Khi đường sắt bỏ hoang thành công viên
Làm thế nào tái chế các tuyến đường sắt bỏ hoang trong nhiều năm thành một công viên đô thị và thu hút du khách? Để trả lời câu hỏi này, cần đến sự hợp tác ăn ý của các chuyên gia về kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị và nhà sinh thái học.
Công viên High Line được hình thành trên phần cầu cạn, thuộc tuyến đường sắt trên cao dài 2,33 km trước đây ở phía Tây Manhattan của New York, có thể đem lại cảm hứng sáng tạo cho bất kỳ thành phố nào đang cần một phép màu cho những bãi rác thải công nghiệp.
Biểu tượng của kiến trúc cảnh quan đương đại
Kể từ khi mở cửa vào năm 2009, High Line đã trở thành một biểu tượng của kiến trúc cảnh quan đương đại.
High Line được lấy cảm hứng từ dự án Promenade plantée, biến một nhà ga bỏ hoang thành công viên xanh mướt, Công viên được mở theo từng giai đoạn trong năm 2009 , 2011 và 2014. Phần mới nhất khai trương vào vào tháng 6/2019.
Công viên này không chỉ có cây cỏ, những lối đi đẹp mắt mà còn có khu vực vui chơi cho trẻ em, khu vực giảng đường ngoài trời với nhiều cây cối xung quanh nhìn ra sông Hudson. Một sàn diễn ngoài trời được thiết lập phục vụ cho các chương trình biểu diễn như thời trang,các hoạt động giao lưu tại công viên. Bên cạnh đó là bảo tàng, triển lãm, nhà hàng, quán cà phê…
Chi phí cải tạo thấp hơn chi phí phá hủy
Thành công của High Line đã truyền cảm hứng cho các thành phố trên khắp Hoa Kỳ để biến đổi các cơ sở hạ tầng lỗi thời thành không gian công cộng. Thật ra, mục tiêu ban đầu của những người khởi xướng ý định cải tạo đường sắt bỏ hoang thành công viên là để phục vụ khu dân cư xung quanh. Tuy vậy, sau ngày mở cửa, công viên này trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch tại New York. Thống kê cho thấy công viên thu hút gần 8 triệu khách mỗi năm.
Theo khảo sát, chi phí tái tạo một tuyến đường sắt đô thị bỏ hoang thành một công viên thấp hơn số tiền bỏ ra để phá hủy nó.
Thành công của High Line tại thành phố New York đã khuyến khích các thị trưởng ở các thành phố khác coi đây là biểu tượng và hiệu ứng để lên kế hoạch cải tạo cơ sở hạ tầng đường sắt cũ thành công viên. Trong số này có công viên đường sắt Philadelphia, công viên ở Atlanta và của Chicago.
Năm 2016, tổ chức Friends of the High Line lập quỹ hỗ trợ các dự án tái sử dụng cơ sở hạ tầng đang được phát triển ở các thành phố khác.
Sự thành công của dự án High Line nhắc cho chúng ta nhớ về mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ. Những tòa cao ốc hiện đại, những đường ray cao tốc, các phương tiện ứng dụng càng xuất hiện nhiều hơn thì “rác công nghiệp” của chúng bỏ lại càng ngày càng lớn. Thống kê cho thấy chưa đến một nửa trong số “rác công nghiệp” đó được tái chế, số còn lại có thể bị lãng quên.
Thiệu Kiệt (tổng hợp)
Theo 24hsongxanh.vn
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/khi-duong-sat-bo-hoang-thanh-cong-vien/