Ký ức phố
Một sớm cà phê một mình với góc phố quen, nghe gió mơn man, chợt nhớ phố của những ngày xưa. Nhớ những khoảng trời vàng hoa nở, nhớ những mùa trăng non trong trẻo an lành. Nhớ những mảng tường rêu phong cổ kính, những dòng sông phù sa bao bọc những đời người sống quen với phố.
Phố bây giờ mang một khuôn mặt khác! Sông ở phố giờ chỉ còn là những dòng sông khắc khoải, qua mỗi mùa lại chở những ký ức đi xa. Trăng vẫn về với phố, nhưng trăng của ngày hôm nay chỉ là những phết màu ơ hờ, nhợt nhạt trên những bức tường bê tông vô cảm, vô hồn. Mùa vẫn đó nhưng vội tàn trước cửa và người vẫn đây nhưng cũng chẳng còn trong trẻo với nhau.
Ký ức là nhu cầu bản năng khiến con người luôn ngoái lại với những rêu phong cũ càng, với lớp lang văn hóa, với những dấu ấn lịch sử vinh quang và cả những quãng đau thương, bi thảm. Dù muốn hay không, ký ức cũng là một phần của đời người – đời phố. Đường dẫn về ký ức cần phải là những con đường vẹn nguyên, trong sáng; vì nó cũng chính là đường dẫn đến những ý niệm đạo đức để nuôi dưỡng tương lai. Đường dẫn về ký ức cũng cần phải thường xuyên được vun đắp, giữ gìn. Vì, như thế, người phố sau những biến cố dù đớn đau đến mấy vẫn có thể tiếp tục đứng dậy và bước đi. Những bước đi an nhiên của những thị dân tử tế.
Trong ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, có một cụm từ thường hay được nhắc đến là “kiến tạo nơi chốn” (place making). Các nhà kiến tạo phố theo trường phái này cho rằng: nếu những nhà thiết kế không tạo được cho phố sự gần gũi, gắn bó với con người hoặc làm cho con người có cảm giác gắn bó với phố thì mãi mãi phố sẽ chỉ là vị trí hay chỗ ở đơn thuần mà thôi. Vì thế, kiến tạo nơi chốn ở một chiều kích nào đó là việc giữ lấy hồn cốt để nuôi dưỡng tình yêu của người với phố. Tình yêu với phố cũng giống tình yêu đôi lứa. Yêu nghĩa là khi rời xa, mỗi hòn đá, ngọn cỏ, cành cây, mỗi con đường, dòng sông, mái phố đều khiến ta da diết nhớ. Tình yêu với phố cũng chính là tình tri kỷ để mỗi khi đau khổ, phố vẫn đủ sức để níu bước tìm về. “Kiến tạo nơi chốn đô thị” chính là việc giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu đặc biệt đó. Làm được như thế, phố mới trở thành ký ức chung của tập thể chứ không phải tài sản của riêng ai.
Chúng ta đã từng có được hồn phố, bằng chứng là những Hà Nội xưa, Sài Gòn xưa, Huế xưa đã trở thành những giá trị bất biến với thời gian. Nhưng, những gì đang diễn ra ở phố ngày nay cho thấy: hồn đô thị có thể mờ phai nếu một di tích bị đập bỏ, một hàng cây bị đốn hạ, một dòng sông bị vùi lấp, một ký ức bị lãng quên. Hồn đô thị thực ra quá mong manh.
Vậy nên, hãy cố gắng giữ gìn từng góc phố nơi con người có thể đến gần nhau. Hãy giữ những gì đã thành kỷ niệm để Ký ức phố nối được người phố với nhau.
Hà Nguyên Tùng
Theo Quảng Nam Online
Link nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/ky-uc-pho-82835.html