Khẩn trương chuẩn bị trường học cho năm học mới

Nhiều công trình trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang hoàn tất xây dựng để phục vụ công tác dạy và học năm học 2020-2021. Bên cạnh đó, nhiều trường đang hoặc sẽ tiến hành sửa chữa, xây mới các hạng mục. Các công trình này không thể hoàn thành kịp sau kỳ nghỉ hè ngắn nên khi vào năm học mới, các trường yêu cầu đơn vị thi công song song với công tác an toàn lao động phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

chuanbi-truong-hoc-cho-nam-hoc-moi
Trường tiểu học Lý Tự Trọng đang dần hoàn thiện phần tường rào, cổng ngõ, sân trường để bàn giao cho đơn vị sở hữu trong thời gian đến.

Nhiều ngôi trường đưa vào sử dụng trong năm học mới

Năm học 2020-2021, thầy và trò Trường tiểu học Lý Tự Trọng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) chính thức về cơ sở mới khang trang nằm trên đường cùng tên sau 1 năm dạy và học tại Cung Thiếu nhi Đà Nẵng.

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, đơn vị thi công Trường tiểu học Lý Tự Trọng đang nỗ lực hoàn thành các hạng mục tường rào, cổng ngõ, lát nền sân chơi để kịp bàn giao cho đơn vị sở hữu.
Trường tiểu học Lý Tự Trọng khởi công tháng 10-2019. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách thành phố trên 87 tỷ đồng, quy mô 30 phòng học có điều hòa, quạt mát, 5 phòng chức năng, khu hành chính làm việc, 8 khu vệ sinh, nhà thể thao đa năng, hồ bơi…

Nhìn cơ ngơi khang trang, cô Phan Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng nhà trường không giấu được cảm xúc: “Những ngày này, từ lãnh đạo nhà trường đến giáo viên, học sinh ai cũng háo hức, mong muốn về trường mới để giảng dạy và học tập. 4 năm qua, giáo viên, học sinh dạy học trong ngôi trường cũ kỹ, giờ đây, được sự quan tâm của thành phố, ngôi trường được xây mới hoàn toàn với cơ sở vật chất hiện đại. Đây là động lực để tập thể giáo viên nỗ lực dạy tốt hơn”.

Năm học 2020-2021, khối nhà 4 tầng, 19 phòng học của Trường THPT Hoàng Hoa Thám (nằm trên địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng được đưa vào sử dụng sau 240 ngày thi công. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, công trình được thành phố đầu tư gần 31 tỷ đồng. Thời gian khởi công xây dựng trùng thời gian học tập của học sinh nên nhà trường đã yêu cầu đơn vị thi công luôn đặt vấn đề an toàn cho học sinh, giáo viên lên hàng đầu; trong đó đặc biệt hạn chế tiếng ồn, không gây bụi để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, giáo viên.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) được thành phố đầu tư ngân sách 78,4 tỷ đồng trong giai đoạn 1. Quy mô trường học 3 tầng, 15 phòng học lý thuyết, 8 phòng học bộ môn, thư viện, nhà hiệu bộ, nhà đa năng cùng một số hạng mục khác. Trường khởi công tháng 8-2019, hoàn thành vào giữa tháng 7-2020.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, trường được Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập vào quý 1-2020. Năm học 2020-2021, Trường tuyển sinh 7 lớp, 280 học sinh. Hiện tại, Sở đang chuẩn bị nhân lực để phục vụ công tác điều hành, giảng dạy trong năm học tới. “Việc thành lập Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh lớp 10 tại khu vực 2 quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang; giảm tải cho các trường THPT lân cận…”, bà Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh.

Bảo đảm an toàn khi xây dựng công trình

Sau khi bế giảng năm học 2019-2020, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) cũng sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị trúng thầu tiến hành khởi công xây dựng trường. Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có quy mô xây dựng 3 tầng, 22 phòng học ở dãy phía tây, tổng kinh phí đầu tư gần 22 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Do không thể xây kịp trong thời gian hè nên nhà trường sẽ cải tạo các phòng bộ môn, phòng chức năng để dạy học tại trường khối 6 và 9. Riêng khối 7 và 8, nhà trường thuê, mượn lại các cơ sở khác để dạy học trong năm đến.

chuanbi-truong-hoc-cho-nam-hoc-moi
Khối nhà 4 tầng Trường THPT Hoàng Hoa Thám đã hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Sau khi khai giảng năm học mới, để bảo đảm kịp tiến độ cũng như không ảnh hưởng đến việc dạy và học, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ yêu cầu đơn vị thi công dùng lưới để che chắn, hạn chế rơi vãi vật dụng xuống bên dưới. Nhà trường còn phân công bảo vệ trực tại khu vực thi công để kiểm soát, nhắc nhở học sinh… “Phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên”, thầy Võ Thanh Phước khẳng định.

Kết thúc năm học 2019-2020, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) sẽ phá dỡ, đầu tư xây mới toàn bộ từ nguồn ngân sách thành phố. Quy mô trường học gồm 30 phòng học, 8 phòng bộ môn, cùng các phòng chức năng, khu thể thao đa năng…, tổng mức đầu tư hơn 83 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thầy Hồ Ngọc Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do xây mới hoàn toàn nên nhà trường đang đàm phán với Cung Thiếu nhi Đà Nẵng để thuê, phục vụ năm học 2020-2021.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà cho biết, sau khi bế giảng năm học 2019-2020, Trường THCS Nguyễn Huệ, Trường THCS Kim Đồng, Trường tiểu học Núi Thành, Trường tiểu học Phan Thanh, Trường tiểu học Lê Quý Đôn, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Trường tiểu học Lý Công Uẩn và Trường mầm non Dạ Lan Hương sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng để xây dựng mới một số phòng học, khu hiệu bộ, phòng chức năng, tổng kinh phí đầu tư cho các trường gần 100 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách thành phố và quận.

“Các công trình sẽ không thể hoàn thành kịp sau kỳ nghỉ hè ngắn nên khi vào năm học mới, các trường yêu cầu đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm ngặt khâu bảo đảm an toàn khi thi công; tiến hành phân luồng lối đi cho học sinh và giáo viên; cử bảo vệ trực, gác vào giờ ra chơi cũng như đầu và cuối mỗi ngày học”, bà Trần Thị Thúy Hà nhấn mạnh.

Tại địa bàn quận Thanh Khê có 9 công trình trường học đang xây dựng và sửa chữa lớn, nhỏ. Trong số đó có Trường mầm non Cẩm Nhung (nằm ở ngã tư đường Ông Ích Khiêm – Hải Phòng). Cô Tạ Mỹ Trân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong thời gian xây dựng, nhà trường bố trí cho các cháu học tại các trường bạn, đồng thời mượn thêm cơ sở để dạy học. “Các đơn vị thi công cũng đang nỗ lực làm ngày, làm đêm nhằm  bàn giao trước tháng 9-2020 để nhà trường kịp đón trẻ vào năm học mới. Hiện các giáo viên đang chuẩn bị dụng cụ học tập, đồ chơi để trang trí khi nhận phòng học”, cô Trân chia sẻ.

Ở quận Sơn Trà, ngoài một số công trình trường học sửa chữa nhỏ dưới 100 triệu đồng, có 3 công trình trường học xây dựng mới quy mô lớn, gồm: cơ sở chính của Trường mầm non Hoàng Yến, Trường mầm non Vành Khuyên và Trường THCS Lý Tự Trọng.

Theo ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà, để bảo đảm cho việc dạy và học, học sinh tại cơ sở chính Trường mầm non Hoàng Yến được chuyển về các điểm lẻ của trường, đồng thời bố trí về học tại Trường mầm non Bạch Yến (gần Trường mầm non Hoàng Yến). Trường mầm non Vành Khuyên cũng bố trí học sinh mầm non về các điểm lẻ, bảo đảm được các yêu cầu dạy và học bán trú. Riêng Trường THCS Lý Tự Trọng xây dựng dãy nhà giữa nên nhà trường bố trí 2 dãy 2 bên cho học sinh học tập. Tuy nhiên, nhà trường đã yêu cầu đơn vị thi công che chắn, phân luồng, bố trí lối đi bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.

Về phía quận Liên Chiểu, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, có 5 trường học xây mới phòng học (tổng mức đầu tư 83,6 tỷ đồng) và cải tạo, sửa chữa 9 trường (tổng mức đầu tư 10,5 tỷ đồng). Tại địa bàn huyện Hòa Vang đầu tư xây mới và sửa chữa 24 công trình trường học (tổng mức kinh phí đầu tư hơn 65 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và ngân sách huyện).

Tại 2 quận Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn cũng có một số công trình trường học tiến hành sửa chữa, xây dựng mới sau khi bế giảng năm học này. Trong quá trình thi công, Phòng GD-ĐT các quận, huyện chỉ đạo nhà trường bên cạnh việc dạy và học, yêu cầu đơn vị thi công đặt công tác an toàn cho học sinh, giáo viên lên hàng đầu.

Ngọc Phú

Theo Đà Nẵng Online

 

Link nguồn: https://www.baodanang.vn/channel/5411/202007/khan-truong-chuan-bi-truong-hoc-cho-nam-hoc-moi-3474844/

Cùng chuyên mục