tôi ở. Cũng gọi là hơn Tam Kỳ thời còn thị xã, chẳng có ngã tư nào. Nhoắng một cái, bây giờ đếm ngã tư ở Tam Kỳ, hẳn gần cả trăm, nhưng nhiều ngã tư hiu hắt, rộn nhất vẫn là những ngã tư nơi giao với đường thiên lý xưa. Mà cái góc có bảng hiệu cô Hồng trứng vịt lộn là một trong những chỗ đó. Hai mẹ con cô Hồng luôn cho tôi cảm giác đơn chiếc, côi cút, cực nhọc mấy cũng cố mà sống. Cũng dằn lòng mấy bận mới không hỏi gia cảnh. Trên gương mặt cô, bao nhiêu nếp nhăn vừa đủ để tôi đọc vị muộn phiền nên phải ghìm lại cái tính tò mò của đàn bà, cái bệnh nghề của nghiệp báo. Tôi không thích khêu nỗi buồn của người khác. Bây giờ, mãi không thấy ngọn đèn đêm từ thúng trứng, lại thấy tiếc hồi đó không hỏi một câu nhà cô đâu. Lại lo cơn bão Covid cuốn cô đi phương nào…
Phan Hoàng
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/tap-but-tap-van/nga-tu-thi-ron-88026.html