Khó có chuyện “Hai Phượng” bán được 5 triệu USD cho Netflix

Việc phim Hai Phượng (đạo diễn: Lê Văn Kiệt) được Netflix mua để chiếu là thông tin chính thức, dù không tiết lộ con số cụ thể, nhưng chắc chắn thấp hơn 5 triệu USD rất nhiều lần. Vì sao vậy?

Dù đã tìm cách liên lạc với Lê Văn Kiệt, Ngô Thanh Vân (đồng sản xuất), với bộ phận truyền thông của phim Hai Phượng để hỏi về con số 5 triệu USD (hơn 116 tỷ đồng), nhưng đến 17h ngày 4/3/2019, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Theo thông tin từ một người thân thiết với Ngô Thanh Vân thì Vân đã chia sẻ đại ý rằng: với uy tín thị trường của phim Việt hiện nay, chưa thể bán tới mức giá đó được đâu.

Hiểu thế nào về 5 triệu USD?

Hơn 116 tỷ đồng là số tiền rất lớn, trong lịch sử chiếu phim tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đến nay mới chỉ có vài phim vượt qua được cột mốc này. Netflix chắc chắn cũng có số liệu, nên họ khó có lý do thuyết phục để bỏ ra số tiền lớn như vậy mua bản quyền.

Công chiếu rộng rãi tại Mỹ và bán cho Netflix là một thành công lớn về thị trường của “Hai Phượng”

Ngay cả nền điện ảnh đã có nhiều phim tạo sức hút phòng vé quốc tế như Thái Lan, với các phim đình đám như Ong-Bak (2005), Tom yum goong (2006), Pee Mak Phra Khanong (2013)… thì cũng chưa có phim nào bán được bản quyền ra quốc tế đến 5 triệu USD.

Doanh thu chiếu phim ngoại nhập tại thị trường Thái Lan cũng rất cao, điều này tạo sự đối lưu cần thiết để phim nội địa đi ra thế giới. Đơn cử như Avengers: Infinity War có doanh thu gần 18 triệu USD, Fast & Furious 7 (hơn 13,2 triệu USD), Avengers: Age Of Ultron (hơn    8,8 triệu USD), Transformers: Age Of Extinction (hơn 9,6 triệu USD), Jurassic World (hơn 8,2 triệu USD), Captain America: Civil War (gần 12 triệu USD)…

Nhờ biết kết hợp chuyên gia quốc tế và Vệt Nam về hành động, “Hai Phượng” đã khá trọn vẹn với thể loại hành động thực thụ

Thái Lan có ngôi sao võ thuật quốc tế Tony Jaa, đã đóng các vai quan trọng trong vài bom tấn như Fast & Furious 7, Sha Po Lang 2, xXx: Return Of Xander Cage… Phim giải trí luôn cần ngôi sao lớn, Tony Jaa là một bảo chứng phòng vé. Đây là chưa nói về sản xuất và hậu kỳ phim, Thái Lan cũng khá phát triển so với các nước trong khu vực. Việt Nam thường mang phim sang Thái Lan làm hậu kỳ là một ví dụ dễ thấy.

Với kinh phí sản xuất phim phổ biến tại Việt Nam vào khoảng 8 đến 10 tỷ đồng (xấp xỉ 0,5 triệu USD), Netflix sẽ khó có cơ sở để bỏ ra số tiền tương đương tiền sản xuất 10 phim để mua bản quyền Hai Phượng. Hơn nữa, ngoài thị trường nội địa, Hai Phượng đang công chiếu tại Mỹ, dự kiến sẽ còn ra quốc tế, nghĩa là thị phần bị chia nhỏ, mất sự độc quyền cần có cho Netflix.

Công sức cho diễn xuất, cho các mối quan hệ về thị trường của Ngô Thanh Vân trong “Hai Phượng” là rất lớn

Tuy nhiên cũng cần phải khẳng định rằng việc được Netflix mua để chiếu là một thắng lớn của Hai Phượng, là một bước tiến dài ra thị trường quốc tế của phim Việt. Giả dụ Hai Phương chỉ bán được 500.000 USD – con số mà Netflix thường chi trả cho các phim không nói tiếng Anh – thì đã rất tốt. Bởi nhìn lại, có quá ít phim hành động thực thụ (action-thriller) của Việt Nam gặp may mắn về doanh thu, 500.000 USD sẽ giúp củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư – sản xuất.

Sau phim này, Ngô Thanh Vân giải nghệ với thể loại đánh đấm, vì quá nặng

Doanh thu trong nước đang ở mức gần 75 tỷ đồng (hơn 3,2 triệu USD), nếu cộng thêm phần bán quốc tế, Hai Phượng đã có thể vượt qua được “định mệnh” hoàn vốn và có lãi cho dòng phim hành động thực thụ tại Việt Nam. Doanh thu sẽ còn tiến xa, vì lịch chiếu còn rất dài và rất dày.

Phim Việt đạt chuẩn Mỹ

Việc Hai Phượng được công chiếu ở nhiều hệ thống rạp tại Mỹ cho thấy phim Việt vẫn có thể đạt được chuẩn về mặt kỹ thuật âm thanh, hình ảnh, định dạng… Nói điều này ra nghe có vẻ xót xa và buồn cười, chứ trong quá khứ gần đã có nhiều phim Việt bị từ chối chiếu tại các liên hoan phim quốc tế không phải vì nội dung, diễn xuất yếu kém, mà vì sai định dạng hình ảnh, kém chất lượng âm thanh.

Tình mẹ con xúc động là cách để các pha hành động bạo liệt được chấp nhập cấp phép

Cây bút bình phim Cary Darling của trang Houston Chronicle nhận xét: “Xét trong thể loại này, Hai Phượng có lẽ là phim giải trí hấp dẫn nhất kể từ The Raid 2: Berendal – một phim tạo được tiếng vang bên ngoài Indonesia 5 năm trước”.

Ở đây cũng xin lưu ý thêm rằng The Raid 2 đã được công chiếu quốc tế tại 15 nước như Anh, Australia, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan…, thu về hơn 2,6 triệu USD (không tính thị trường Indosesia và Nhật Bản), riêng nước Anh là hơn 1,7 triệu USD. Nếu Netflix nhìn vào doanh thu của The Raid 2, họ cũng sẽ có cơ sở để không trả cho Hai Phượng 5 triệu USD. Muốn đạt đến con số này, phim Việt phải còn tiếp bước Hai Phượng để cố gắng nhiều hơn nữa.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục