Không chỉ có Kimono và Hoa đào, Nhật Bản còn gây thương nhớ bởi những thứ này đây
Nghe Tama Duy Ngọc thủ thỉ kể trong Nhật Bản: Hoa anh đào, Kimono & gì nữa? những câu chuyện đời thường qua lăng kính của một du học sinh trót “phải lòng” xứ Phù Tang. Những mảnh ghép nhỏ bé thôi nhưng đủ bộc lộ một Nhật Bản nhiều thú vị và lạ lẫm. Ở đó có gì mà người ta chưa đi thì yêu, đến rồi thì thương đến vậy?
Những ai có ý định tìm hiểu về con người và văn hóa Nhật Bản rất nên đọc cuốn sách này. Những ai chỉ mới nghe kể thoáng qua về Nhật cũng nên đọc cuốn sách này đi, vì ẩn chứa trong nó nhiều thông tin thú vị để bạn hiểu thêm về đất nước không chỉ có những cánh hoa anh đào rực rỡ, những cô gái e ấp bẽn lẽn trong bộ trang phục Kimono, mà còn ẩn đằng sau đó là cả một dân tộc vươn mình từ quá khứ đau thương.
Có gì sau bộ quần áo truyền thống Kimono?
Đó là những “em bé người lớn” bị đèn pin Doreamon thu nhỏ lại. Nghe lạ không? Nhưng trẻ con ở Nhật từ ba, bốn tuổi đã được dạy cho văn hóa xếp hàng, cách thức đi tàu điện, biết tự quản lý đồ đạc và có lối sống gọn gàng, chỉn chu nhờ các bài học cơ bản về nấu ăn, dọn dẹp, làm việc nhà…, hệt như một người lớn chững chạc trưởng thành vậy.
Đó là những con người giản dị mà tác giả có dịp gặp gỡ. Một anh bạn trẻ cựu sinh viên ngành mỹ thuật làm việc ở bảo tàng, một dịch giả tâm huyết với các tác phẩm văn học Việt Nam, một người chị làm công tác quản lý du học sinh, một vị giám đốc chăm chỉ làm công việc thiện nguyện, tỉ mẩn mỗi ngày thu gom những vỏ chai nhựa để bán lấy tiền tài trợ cho các học sinh nghèo tại các nước đang phát triển. Họ có một mẫu số chung là làm việc hết mình, nỗ lực hết mình, kiên trì theo đuổi công việc đến tận cùng. Và họ tận hưởng cuộc sống từng phút giây, qua những vườn cây be bé quanh nhà, những vật dụng handmade như đồ gốm, giỏ xách, bức tranh tự tay họ thực hiện.
Nhưng Nhật Bản cũng không thiếu những mảng sẫm màu. Những con người hy sinh cả tuổi trẻ cho công việc, để rồi về già, khi đã ở vào tuổi hưu trí mới có thời gian đi học môn mình yêu thích, làm những việc mà trước đây họ chưa thể thực hiện. Hay thử theo chân tác giả thâm nhập vào con đường thi cử, học hành, tìm việc của các bạn sinh viên năm cuối mà xem, bạn sẽ thấy tuổi trẻ Nhật Bản đối diện với áp lực khủng khiếp và sự cạnh tranh khốc liệt đến thế nào. Cuốn tản văn cũng sẽ đập tan những mảng mộng tưởng du học viển vông của người trẻ về Nhật Bản, vì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về vật chất, tinh thần và năng lực, cũng như nỗ lực rất lớn, bạn mới có thể tồn tại và thích ứng với xứ Nippon lạnh lùng khắc nghiệt.
Đến Nhật không chỉ để ngắm hoa đào
Mà còn để ngắm nhiều thứ nữa, tỉ như thán phục trước những chú chó nghiệp vụ trợ thủ đắc lực của người khiếm thị. Bạn cũng sẽ xúc động cùng tác giả khi nghe câu chuyện về chú chó Sora Kun, “cậu bé bầu trời” gắn bó với chủ từ lúc còn bé xíu cho đến khi mắt đã mờ và lông đã rụng đi nhiều, được chủ nhân đối đãi như thành viên không thể thiếu trong gia đình, với trọn vẹn lòng trân trọng và biết ơn.
Bạn cũng sẽ đi từ ngạc nhiên đến thán phục cách mà người Nhật đối xử với thiên nhiên. Từ việc phân loại và quy trình thu gom và xử lý rác dễ khiến người mới đến “xoắn não”, đến việc sẵn sàng để trẻ em lội xuống con kênh ngập bùn để chung tay cải tạo nguồn nước. Họ trân trọng thiên nhiên như một người bạn quý, và họ luôn đề cao tinh thần sẵn sàng ứng phó với thiên tai nguy cấp có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Và nếu bạn cũng có một trái tim lạc nhịp trước bức thư tình chưa bao giờ gửi khắc đằng sau ghế đá công viên, hay chỉ cần nhìn chiếc hộp quà đơn giản, tinh tế, “dễ cởi mở” là yêu luôn người gửi, như tác giả đã từng, thì phải lòng Nhật Bản là chuyện không sớm thì muộn thôi nhé! Nơi đó không chỉ có trà đạo, kimono, hoa đào, lễ hội bắn pháo hoa, hay phong cách làm việc chỉn chu và hết mình… Còn rất nhiều điều sẽ khiến bạn “chưa đi thì yêu, đến rồi thì thương” ẩn trong những lá thư gửi từ Nhật Bản của Tama Duy Ngọc. Hãy đọc và cùng trải nghiệm.
Mai Chi