Cuốn sách tuổi thơ và những cuộc hạnh ngộ

Thuở ấy, những chuyến đi buôn xa, dài ngày của ba tôi thường có kết thúc giống nhau: quay về trong thua lỗ, trắng tay. Nhưng bao giờ cũng vậy, không bao giờ thiếu quà cho anh em tôi – nếu không là những cuốn sách mua được ở bến xe thì cũng đầy ắp những tình tiết ly kỳ trên đường để kể cho lũ con háu chuyện trong các bữa cơm gia đình.

Ngày còn thơ nơi xó núi thiếu thốn sách vở và những dịp du ngoạn xa, món quà sau những cuộc xê dịch của ba đem lại những niềm vui thầm kín mà thật rộn ràng…

Kỷ niệm riêng

Khoảng năm 1987, khi đó tôi học lớp 4, ba từ quê nhà – thung lũng xứ nắng Ninh Sơn (Ninh Thuận) – ngược đèo Ngoạn Mục lên Đức Trọng (Lâm Đồng) làm ăn buôn bán. Ba vắng nhà một thời gian, và như mọi chuyến buôn khác, khi trở về, ba hốc hác phờ phạc, nhưng trong cái túi xách bám đầy bụi đất đỏ, là một cuốn sách mỏng, có bìa vẽ hình chú ngựa non đang dỏng chân bước, cổ ngoái lại, đưa mắt nhìn vào chiếc cánh nhỏ trên lưng mình với vẻ ngạc nhiên, bên dưới có dòng chữ Khi bố còn thơ với kiểu phông cắt dán khá ngộ nghĩnh. Tạo hình bìa của cuốn sách toát lên vẻ trong trẻo, thật gần gũi đối với đứa con nít mê phim hoạt hình Liên Xô trong các chương trình Những bông hoa nhỏ trên màn hình tivi đen trắng mỗi tối như tôi.Tôi lục lọi lấy được cuốn sách là ra gốc cây bên hè ngồi đọc ngấu nghiến, mặc tiếng thở dài và những cẳn nhẳn cằn nhằn, cả tiếng khóc rấm rứt của mẹ vọng ra từ phòng khách (không khóc sao được, gia cảnh đã khó khăn mà trời cho một ông chồng bày ra làm vố nào là thất bại trắng tay vố đó; đã vậy, khi trở về chỉ biết nằm vắt tay lên trán im lặng, mỏi mệt chẳng buồn nói năng gì).
Cuốn sách kéo tôi ra khỏi cái thế giới phức tạp và có phần bế tắc của người lớn, để đi vào vùng trời đầy ắp tiếng cười, sự hồn nhiên thơ trẻ trong từng câu chuyện.

Ấn bản cũ và mới của “Khi bố còn thơ”.

Những câu chuyện về tuổi thơ của ông bố Alexander Raskin kể cho cô con gái Xasa nghe mỗi khi cô bé trở bệnh, thật cuốn hút và làm tôi mê đắm trong một vùng trời tuổi thơ vừa quen vừa lạ. Tôi vui theo niềm vui lan tỏa từ những trang sách, những chất liệu cuộc sống tươi đẹp của “chú-bé-bố” ngộ nghĩnh đã từng đưa đứa con gái đi qua những cơn sốt, những trận ốm thật nhẹ nhàng.

Tôi đã tưởng tượng ở đó có một phần tuổi thơ của ba mình, một người cha trầm lặng và ít khi kể về ngày thơ bé ngoài câu chuyện ông nội đã cất công đi bộ năm cây số để mua cho ba một chiếc xe đạp mới, rồi tự tay dắt xe về (vì ông không biết đạp xe). Tôi đã nghĩ rằng, mọi ông bố đều có tuổi thơ như Raskin, vì đơn giản, ở đó có phần giống những gì đang xảy ra trong thời thơ ấu của tôi, dù sinh hoạt của nước Nga mà Raskin sống với làng quê của tôi thật xa xôi và chẳng có gì liên hệ với nhau.

Bầu trời tuổi thơ như một thiên đường làm cho mọi tâm hồn lộng gió yêu thương trở nên gần gũi và thân thiện là vậy. Chuyện chú bé đến trường bị bạn gái trêu, chuyện chú bé thi thố sức mạnh với chúng bạn, chuyện chú bé ích kỷ không cho bạn chơi bóng chung, chuyện chú bé luôn đi học muộn, chuyện chú bé giết một con rắn cho đến chuyện tày trời như chú bé tập làm thơ và gọi điện cho nhà thơ Mayakovsky…

Rồi thỉnh thoảng, đứa trẻ lớp 4 dừng lại giữa những câu chuyện, nghĩ về lời ông bố khuyên đứa con gái thật khéo: “bố nhận ra rằng, khỏe mạnh không thể có được bằng mồm”, “bố không bao giờ nói dối cô giáo nữa, không bao giờ”,  “từ đó về sau, không bao giờ bố làm đau một con mèo, một con chó hoặc bất cứ một con vật nào nữa trong đời bố” hay “nếu ta không tự mình làm lấy từng việc thì ta sẽ không bao giờ học được điều gì…”.

Có khi các câu chuyện kết thúc theo kiểu “cà rỡn” khiến tôi bật cười một mình: “con người không ai lại phải dùng chân gãi sau tai của mình”, hay “nhưng con trai là con trai và con trai là chúng thích đánh nhau mà”…

Gặp lại tuổi thơ

Tôi theo con đường ngược đèo mà ba từng qua để rời quê xứ của mình, không phải đi buôn mà vào đại học. Những năm sinh viên, tôi lùng sục trong các kho sách và giao du với những người viết ở thành phố Đà Lạt. Cơ duyên đưa đẩy, tôi quen dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, biết ông từng là thầy học của ba tôi thời ba còn học trường Nguyễn Hoàng ở quê nội Quảng Trị.

Một lần kia, tại thư viện Lâm Đồng, khi tìm danh mục ấn phẩm xuất bản tại Đà Lạt sau Đổi mới để làm tài liệu biên khảo về văn hóa thành phố này, tôi bất ngờ dò thấy một tên sách đặc biệt: Khi bố còn thơ của Alexander Raskin (do Đỗ Tư Nghĩa và Phan Thế Hưng dịch, Sở Văn hóa Thông tin Lâm Đồng in năm 1986).

Trong góc thư viện tịch lặng của buổi sáng trời mưa mù hôm đó, tôi đã rơi nước mắt khi hạnh ngộ tuổi thơ của mình. Và tôi vui sướng hơn, khi nhận ra một trong hai dịch giả của cuốn sách một thời mình say mê đọc lại chính là người bạn vong niên của mình – ông Đỗ Tư Nghĩa – một người cha đang sống xa đứa con gái, người có cuộc sống thanh đạm, nhỏ nhẹ và ẩn dật trong một căn phòng trọ xộc xệch, đầy sách ở cuối dốc hẻm đường Nhà Chung.

Câu chuyện cuốn sách này là một kỷ niệm đẹp với cha, với sách và bây giờ, là kỷ niệm và những hứa hẹn với đứa con trai bé nhỏ.

Rồi đời sống đẩy đưa thế nào, một ngày kia tôi đi làm xuất bản sách. Cuốn sách của những năm tháng tuổi thơ, những hình minh họa trên nền giấy đen, những câu chuyện nghịch ngợm của “cậu-bé-bố” năm nào cứ neo lại trong tâm trí. Tôi đã cùng các đồng nghiệp dốc sức dò tìm bản quyền cuốn sách Khi bố còn thơ để tìm cách tái bản. May mắn thay, Xasa, cô con gái tác giả Alaxander Raskin trong câu chuyện, nay đã là một cụ bà, chính là người giữ bản quyền cuốn sách. Bà ấy vui khi tác phẩm lưu lại tình thương yêu người cha, gắn với kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp của mình sẽ có một đời sống mới trong một ngôn ngữ khác.

Và sau những vướng mắc không tiện kể với bản dịch cũ, tôi đã kết nối với Y Khương, một ông bố 8X để dịch thay phần mà trước đây Phan Thế Hưng đã dịch. Lạ thay, Y Khương và Đỗ Tư Nghĩa, hai ông bố thuộc hai thế hệ nhưng họ đã gặp nhau, tìm thấy sự nhất quán trong giọng điệu khi làm sống lại những câu chuyện tuyệt vời về thời thơ ấu của một người cha nước Nga đã khuất.

Những hạnh ngộ

Trong lần xuất bản này do Phanbook & NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành, 2020, tác phẩm Khi bố còn thơ đã khoác áo mới với phần tranh minh họa màu đặc sắc của họa sĩ Trần Hồng Nguyên (Nguyen Tran). Anh là họa sĩ thiết kế tại Chicago Children’s Theatre và Collaboraction Theatre (Chicago, Mỹ); là tác giả minh họa thường xuyên xuất hiện trên The New York Times, Elle, Amazon…

Cầm cuốn sách phiên bản mới của Khi bố còn thơ trên tay, tôi đón về tuổi thơ của mình sau nhiều năm lưu lạc. Tôi gặp lại người cha đã khuất với ký ức những chuyến đi sấp ngửa tàn tạ và món quà tinh thần ngưng đọng qua thời gian. Tôi đã tặng cuốn sách này cho con trai mình. Thật lạ lùng, cũng như nhiều đứa trẻ khác của thời bây giờ, chỉ say mê Doraemon, vậy mà khi cầm cuốn sách trên tay, cậu bé lớp 2 đã đọc say sưa từng chuyện và khúc khích cười. Đêm đó cháu xin thức khuya một chút để đọc sách. Hôm sau, cậu bé nói: “Ba viết cho con một cuốn sách như vậy về ngày xưa của ba đi”.

Là người làm sách, vừa là người viết, tôi cứ ngỡ đã in được cuốn sách này rồi thì đã trả xong “món nợ” bấy lâu nay cứ vướng trong đầu, rằng phải viết một cuốn sách cho con trai. Nhưng hình mẫu một cuốn sách thiếu nhi thế này sẽ không thể là cách kết toán một món nợ [chuyện kể] với con cái, mà nó nhắc rằng, những biển chuyện ấu thơ trong trẻo hồn hậu luôn cần được khơi nguồn, bảo tồn, mở rộng, làm cho giàu có thêm.

Câu chuyện cuốn sách này là một kỷ niệm đẹp với cha, với sách và bây giờ, là kỷ niệm và những hứa hẹn với đứa con trai bé nhỏ. Hình ảnh ông bố thơ ấu hậu đậu, vụng dại, luôn phạm sai lầm và biết “nhận ra” sau mỗi câu chuyện để lớn lên từng ngày vậy là đã theo tôi gần nửa đời người.

Mọi ông bố đều từng là một cậu bé. Và luôn tìm lại cậu bé đó trong suốt cuộc đời.

Alexander Raskin

Nhà văn, kịch tác gia người Nga.

Khi bố còn thơ xuất bản lần đầu vào năm 1961, gây tiếng vang và được dịch sang tiếng Anh với tựa When Daddy Was a Little Boy. Tác phẩm được tái bản nhiều lần với số lượng lớn; được đánh giá là cuốn sách viết cho thiếu nhi giản dị, trong sáng và có tính giáo dục cao.

Bài & ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/cuon-sach-tuoi-tho-va-nhung-cuoc-hanh-ngo-23720.html

Cùng chuyên mục