Miền Nam đang trong thời kỳ cao điểm của nắng nóng

Từ nay đến gần cuối tháng 4 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng do chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nóng từ Ấn-Miến lấn sang phía Tây, làm cho nhiệt độ trên cả nước đều tăng, nhưng nắng nóng nhất là miền Nam.

Nhiệt độ cao nhất sẽ tăng thêm từ 1-3 độ so với những ngày vừa qua.

Nắng nóng diện rộng

Cụ thể, tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, TPHCM và Biên Hòa, nhiệt độ có thể lên tới 38-39 độ C, có nơi trên 39 độ C như tại Long Khánh, Đồng Xoài.

Từ nay đến gần cuối tháng 4 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Ảnh Thành Hoa
Từ nay đến gần cuối tháng 4 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Ảnh Thành Hoa

Nắng nóng sẽ mở rộng ra các tỉnh miền Tây dọc biên giới như An Giang, Long An, cũng như Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang cũng có những ngày từ 35-37 độ C hoặc cao hơn.

Mùa khô năm 2019 đến sớm và kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 3 năm nay. Sau ngày xuân phân 21/3 vừa qua, cường độ bức xạ mặt trời tăng mạnh, làm cho nhiệt độ trong những ngày cuối tháng 3 ở các tỉnh miền Đông Nam bộ (trừ Bà Rịa-Vũng Tàu) luôn duy trì ở mức 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Miền Tây cũng nóng bức không kém, nhất là ở Châu Đốc, Cần Thơ và Long An. Đó là nhiệt độ ghi nhận được trong lều khí tượng, còn ở ngoài trời nhiệt độ cao hơn vài độ tùy nơi.Cường độ bức xạ mạnh từ 9-10 giờ cho đến 15-16 giờ tạo cảm giác oi bức hơn, do vậy tia cực tím (UV) cũng luôn đạt mức từ 10-11 trở lên, là mức rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài ra, ban đêm nhiệt độ cũng cao từ 27-30 độ C, tuy thấp hơn so với giữa trưa nhưng vẫn gây ra cảm giác nóng bức gần như cả ngày và đêm.Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm từ 10 độ trở lên, làm cho con người trở nên mệt mỏi, dễ bị nhiễm bệnh.

Đây là thời kỳ khó chịu nhất trong năm, chúng ta cần lưu ý bảo vệ mắt, da. Khi hoạt động ngoài trời, ảnh hưởng trực tiếp của tia UV có thể gây bỏng mắt, ung thư da, cũng như bệnh hô hấp, tim mạch, huyết áp cao, có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Đề phòng giông đầu mùa

Sau 5-6 tháng khô hạn và nắng nóng, trong tháng 4 lượng ẩm tăng dần do các nhiễu động trong rãnh thấp từ xích đạo dịch chuyển dần lên, hơi nước nhiều hơn nên mây giông phát triển mạnh do đối lưu nhiệt, làm cho trời oi bức hơn.

Đáng lưu ý là sau những đợt nóng oi bức cực điểm, độ bất ổn định trong không khí tăng mạnh, sẽ có những buổi trưa hoặc chiều tối có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khi cơn giông kéo đến như sấm sét, mưa đá, vòi rồng hoặc lốc xoáy.Các hiện tượng này xảy ra nhiều và có lúc trên diện rộng trong tháng 4 khi thời tiết miền Nam vào giai đoạn chuyển mùa.Do hiện tượng El-Nino hoạt động xuyên suốt mùa hè nên năm nay mùa mưa ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ đến muộn hơn.

Sau thời kỳ chuyển mùa nửa cuối tháng 4, từ trung tuần tháng 5 trở đi khi có gió Tây Nam bắt đầu thổi thì mùa mưa sẽ bắt đầu với lượng ẩm tăng nhanh, thời tiết chuyển sang sáng nắng nóng, chiều mưa giông.Những cơn giông đầu mùa thường gây nguy hiểm cho người đang di chuyển hoặc làm việc ngoài trời, nơi đồng trống. Vì vậy, khi thấy mây giông kéo đến, bầu trời tối sầm, nghe tiếng gió rít từ xa, tiếng sấm rền, người đang ở ngoài nên tìm nơi trú ẩn an toàn.

Lưu ý không núp dưới tán cây cao, mái hiên nhà, tránh xa các vật liệu có kim loại, không sử dụng điện thoại cả cố định và di động vì dễ bị tia sét đi vào gây tổn thương não.Nơi trú ẩn tốt nhất khi mưa giông là trong nhà. Bên cạnh đó, mỗi người cần tìm hiểu kỹ hướng dẫn về việc phòng tránh giông sét, mưa to gây ngập, lốc xoáy khi mùa mưa đến gần.

Không nên sử dụng nước mưa đầu mùa

Thời tiết khô hạn, nắng nóng bất thường xảy ra thời điểm này ảnh hưởng đến sức khỏe và cây trồng. Đặc biệt, trong mùa khô năm nay xuất hiện hiện tượng mù, sương mù xuất hiện khá thường xuyên, có lúc dày đặc hơn mọi năm làm hạn chế tầm nhìn ảnh hưởng đến giao thông. Điều này còn cho thấy mức độ ô nhiễm trong không khí ở mức rất cao.

Mưa đầu mùa còn được gọi là mưa a-xít, rất có hại cho sức khỏe con người. Do vậy, khi xuất hiện mưa giông trong tháng 4 và đầu tháng 5, người dân không nên sử dụng nước mưa trong sinh hoạt do chứa nhiều chất bụi bẩn, các kim loại nặng ô nhiễm từ khói xe…

Lê Thị Xuân Lan
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Cùng chuyên mục