Khó giãn khách du lịch ra vùng ven

Giãn khách ra các điểm du lịch vệ tinh của đô thị cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn nhằm đa dạng hóa các điểm đến, đồng thời giảm tải áp lực cho di sản. Tuy nhiên, nhiều vùng ven các điểm du lịch vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng nên phương án này gặp nhiều khó khăn.

Vài năm trước, TP.Hội An đã tích cực xây dựng các điểm đến, đa dạng các loại hình du lịch ở vùng ven đô nhằm tạo ra sự phát triển bền vững theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa. Nhờ đó, cộng đồng vùng ven đô thị cổ được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động du lịch. Giờ đây, các điểm đến như rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh), làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà)… đã trở thành địa điểm ưa thích và không thể thiếu trong hành trình tham quan Hội An của du khách. Theo TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), với du lịch cộng đồng, nông dân giờ đây ngoài việc lao động còn là người thuyết trình, hướng dẫn; trong khi đó du khách nhờ được tương tác, tìm tòi trong không gian mở lại gợi ý những hướng mới có thể tiếp thu để tạo ra sức hấp dẫn du lịch cho địa phương.

Loại hình du lịch học tập đang dần hình thành tại vùng ngoại ô Hội An. Ảnh: C.M.T
Loại hình du lịch học tập đang dần hình thành tại vùng ngoại ô Hội An. Ảnh: C.M.T

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều điểm du lịch ở các địa phương lân cận của Hội An vẫn chưa thể tạo ra được các sản phẩm đặc trưng nhằm tận dụng dòng khách từ Hội An. Ông Fumio Kato – Trưởng dự án JICA tại Quảng Nam cho rằng: “Du khách đến Quảng Nam hiện nay chủ yếu tương tác ở đô thị, còn ở vùng quê xa hơn thì khá hạn chế. Điều này khiến du khách bỏ lỡ khá nhiều cảnh quan, nét đặc sắc của địa phương”.

Ở Điện Bàn, theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, có khoảng 32 nghìn lượt khách lưu trú lại 2 resort ven biển với doanh thu hơn 360 tỷ đồng nhưng lượng khách tương tác đến các điểm du lịch khác thì khá ít ỏi khiến du lịch địa phương chưa tạo được sức bật. Với huyện Thăng Bình, tại cuộc tọa đàm về phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, dự kiến sắp tới tại làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều) sẽ tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cộng đồng để mở rộng không gian khám phá cho khách du lịch.

Trong khi đó, theo số liệu từ Phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, trong số 350 nghìn lượt khách tham quan tại địa phương trong 10 tháng đầu năm 2018, có 340 nghìn lượt tham quan tại khu di tích Mỹ Sơn, còn lại các địa điểm khác không đáng kể. Ông Đặng Văn Minh – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho rằng: “Làng du lịch sinh thái cộng đồng Mỹ Sơn không thu hút du khách bởi đây là làng mới không mang đặc trưng riêng của các làng cổ. Ngoài ra, các địa điểm ngoài Mỹ Sơn chưa thu hút được dự án đầu tư nên rất khó để lôi cuốn khách du lịch”. Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện trên địa bàn huyện đang triển khai các dự án tơ tằm, khách sạn, khu du lịch sinh thái…, hy vọng các điểm du lịch sẽ có sự khởi sắc trong thời gian đến.

Quốc Tuấn

Theo Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục