Bê tông bủa vây làng du lịch

Một vài làng quê Hội An không chỉ là vùng đệm cho di sản mà còn là điểm tham quan du lịch sinh thái đóng vai trò giải tỏa áp lực cho phố. Tuy vậy, quá trình đô thị hóa đang đặt ra nhiều thách thức đối với các làng quê này. 

Nhiều nhà cao tầng xây dựng xung quanh làng rau Trà Quế làm phá vỡ cảnh quan của làng. Ảnh: K.L
Nhiều nhà cao tầng xây dựng xung quanh làng rau Trà Quế làm phá vỡ cảnh quan của làng. Ảnh: K.L

Bê tông hóa làng

Được xem là điểm tham quan nổi bật bên ngoài di sản phố cổ, làng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An) đang trở nên bức bí khi xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà bê tông cao tầng xung quanh. Không ít du khách và doanh nghiệp lữ hành tỏ ra tiếc nuối trước nguy cơ cảnh quan làng rau Trà Quế bị biến dạng. Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lữ hành Hội An, đây là điều đáng lo ngại vì Trà Quế không chỉ là không gian sinh thái, mà còn là không gian văn hóa làng nghề truyền thống hiếm hoi còn lại của Hội An. “Vẫn biết những ngôi nhà này thuộc sở hữu tư nhân, người dân có quyền xây dựng cao tầng nếu Nhà nước không cấm nhưng dù sao cũng thấy tiếc vì đến một lúc nào đó Trà Quế sẽ không còn nguyên sơ nữa” – ông Tuấn nói.

Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty TNHH Jack Tran Tours cho rằng, việc các biệt thự, homestay mọc lên quá nhiều xung quanh làng rau Trà Quế sẽ làm mất đi vẻ dân dã của làng. Kể cả vùng ven Cẩm Thanh, Cẩm Châu… cảnh quan làng cũng đang bị thách thức. “Bây giờ làng quê sinh thái cố gắng giữ nguyên được chừng nào hay chừng đó. Phải có sự phối hợp sao cho hài hòa, hạn chế phát triển tràn lan, vô tình sẽ làm biến dạng hết làng quê. Vấn đề cấp phép quy hoạch phải hết sức cẩn trọng. Phát triển du lịch bền vững là không tác động nhiều đến môi trường, bởi vậy đừng nên xây dựng với mật độ dày quá và phải kiểm soát để không phá vỡ không gian xanh của Hội An” – Khoa phân tích.

Không chỉ Hội An, trình trạng bê tông hóa cũng xuất hiện tại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn). Chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi Triêm Tây mở cửa đón khách, không dưới 5 ngôi nhà bê tông cao tầng đã mọc lên. Những hàng chè tàu, những bụi tre ven đường đã bị đốn bỏ thay vào là những hàng rào bê tông, bên trong là những ngôi nhà bê tông. Phát triển du lịch thiếu kiểm soát sẽ chẳng mấy chốc biến Triêm Tây từ làng thành phố.

Khó quản lý

Trong Hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, câu chuyện bê tông hóa, xây dựng nhà cao tầng tại làng rau Trà Quế cũng như tại một số làng du lịch được nhiều doanh nghiệp quan tâm phản ánh. Theo bà Phạm Thị Hồng Trang  – Giám đốc Khách sạn ÊMM Hội An, trong tình hình phố cổ quá tải như hiện nay việc mở rộng không gian du lịch ra các vùng ven, vùng quê, làng nghề rất cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, với các thị trường khách châu Âu thì đây còn là sản phẩm thu hút vì thân thiện môi trường và gắn với sự phát triển bền vững. Thậm chí, ông Phan Xuân Thanh  – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality thẳng thắn nhìn nhận, nhiều năm nay phát triển du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung chỉ bám vào 2 di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn… Đã đến lúc, việc xây dựng các sản phẩm du lịch làng quê sinh thái, làng nghề phải là xu hướng chủ đạo nhằm giải tỏa áp lực di sản, đa dạng hóa điểm đến. Nếu không, đến một lúc nào đó sẽ tạo sự nhàm chán cho khách.

Trở lại câu chuyện nhà cao tầng “bao vây” làng rau Trà Quế, ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà khẳng định, những kiến trúc này chỉ nằm bên ngoài nên không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan. “Hiện tại thành phố chỉ quy định không được xây nhà quá 3 tầng chứ không hạn chế chiều cao. Nên người dân có điều kiện thì sẽ xây dựng kiên cố, nhưng cũng xây dựng xung quanh thôi, chứ chính giữa làng rau không có. Nói chung quy định không cấm thì mình không làm chi được” – ông Phương nói. Cũng theo ông Phương, dù là điểm du lịch nổi tiếng nhiều năm qua, nhưng nguồn thu từ vé tham quan Trà Quế hiện khá thấp, bình quân một năm khoảng 500 triệu đồng. “Sản phẩm nghèo nàn không thu hút khách, quảng bá thì yếu do xã không đủ điều kiện nên mình cũng đang đề xuất với thành phố chuyển giao cho trung tâm VH-TT thành phố quản lý khai thác và trích lại cho địa phương” – ông Phương chia sẻ.

Khánh Linh

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục