Góc chia sẻ: Đám giỗ miền quê

Không bao lâu nữa là đến ngày giỗ đầu của cha tôi, ngoại gọi điện xuống dặn mẹ: “Con coi làm một mâm đơn giản cúng cho nó không bị đói thôi!”. Bởi đám giỗ ngay mùa dịch nguy hiểm nên sẽ chỉ có hai mẹ con, nghĩ mà buồn. Tôi chợt thèm không khí đám giỗ quê ngoại biết bao nhiêu…

Đám giỗ ngoài ý nghĩa vọng bái tưởng nhớ ông bà còn là dịp để bà con quê tôi có lý do để gặp nhau, hỏi thăm nhau, kể nhau nghe chuyện nhà mình, gắn kết thêm tình chị em dòng họ. Đám giỗ miền quê thường diễn ra trong hai ngày, ngày chính và ngày phụ. Ngày chính là ngày cúng người đã khuất yên nghỉ, trước đó một ngày, chị em họ hàng sẽ tụ họp về chuẩn bị cho đám giỗ. Thường thì ngày phụ mọi người sẽ chia nhau ra đi chợ mua nguyên liệu, làm bánh ít và mần vịt, gà, nấu sẵn những món cần thời gian lâu chín như món cà ri, la-gu, hoặc vịt quay, thịt heo kho tàu,…

Ngoại tôi thường làm bánh ít mỗi khi nhà có đám giỗ, dù một năm có mấy lệ giỗ, dù giỗ lớn hay giỗ nhỏ, ngoại nói, để có bánh mà cho cô bác họ hàng đem về khi đi ăn giỗ. Bánh ít nhà ngoại luôn luôn có hai vị nhân: nhân đậu xanh và nhân xác dừa đậu phộng. Bánh được vo tròn rồi đặt trên một lớp lá chuối mỏng đựng trong hộp lá dừa nước vuông vuông rồi đem hấp cách thủy. Hồi đó tôi mê theo dì Năm ra bờ đốn lá làm hộp bánh lắm, dì rất khéo tay, trong số các chị em, dì là người khéo nhất ở khoản làm bánh mứt. Dì dạy tôi cách làm hộp bánh, chiếc hộp vuông vuông xanh màu lá trông rất dễ thương. Bánh ít hộp lá dừa trông y như bánh phu thê trong tráp sính lễ của đám cưới miền Trung mà sau này tôi được biết. Công đoạn làm bánh thường có ít nhất 3 người, bà Sáu nắn bột, bà Năm cho nhân vào rồi vo bánh, ngoại tôi lăn bánh trong dầu dừa để bánh không bị dính rồi cho vào hộp. Tôi thường xí phần đậy nắp hộp sau khi ngoại để bánh vào.

goc-chia-se
Vào Xuân. Tác giả: Lê Tuấn Anh (Ảnh dự thi cuộc thi ảnh Vẻ đẹp cuộc sống lần 1).

Thường thì người già sẽ làm bánh ít, người trẻ sẽ mần vịt, gà, gọt rau củ, đám con nít chúng tôi thì tụ tập chơi ở sân nhà trên hoặc mon men ra bờ kiếm trái cây. Nhưng khi bánh ít chín thì đám con nít sẽ được ưu tiên ăn trước, ông ngoại nói bởi vì tụi tôi là con nít, ông ngoại luôn rất hiền từ với đám cháu.

Vì đám giỗ có hai ngày nên hầu như các dì, mẹ và chị em họ chúng tôi đều ngủ đêm lại ở nhà ngoại, để sáng sớm hôm sau nấu những món còn lại như cháo hoặc đồ xào. Đêm là khoảng thời gian tôi thích nhất, vì được đi bắt đom đóm bay lạc vào sân và nghe ngoại kể chuyện ma. Năm sáu đứa đắp mền tận cổ nằm xếp lớp trên chiếc chiếu trải dưới nền gạch tàu nghe ngoại kể chuyện ma da rút ruột hay chuyện ông ngoại gặp ma. Giọng ngoại kể nghe hiền nhưng thiệt sợ, đám cháu vừa sợ vừa mê, cứ đòi ngoại kể thêm chuyện nữa. Mẹ và mấy dì tôi thường nằm kể lại chuyện ngày xưa, thời còn con gái bị ngoại đánh vì đi đêm coi hát ra sao, anh này theo về tận nhà, anh kia tới dạm hỏi thế nào,… rồi cười vang cả căn nhà. Hôm sau ngoại dậy thật sớm, ngoại luôn là người dậy sớm nhất, quét nhà quét sân, sau mới đến mẹ và mấy dì dậy chuẩn bị nấu nướng, lên mâm cúng…

Đám giỗ miền quê xôm tụ, đông vui, tiếng nói tiếng cười rộn ràng như Tết. Dù là người thân hay chòm xóm, bạn sơ giao đều thật lòng vui vẻ. Tôi thèm nghe những tiếng nói lao xao, tiếng ngoại quở trách tụi con nít ăn vụng, tiếng trẻ con chúng tôi thầm thì ở sau hè,… biết bao nhiêu!

Hoài Niệm

Theo 24hsongxanh.vn

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/goc-chia-se-dam-gio-mien-que/

Cùng chuyên mục