Lần đầu tiên xuất bản tuyển tập truyện ngắn Trần Vũ tại Việt Nam

Tuyển tập truyện ngắn Phép tính của một nho sĩ vừa phát hành đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của Trần Vũ với độc giả trong nước. Xuất hiện lần đầu năm 1988 tại hải ngoại, ngay lập tức ngòi bút của Trần Vũ được ngợi ca như là một tài năng mới lạ của văn chương Việt.

Nhận xét về văn của Trần Vũ, NXB Flammarion từng viết: “… mang hương vị ngọt ngào cùng lúc chua chát, tác giả nhúng bút vào trong sự ẩm ướt của một mùa lũ, vào cả cơ thể mềm nhuyễn của phụ nữ. Khi tàn bạo, khi dịu dàng, câu chuyện của các nhân vật đến rồi đi trên những truyền thuyết hoàng gia pha trộn với tục tằn tầm thường của cuộc sống”.

Tập truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ” sẽ là một giọng nói lạ với độc giả trong nước

Tập truyện Phép tính của một nho sĩ gồm 9 truyện ngắn, trong đó có vài truyện đã gây ấn tượng mạnh khi mới xuất hiện như Phép tính của một nho sĩ, Phố cổ Hội An, Cái chết sau quá khứ, Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu

Những câu chuyện được viết bằng những câu chữ đau đớn đến tan nát hoặc táo bạo, lạnh lùng đến sắc rợn, với thủ pháp lạ hóa, biến đổi hiện thực, huyền ảo được tận dụng tối đa để khai phá mối tương quan giữa lịch sử, hiện thực, bạo lực và tình dục.

Văn của Trần Vũ khước từ sự lưng chừng, mơ hồ, luôn đầy sức căng đến những góc cạnh cực đoan nhất và tìm thấy con người hoặc ở nơi sâu thẳm, hoặc chốn man rợ khốn cùng.

Dù viết không nhiều, nhưng dấu ấn của Trần Vũ lại rất đậm nét ở từng lĩnh vực

Lịch sử có vị trí quan trọng trong sáng tác của Trần Vũ. Anh không để cho lịch sử say ngủ, mà luôn đặt nó song hành với hiện tại, cật vấn nó, phản biện nó để đem đến những góc nhìn khác biệt gợi nhiều suy ngẫm: Chúng ta đã đối xử với lịch sử thế nào? Lịch sử có phải đã biến mất khỏi đời sống hôm nay? Chúng ta đang thừa hưởng những gì từ quá khứ?

Và trong lịch sử cũng như hiện tại, nhà văn khám phá yếu tố bạo lực như một cách lý giải về đời sống, một thứ bạo lực nguyên sơ từ trong bản chất con người, điều khiển và chi phối suy nghĩ và hành xử của con người.

Tập truyện làm nên tên tuổi của Trần Vũ ở hải ngoại, xuất bản năm 1993

Sự độc đáo của Trần Vũ còn ở khả năng dùng tiếng Việt. Nhà phê bình Thụy Khuê nhận định: “Trần Vũ rời xa đất nước lúc 17 tuổi. Ngôn ngữ của anh là tiếng Việt, nhưng tiếng mẹ đẻ ấy, Trần Vũ không được xài cho đã. Trong công việc hàng ngày, 80% sử dụng tiếng Pháp, tiếng Việt may lắm chiếm 20% thời gian còn lại nói với người thân, còn thì chỉ dùng trong giấc ngủ, trong độc thoại với chính mình. Ngôn ngữ của Trần Vũ là thứ tiếng giả tưởng, tiếng tưởng mình nói, nhưng thật ra mình chỉ tưởng tượng đang nói”.

Tập “Sous Une Pluie d’Epines” của Trần Vũ, tiếng Pháp, NXB Flammarion, 1998

Trần Vũ sinh năm 1962 tại Sài Gòn, trong gia đình Bắc di cư, nguyên quán Sơn Tây, Phú Thọ. Năm 1979 Trần Vũ vượt biên, rồi định cư ở Pháp. Từ năm 1985, làm phân tích viên điện toán cho Quỹ Hưu trí Pháp (CPM), rồi Liên bang Tương trợ y tế (FNMF) tại Paris. Từ năm 1999, làm quản lý dự án tin học cho Liên hiệp Quốc gia bảo hiểm Pháp (UNPMF). Từ năm 2013, anh định cư tại Hoa Kỳ.

Tập “The Dragon Hunt” của Trần Vũ, tiếng Anh, NXB Hyperion, 1999

Sau 30 năm cầm bút, Trần Vũ đã viết khoảng 50 truyện ngắn, một số tiểu luận, tùy bút, ký. Anh cũng tham gia dịch thuật, thực hiện phỏng vấn, tổ chức bàn tròn văn chương và sưu khảo chiến tranh. Bên cạnh sáng tác, Trần Vũ từng là chủ biên tạp chí văn học Hợp lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7/2005.

Phan Thư

Cùng chuyên mục