Hạn mặn ở miền Tây “chưa từng có trong lịch sử”

Năm 2020 hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ được nhìn nhận là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. 5 trong số 13 tỉnh trong vùng là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và mới nhất là Long An đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó.

Chỉ dấu từ năm 2016

Thực tế, người dân miền Tây biết đến hai từ “hạn mặn” từ năm 2016, khi nước mặn lần đầu tiên tiến tới cảng Cái Cui, Cần Thơ – cách cửa biển Trần Đề, Sóc Trăng, hơn 100km. Thời điểm đó, nước mặn mới chỉ thập thò vào tới trung tâm tỉnh lỵ tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long.

Một nông dân ở Ba Tri, Bến Tre.

Hiện tại, năm 2020 tình hình hạn mặn trầm trọng hơn nhiều. Tại Cái Bè, Tiền Giang, vùng trồng trái cây nổi tiếng, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nhà vườn sững sờ vì lần đầu tiên trong đời họ, thấy việc mình bơm nước lên tưới cây và cả vườn rũ lá.

Xâm nhập mặn được ghi nhận ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay. Từ ngày 7/3 đến 15/3, xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, có nhiều nhánh sông nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền đến 100 – 110 km tính từ cửa sông như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Long An.

Ước tính, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn từ cuối năm 2019 đến nay gây thiệt hại 30.000 ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện có khoảng 95.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt và tưới cây, trong thời gian diễn ra hạn mặn. Trong đó, Sóc Trăng được cho là có số hộ dân bị ảnh hưởng cao nhất, với 24.000 hộ.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Cao Văn Trọng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết hiện độ mặn 2‰ đã gần như bao phủ địa bàn và đang diễn biến rất phức tạp. Hơn 5.000 ha lúa gần như thất trắng, hơn 20.000 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Theo VnExpress, đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại 30.000 ha lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, bằng 7,3% so tổng diện tích thiệt hại năm 2015-2016.

Các báo cho hay, Chủ tịch tỉnh của 5 trong số 13 tỉnh trong vùng là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và mới nhất là Long An đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho mỗi tỉnh này 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

5 trong số 13 tỉnh trong vùng là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và mới nhất là Long An đã ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai.

Nguyên nhân

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải thích trên báo Tuổi Trẻ rằng năm 2019 thuộc năm ít nước, lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 – 2016. Vị giới chức này nhận định đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019 – 2020.

Báo Zing dẫn lời ông Kỷ Quang Vinh, cựu chánh Văn phòng Công tác Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ: “Chế độ thủy triều của sông Mekong năm nay rất đặc biệt. Đó là cuối tháng 8, đầu tháng 9/2019, tại các trạm Kratie, Stung Treng (Campuchia), Pakse (Lào) mực nước ở mức thấp nhất lịch sử. Đến giữa tháng 9/2019, mực nước vượt lên mức cao nhất từng được ghi nhận rồi nhanh chóng xuống thấp như trước đó.”

“Nếu năm 2020 không có mưa trái mùa thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với một đợt hạn hán, xâm nhập mặn khá gay gắt, có thể tương đương hoặc nặng nề hơn năm 2016,” ông Vinh nói.

Trong khi đó, báo Kinh tế Đô thị lý giải rằng việc Đồng bằng sông Cửu Long hạn mặn nghiêm trọng là do đập thủy điện Trung Quốc “chậm xả nước”. Theo báo này, hồi trung tuần tháng 2/2020, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng các đập thủy điện Trung Quốc trên sông Mê Kông sẽ xả nước để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn nhưng nhiều ngày sau đó, việc xả nước “chưa diễn ra”.

Đồng lúa ở Sóc Trăng nứt nẻ sau 45 ngày không có nước.

Đâu là giải pháp?

Trong đợt mặn cao điểm này, nông dân, chủ nhà vườn các địa phương cần hạn chế tưới nhằm giảm thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn, theo báo Thanh Niên.

Cũng theo báo này, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giám sát chặt chẽ độ mặn tại các cửa lấy nước, vận hành đóng các cửa cống và công trình thủy lợi khi độ mặn vượt mức cho phép, đảm bảo mặn không xâm nhập sâu vào nội đồng.

Báo Tuổi Trẻ nêu một số giải pháp: Chính quyền các địa phương phải tập trung cấp nước uống, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước sử dụng; khuyến cáo người dân tranh thủ tối đa diễn biến con nước lớn, ròng để tích trữ nước cứu ruộng vườn.

Về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Trong sản xuất nông nghiệp cần dịch chuyển lịch thời vụ để “né” hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự thích nghi, chuyển đổi thành công.

Thiệu Kiệt (tổng hợp)

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/han-man-o-mien-tay-chua-tung-co-trong-lich-su/

Cùng chuyên mục