Lưu giữ ký ức…

Bộ đồ nghề làm mỳ Quảng đã ở lại với xứ sở hoa anh đào như một món quà dân dã, nhưng các hiện vật lại được kỳ vọng như một sứ giả của ẩm thực Việt.

Bàn chấn mì Quảng bằng gỗ mít hơn 300 tuổi.
Bàn chấn mì Quảng bằng gỗ mít hơn 300 tuổi.

Bây giờ, chuyện gánh mỳ Quảng xuất ngoại Nhật Bản hồi cuối tháng 11.2018 và khát vọng gầy dựng “Dinh trấn mỳ Quảng” tại Quảng Nam của ông chủ trẻ Vinahouse (Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) – Lê Văn Vĩnh, nhiều người đã biết. Nhưng sứ giả ẩm thực – những hiện vật dân dã kia – lại đang kể một câu chuyện khác…

Đấy là chiếc nồi đồng cổ 200 năm tuổi của làng nghề Phước Kiều, hay cối đá sa thạch cổ của người Chăm được sưu tầm ở vùng đất Trà Kiệu (Duy Xuyên), có tuổi đời ngót 150 – 200 năm. Lại thấy có cả ang đựng thóc hơn 100 năm, ống khói bằng gốm Thanh Hà, tô mỳ bằng gốm cổ Bát Tràng, muỗng và lọ tăm sứ Minh Long, vá thớt gỗ mít, các loại chén chấm, lọ đựng nước mắm, dĩa đựng rau, dép cao su, túi lác. Nhất là gạo xiệc 13/2… Từ những hiện vật này, kèm theo bảng công thức viết bằng hai thứ tiếng Việt – Nhật với 4 phần chính (cách chọn nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, cách nấu nhưn, trình bày tô mỳ), hình ảnh tô mỳ Quảng đã “đọng” lại rất lâu trong tâm trí những người ngoại quốc.

Hiện vật gợi nhớ tô mì Quảng xưa.
Hiện vật gợi nhớ tô mì Quảng xưa.

Ít ai biết rằng, nhóm quà tặng kia chỉ là phần nhỏ, rất nhỏ, trong bộ sưu tập liên quan đến mỳ Quảng hơn 5.000 hiện vật mà Lê Văn Vĩnh theo đuổi cả chục năm nay. Những món đồ quen thuộc này đang lưu giữ tại Vinahouse, nhìn vào đấy dường như sẽ thấy lại cả một thời quá vãng…

Năm 2002, trong lần mua nhà cổ ở Bình Quý (huyện Thăng Bình), Lê Văn Vĩnh có duyên sở hữu chiếc bàn đập chân tam làm từ gỗ mít đỏ, loại bàn người xưa dùng để chấn mỳ Quảng vừa có thể ngồi ăn mỳ. Chủ nhân cũ của chiếc bàn này là ông Trung Đông, ở thôn Phú Cang. Đang nhờ các chuyên gia thẩm định, nhưng có tin chiếc bàn này từng hiện diện trong nếp nhà cũ đã hơn 300 năm. Trước đó, khoảng năm 1999, Lê Văn Vĩnh cũng mang về từ Quế Hiệp (huyện Quế Sơn) nhóm dụng cụ cối, chày giã lúa, giã bắp hơn 200 tuổi. Hiện vật đã trải qua 6 đời chủ, chủ gần nhất là ông Ba Lan, và chỉ thấy có duy nhất ở Quảng Nam. Cối lạ và hiếm vì đục từ một khối gỗ mít, chứ không phải chất liệu đá.

Lê Văn Vĩnh và những nghệ nhân Vinahouse tự tin giới thiệu mỳ Phú Chiêm ra thế giới và gọi đó là món mỳ trứ danh xứ Quảng, “tinh hoa của xứ Quảng”. Lần đầu tiên, mỳ Quảng tới Nhật Bản trong chương trình trình diễn nghệ thuật ẩm thực Việt – Nhật, do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức. Nếu biết thêm các hiện vật về nghề được cất công sưu tầm, sẽ hiểu vì sao những người đam mê và biết trân trọng món ăn dân dã lại tự tin như thế.

Cối và chày giã gạo bằng gỗ hơn 200 năm.
Cối và chày giã gạo bằng gỗ hơn 200 năm.

Khi viết “Người Quảng đi ăn mỳ Quảng”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng từng tự tin như vậy. Ông cho mỳ Quảng là món đứng đầu thế giới về tính đại chúng. Ông còn đòi đưa vào sách Ghi-nét (Guinness) chi tiết này: Có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mỳ Quảng tại gia.

Giờ đây, có một người Quảng đang thầm lặng đi tìm và cất giữ những bộ đồ nghề nấu mỳ Quảng tại gia. Một phần ký ức đó đã xuất ngoại…

Hứa Xuyên Huỳnh

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục