Lập trình hạnh phúc – gieo trồng điều tốt
Cuốn sách đề cập các phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.
Dựa trên nền tảng khoa học về bộ não, tiến sĩ Rick Hanson – tác giả có lượng sách bán chạy nhất New York Times – đã viết quyển sách Lập trình hạnh phúc với các phương pháp dễ thực hành để phát triển cảm giác cân bằng, ổn định, nhận thức giá trị bản thân và đạt được sự bình an nội tâm.
“Tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm sao biến khoảnh khắc tốt đẹp thành bộ não vĩ đại, tin tưởng vào giá trị bản thân và cảm giác được quan tâm. Đây chẳng phải những giây phút đáng giá triệu đô gì cả. Chỉ đơn giản là cảm giác dễ chịu khi mặc vào chiếc áo len ưa thích, thưởng thức một tách cà phê, cảm nhận sự ấm áp từ một người bạn, hài lòng sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hay là cảm nhận được tình yêu từ người bạn đời”.
Gieo trồng điều tốt
Lúc còn đi học, tôi nhỏ hơn mấy đứa bạn cùng lớp một, hai tuổi, một cậu bé nhút nhát, gầy gò, ngốc nghếch đeo kính. Chẳng có gì tệ hại xảy ra với tôi cả, nhưng tôi có cảm giác như là mình đang quan sát người khác qua một bức tường bằng kính. Như một kẻ lạc loài, bị phớt lờ, bị coi thường, không ai muốn ở gần.
Vấn đề của tôi nếu so với người khác thì không có gì to tát. Nhưng tất cả chúng ta về cơ bản đều mong muốn được cảm thấy mình hiện diện và có giá trị với người khác, đặc biệt khi còn là con trẻ. Khi những nhu cầu này không được thỏa mãn, ta cảm giác như thể đang sống nhờ súp loãng. Bạn sẽ sống sót, nhưng không bao giờ cảm thấy mình có đầy đủ dinh dưỡng. Với tôi, đó là cảm giác như thể có một lỗ hổng to lớn bên trong, một khoảng trống trong tim.
Những thành quả
Nhưng khi lên đại học, tôi chạm đến một điều gì đó có vẻ như rất đặc biệt vào lúc đó, và đến giờ vẫn có giá trị đáng kể với tôi. Một điều nhỏ bé nào đó đã xảy ra.
Có lẽ là vài cậu bạn đã bảo: “Đi nào, mình cùng đi ăn pizza”, hay một cô gái nào đó đã mỉm cười với tôi. Không quan trọng. Nhưng tôi phát hiện ra nếu tôi để sự kiện tốt đẹp ấy trở thành một trải nghiệm thú vị, chứ không phải chỉ là một ý tưởng, và lưu lại nó ít nhất trong vài hơi thở, chứ không vội vàng phủi đi hay xoay qua thứ khác thật nhanh, thì nó tạo cảm giác như thể điều tốt đẹp đã thấm vào bên trong tôi, trở thành một phần của tôi. Thực tế là tôi đã tiếp nhận điều tốt đẹp – khoảng chục giây vào lúc ấy. Nó nhanh chóng, dễ dàng mà lại rất dễ chịu. Tôi bắt đầu cảm thấy khá hơn.
Lúc ban đầu, khoảng trống trong tim tôi có vẻ to như một chiếc hồ bơi rỗng tuếch. Nhưng khi tôi bắt đầu thu nhận mỗi ngày một vài trải nghiệm được đón nhận, được cảm kích,được quan tâm, thì tôi cảm thấy như mình đang đổ vài xô nước vào chiếc hồ. Từng ngày một, từng xô một, từng tháng một trôi qua. Tôi dần lấp đầy khoảng trống ấy trong lòng mình. Cách làm này đã nâng tinh thần tôi lên và giúp tôi cảm thấy càng lúc càng dễ chịu, tươi vui và tự tin.
Nhiều năm sau đó, sau khi đã trở thành nhà tâm lý học, tôi hiểu ra vì sao cách làm này tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại có thể tạo nên khác biệt lớn lao đến vậy đối với mình. Tôi đã đan kết được sức mạnh bên trong với tấm thảm tâm trí mình, bộ não cũng như đời sống của bản thân – đó là ý tôi muốn trình bày khi nói đến “lập trình hạnh phúc”.
Theo Zing.vn
Link nguồn: https://zingnews.vn/lap-trinh-hanh-phuc-gieo-trong-dieu-tot-post1151827.html