Độc đáo lễ hội Quán Thế Âm chỉ có ở Đà Thành

Được công nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia với rất nhiều hoạt động và thời gian kéo dài 3 ngày, nhưng lễ hội Quán Thế Âm lại là lễ hội đứng đầu về sự chỉn chu, quy củ và không gặp những phiền hà thường thấy ở các lễ hội lớn nhỏ khác trên cả nước.

Lễ hội Quán Thế Âm mỗi năm diễn ra một lần, vào đúng ngày vía Phật Bà 19/2 âm lịch, thường kéo dài trong 3 ngày 17-18-19 và được tổ chức tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Một lễ hội tín ngưỡng riêng có của xứ Đà

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên năm 1960 nhân khánh thành tượng Đức Bồ tát Quan Thế Âm ở động Hoa Nghiêm (thuộc ngọn Thủy Sơn của danh thắng Ngũ Hành Sơn).

Năm 1991, lễ hội này được khôi phục và đến năm 2000 thì được công nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia với mục đích cầu quốc thái dân an, khơi dậy lòng từ bi của chúng sinh. Từ đó, lễ hội không chỉ đơn thuần của những người theo đạo Phật nữa mà còn là lễ hội chung của cư dân Đà Thành và những vùng lân cận. Hàng năm, cứ đến ngày 19.2 Âm lịch, lễ hội Đà Nẵng này lại được tổ chức với một tầm vóc, quy mô ngày càng lớn và nội dung ngày càng phong phú hơn. Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày, bao gồm hai phần: lễ và hội. Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo, lễ hội mang đậm nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt. Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá văn hóa, du lịch của thành phố Đà Nẵng. (Chùa Quán Thế Âm, nơi diễn ra lễ hội đang được xây dựng mới với kinh phí hơn 200 tỷ, là công trình đầu tiên của 20 công trình quan trọng của khu công viên thánh tích Ngũ Hành Sơn).

Ấn tượng nhất của lễ hội

Lễ hội Quán Thế Âm có khá nhiều hoạt động phong phú của phần hội như các lễ hội tín ngưỡng dân gian khác. Cũng có đua thuyền trên sông Cổ Cò, có biểu diễn văn nghệ, cắm trại của gia đình phật tử, triển lãm tranh, ảnh,  hội hoa đăng, hát bài chòi…

Nhưng với tôi, ấn tượng là những điều không gặp ở nhiều lễ hội lớn nhỏ khác. Lễ hội Quán Thế Âm có đông đúc, nhộp nhịp nhưng không quá ồn ào, có phong phú chương trình nhưng không mang tính sặc sỡ khoa trương. Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong khung cảnh chùa Quán Thế Âm, nên không có cái vẻ luộm thuộm, nhếch nhác. Người tham dự đông nhưng không chen chúc bái lễ, giành chỗ thắp hương hay xin xăm, không lỉnh kỉnh ê hề sính lễ cúng tiến mà khá trật tự… Có lẽ vì nó không phải là dịp để “buôn thần bán thánh” như biến tướng ở một số lễ hội khác, nên đỡ hơn chăng?

Ngay cả mấy mẹc, gánh  hàng của những bà lão Hội An đem bánh tổ, bánh ít, bánh xu xê, bánh bao chỉ, bánh đậu xanh… ra tranh thủ bán kiếm ít đồng lời, cũng được thu xếp ngồi ngay ngắn hai bên lối vào chùa. Ở lễ hội này càng không có cảnh phải thuê người bưng lễ, rải tiền khắp nơi hay cò mồi các loại. Loa phóng thanh liên tục nhắc nhở các quy định về lễ hội cùng những lời khuyến cáo và lực lượng bảo vệ lễ hội khá an nhàn vì sự tự giác và tuân thủ từ những người buôn bán.

Chuyện không chỉ ở một lễ hội

 Cái hay của lễ hội Quán Thế Âm  là tuyệt đối không có người xin ăn đeo bám. Đà Nẵng vốn là thành phố duy nhất trên cả nước làm khá căng chuyện ăn xin, bán vé số, hàng rong… nên ở lễ hội diễn ra ở xứ Đà, chuyện này cũng không ngoại lệ.

Thậm chí, trong dịp lễ hội này, trước đây, khi phát hiện có trường hợp trà trộn người mù bán hương ăn xin trá hình đã nhanh chóng được Tổ xử lý thông tin lang thang xin ăn (thuộc Sở LĐ-TB-XH) kiên quyết xử lý, đưa họ lên xe buýt trở về địa phương. Những người bán hàng rong vi phạm đều bị nhắc nhở, phạt hành chính hoặc tịch thu hàng hóa đối với người tái phạm. Thế nên, du khách đến lễ hội mà thong thả, không bị níu kéo, mời chào vì hàng rong, không phải bực mình bởi những người bán hương, vé số cầu may…

 Nghĩ cũng lạ, những gì lễ hội Quán Thế Âm làm được thì lại hiếm thấy ở lễ hội khác trong khi lẽ ra những điều bất cập cần phải được chấn chỉnh từ lâu. Mà nước ta thì lễ hội có quanh năm, cũng mong lắm thay “mô hình” này được nhân rộng!

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục