Kế hoạch đưa khách từ sông Hàn đi Cù Lao Chàm: Thận trọng!

Liên quan đến việc TP.Đà Nẵng đơn phương xây dựng kế hoạch đưa khách tham quan trực tiếp từ sông Hàn đi Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) bằng tàu lớn (Báo Quảng Nam đã phản ánh), một số chuyên gia bảo tồn biển cảnh báo điều này sẽ hủy hoại hệ sinh thái biển, nhất là thảm cỏ biển và môi trường sống của các loài hải sản nơi đây.

Hoạt động du lịch đã thải rác xuống biển. Ảnh: BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Hoạt động du lịch đã thải rác xuống biển. Ảnh: BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ảnh hưởng hệ sinh thái biển

Theo ông Lê Xuân Ái – chuyên gia bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm, dù chỉ mới nghe thông tin qua báo chí về việc TP.Đà Nẵng xây dựng kế hoạch vận chuyện khách du lịch bằng tàu biển vào tham quan Cù Lao Chàm, cũng như chưa biết cụ thể tàu vào sẽ khai thác du lịch vùng nào của đảo, nhưng nếu tàu neo đậu khu vực Bãi Bấc là không thể được. Lý do: trong quy hoạch, Bãi Bấc là khu vực bảo tồn hệ sinh thái biển, trong đó có rùa, cỏ biển và san hô.

“Nếu khách muốn đi Cù Lao Chàm thì cứ đến cảng Cửa Đại ra, tại sao cứ phải chọn phương án đi đường biển trực tiếp từ Đà Nẵng. Tôi nghĩ phía Đà Nẵng muốn nhắm tới khu vực Bãi Bấc, điều này khó thể được, vì không chỉ liên quan đến giao thông đường thủy như phân luồng tuyến mà hành trình đi ngang như thế cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, nên phải xem xét lại. Tôi nghĩ Hội An không nên chấp nhận đề xuất này. Chúng ta sẽ không thể kiểm soát được hoạt động của tàu biển du lịch từ Đà Nẵng đưa khách vào đây” – ông Ái phân tích.

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ năm 2018 một số tàu vận chuyển khách từ Đà Nẵng đã lén lút vào Cù Lao Chàm khai thác du lịch, kể cả xả rác xuống đáy biển gây hư hại thảm thực vật và cỏ biển. Cụ thể, ngày 8 và 9/5/2018, BQL phát hiện ca nô Khương Lê 3, Đà Nẵng (vận chuyển khách cho Công ty CP Cá Voi Biển Xanh) đưa khách du lịch từ Đà Nẵng cập đổ trực tiếp vào khu du lịch Bãi Bấc.

Cỏ biển tại khu vực Bãi Ông hầu như bị hư hại hoàn toàn do hoạt động du lịch gây ra
Cỏ biển tại khu vực Bãi Ông hầu như bị hư hại hoàn toàn do hoạt động du lịch gây ra

Ông Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhìn nhận, tình trạng trên rất đáng lo ngại, bởi Bãi Bấc là nơi tập trung đa dạng sinh học cao nhất trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, được các nhà khoa học xem như “vùng lõi” trong “vùng lõi” ở Cù Lao Chàm. Ngoài khoảng 20ha thảm cỏ biển và san hô, là nơi sinh sống, bãi đẻ của nhiều loài hải sản có giá trị cao về sinh học và kinh tế như: trai tai tượng, tôm hùm, bàn mai, cá mú…, khu vực này cũng là nơi duy nhất còn sót lại loài cỏ hẹ ba răng (nguồn ăn chính của rùa biển) tại vùng biển Cù Lao Chàm.

Đặc biệt, kết quả khảo sát của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vào thời điểm trước đó cho thấy, việc ca nô cập vào Bãi Bấc thả neo đã gây những tác động như cày xới, gây trốc gốc nhiều thảm cỏ biển; trầm tích đã bắt đầu che lấp cỏ biển ở phía trước Bãi Bấc; rác thải bị vứt và tập trung rất nhiều trên các thảm cỏ biển và vùng nước lân cận…

Ngoài ra, một khảo sát khác của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã chỉ ra, việc các tàu du lịch đổ đón khách tại Bãi Ông đã khiến thảm cỏ biển nơi đây hầu như bị hư hại hoàn toàn. Hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm hiện chỉ còn duy nhất khu vực Bãi Bấc còn giữ tương đối tốt, nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy nếu không cẩn trọng.

Thận trọng khi mở tuyến

Trở lại với Kế hoạch số 2162/KH-UBND của UBND TP.Đà Nẵng (ban hành ngày 5/4/2019), theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, dù Đà Nẵng mới chỉ xây dựng kế hoạch, còn quá trình thực hiện kế hoạch được hay không là chuyện khác, nhưng việc ban hành kế hoạch khi chưa có ý kiến tham gia của các bên liên quan, cụ thể là tỉnh Quảng Nam là không ổn. Nhất là trong bối cảnh du lịch tại Cù Lao Chàm đã quá tải khách, chính quyền Hội An cùng Sở VH-TT&DL đang cố gắng giảm quá tải khu vực này.

Cù Lao Chàm đã quá tải khách du lịch nên việc mở tuyến tham quan mới đến đảo phải nghiên cứu kỹ.
Cù Lao Chàm đã quá tải khách du lịch nên việc mở tuyến tham quan mới đến đảo phải nghiên cứu kỹ.

“Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận và cũng là khu quốc phòng nên mọi tác động đến khu vực này đều phải tính toán hết sức kỹ càng. Việc mở tuyến cũng phải khoa học chứ không phải nói thích là mở. Chưa kể, theo quy định của Bộ GT-VT, muốn mở phải có tuyến, thông thường là thẩm quyền của trung ương chứ địa phương không thể đơn phương mở được. Mà trung ương có đồng ý thì cũng phải lấy ý kiến hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, nên kế hoạch của Đà Nẵng cũng chỉ nằm trên mức độ kế hoạch thôi” – ông Tường phân tích.

Cũng theo ông Tường, nếu muốn mở tuyến chắc chắn phải có nghiên cứu cụ thể và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của xã đảo Tân Hiệp như về số dân, lượng khách, sức chứa bao nhiêu thì đủ… “Mở tuyến thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng quan điểm của sở là phải tính toán kỹ nhằm đảm bảo việc bảo tồn phát huy và giữ cho được Cù Lao Chàm phát triển bền vững” – ông Tường nói.

Khánh Linh
Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục