Gian hàng chợ Tết làng nghề

Những không gian nhỏ giữa phố trở thành nơi hội tụ của các sản phẩm truyền thống xứ Quảng, từ bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Tam Thanh, bánh đậu xanh Hội An…

“Gian hàng làng nghề” trên đường Phan Bội Châu TP.Tam Kỳ. Ảnh: L.QUÂN
“Gian hàng làng nghề” trên đường Phan Bội Châu TP.Tam Kỳ. Ảnh: L.QUÂN

Các đặc sản từ rừng xuống biển của Quảng Nam đã dễ dàng được tìm thấy tại TP. Tam Kỳ, TP. Hội An thông qua các cửa hàng thực phẩm sạch hay những gian hàng làng nghề được dựng lên đầy tâm huyết. Đây cũng chính một trong những cơ hội để các sản phẩm nằm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có điều kiện tiếp xúc với người tiêu dùng.

Ký gửi sản phẩm

Ngang qua số nhà 245 Phan Bội Châu (TP. Tam Kỳ), người đi đường sẽ dễ ấn tượng khi bắt gặp hình ảnh 2 gian hàng làm bằng tre bày bán các sản phẩm từ rừng xuống biển. Đặt tên “Gian hàng làng nghề”, chủ nhân của không gian này mong muốn tập hợp và giới thiệu các “đặc sản” từ khắp vùng xứ Quảng phục vụ người tiêu dùng ở thành phố. “Rất nhiều làng nghề có sản phẩm trưng bày tại đây. Ngoài ra mình còn huy động các hộ sản xuất kinh doanh đang tham gia chương trình OCOP mang sản phẩm đến trưng bày để mình quảng bá giúp” – chị Viễn, đồng chủ nhân Công ty TNHH Hoa Mai, đơn vị đang thực hiện “Gian hàng làng nghề” chia sẻ. Theo chị Viễn, có đến hàng trăm sản phẩm ở các dòng từ thực phẩm, đồ uống, đồ trang trí, lưu niệm được trưng bày và kinh doanh tại đây. Chưa đầy một tuần ra mắt, không gian này đã thu hút nhiều người tiêu dùng tìm đến.

Với hình thức “ký gửi hàng hóa”, các sản phẩm truyền thống được bán theo đúng giá của người sản xuất đưa ra. Không chỉ vậy, sản phẩm làng nghề tại đây còn được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ bởi do chính hộ làm nghề mang đến. “Mình chỉ muốn tạo cơ hội cho người làm nghề truyền thống bán được nhiều sản phẩm làm ra. Cũng như để khách hàng tại Tam Kỳ biết đến các đặc sản xứ Quảng nhiều hơn” – chị Viễn chia sẻ thêm. Năm nay, hội chợ xúc tiến thương mại vào cuối năm không được tổ chức, nên các hộ sản xuất kinh doanh cũng như người làng nghề không có cơ hội để quảng bá, kinh doanh mặt hàng mình làm được. Đây cũng chính là lý do để “Gian hàng làng nghề” ra đời ngay thời điểm cận Tết, mở thêm một kênh tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề.

Bánh in làng An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) cũng là lựa chọn của nhiều người cho ngày Tết.
Bánh in làng An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) cũng là lựa chọn của nhiều người cho ngày Tết.

Ớt Ariêu, tiêu Tiên Phước, chè dây Đông Giang, rượu lúa rẫy Bắc Trà My… đều có mặt tại không gian này. Không quá khó để kiếm tìm một sản phẩm bản địa của vùng cao ngay tại đây, hay những đặc sản từ vùng hạ lưu sông Thu mang vào cánh nam làm quà biếu cuối năm… Một không gian bán hàng địa phương, trong đó chủ yếu là các sản phẩm OCOP cũng chính là một trong những hoạt động của giai đoạn tiếp theo trong chương trình OCOP, khi đã xác định được thứ hạng các sao của sản phẩm…

Đặc sản đắt hàng

Không phải các sản phẩm ngoại nhập hay những loại hàng hóa đắt tiền, các đặc sản vùng miền đã ngoạn mục làm nên trào lưu của việc sắm Tết năm nay ở các gia đình. Anh Dương Hiển Tú – chủ hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch An Phú Farm cho biết, sức mua của các loại đặc sản vùng miền tăng mạnh trong mùa Tết năm nay, trong đó bao gồm cả các sản phẩm nhà làm như thịt heo muối, bò khô sợi… Ngay tại đô thị cổ Hội An, “Cửa hàng đặc sản Hội An” bày biện rất nhiều thực phẩm thủ công truyền thống và làng nghề như bánh đậu xanh, mứt quật, nước mắm Cửa Khe hay thậm chí mực khô Bình Minh (Thăng Bình), tương ớt Hội An… trở thành các loại mặt hàng khá hút khách. Ngoài ra, ở các cửa hàng kinh doanh kiểu này còn có thêm nhiều mặt hàng từ các địa phương khác như thịt trâu gác bếp miền núi, nem tré Bình Định, giò bê Nghệ An…

Đưa sản phẩm làng nghề ra phố. Ảnh: L.QUÂN
Đưa sản phẩm làng nghề ra phố. Ảnh: L.QUÂN

Tôi chọn mua các sản phẩm của cửa hàng vì không chỉ đảm bảo độ sạch, ngon, các đặc sản vùng miền còn độc đáo và lạ miệng. Khách tới nhà chơi tết, gia chủ cũng muốn dọn lên những món ngon có giá trị riêng” – từ Vĩnh Điện (Điện Bàn) xuống Hội An mua thực phẩm Tết, chị Nguyễn Thị Thùy Trâm nói. Những sản phẩm truyền thống ở các làng quê được mang đến những địa phương khác và được xem như sản phẩm độc lạ đối với người tiêu dùng. Ngoài các sản phẩm khô và tươi dùng trong ngày Tết, các mặt hàng trang trí thủ công cũng được săn lùng. Trong đó, phải kể đến những loại tượng và tranh gỗ tinh xảo từ các nghệ nhân của xứ Quảng cũng làm nên điều độc đáo cho mùa Tết năm nay.

Những ngày Tết đang cận kề. Và món ngon cho Tết chính là những thức hàng gắn bó với vùng đất, con người Việt. Bởi Tết, là Tết cổ truyền…

Lê Quân

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục