Rộn ràng hội Tết

Nơi nơi đã giăng đèn kết hoa; khắp mọi ngả đường diễn ra nhiều hoạt động chào đón Tết Kỷ Hợi…

Những phong vị truyền thống sẽ lại được tái hiện bằng nhiều cách thức, tùy theo nếp sống của người mỗi vùng. Ở Hội An, người dân chào đón đoàn rước sắc bùa đi chúc Tết quanh phố từ đêm giao thừa. Còn Tam Kỳ, người dân lại nhắn nhau đi xem pháo hoa chờ thời khắc giao mùa. Những địa phương miền núi, lại có cách để Tết của quê mình rộn ràng, vui tươi…

Tết ở Hội An.
Tết ở Hội An.

Nhiều hoạt động truyền thống

Bắt đầu từ 25 tháng Chạp, hơn 50 đình chùa, nhà thờ, miếu mạo và cả những nhà hàng phục vụ cho người nước ngoài trong phố cổ Hội An đều đồng loạt dựng nêu đón Tết. Từ xa xưa, cây nêu được xem là biểu tượng thiêng liêng tránh những xui xẻo, đem lại may mắn cho mọi người trong năm mới. Như một hoạt động truyền thống, bắt đầu từ năm 2012, dựng cây nêu ngày Tết đã trở thành hình ảnh đặc sắc trong những ngày Tết của người Hội An. Ông Nguyễn Văn Khương (Ban nghi lễ đình làng Sơn Phong, phường Cẩm Phô) cho biết, tục dựng cây nêu là để cầu an cho bổn xóm, bổn làng, bổn thổ, bổn nhưỡng tại nơi đó được bình yên. “Tre được chọn làm cây nêu là loại tre già, thẳng, lóng tre đều và không cụt ngọn. Trên ngọn để nguyên chùm lá tươi. Lá phướn, ngày xưa làm bằng giấy, bên trên viết tên các vị thần chủ quản trong năm được thiên đình phái xuống như Hành Khiển, Hành Binh, Thái Tuế… Ngày nay, lá phướn có thể được thay thế bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm chúc mừng năm mới như: tân niên kính chúc quốc thái dân an phong điều vũ thuận hoặc chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng” – ông Trần Di Năm, Trưởng ban bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đình làng Sơn Phong cho biết thêm.

Cùng với các hoạt động từ những ngày giáp Tết, điểm nhấn của hội Tết Nguyên đán tại Hội An năm nay là đoàn rước “Sắc bùa chúc Xuân” diễu hành khắp các tuyến đường trong khu phố cổ để mang may mắn đến cho mọi người. Ông Tống Quốc Hưng – Phó phòng Văn hóa TP.Hội An cho biết, hát sắc bùa đầu năm đã trở thành hoạt động khởi đầu mùa Tết cổ truyền của người dân Hội An từ nhiều năm nay. “Cư dân di sản vẫn giữ những điều cố cựu để có một cái tết đúng với tên gọi cổ truyền. Vẫn những hoạt động như mọi năm, từ phục dựng cây nêu ngày Tết, đến những điểm nhấn trong các hoạt động Xuân là các phong tục, nghệ thuật truyền thống. Dù ngày Tết Hội An sẽ đón một lượng lớn du khách đến chơi Xuân nhưng không phải vì thế mà người dân không chuẩn bị một cái Tết đậm đà bản sắc dân tộc” – ông Tống Quốc Hưng nói.

Trong khi đó, các hội thi gói bánh chưng, bánh tét, nem, mâm ngũ quả ngày Xuân… được TP.Tam Kỳ tổ chức vào ngày 28 tháng Chạp. Cũng trong những ngày giáp Tết này, các trò chơi dân gian như đập niêu đất, phóng tiêu, ném vòng bắt đầu thu hút mọi lứa tuổi.

Tươi trẻ cùng sự kiện

Cùng với các hoạt động truyền thống, nhiều chương trình nghệ thuật giải trí đặc sắc, hiện đại và sôi động sẽ mang đến không khí những ngày Tết thêm phần rộn ràng. Năm nay, chương trình biểu diễu nghệ thuật “Hội đón giao thừa Kỷ Hợi 2019” tại Vườn tượng An Hội (Hội An) sẽ càng thu hút thêm với sự tham gia của Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy và các ca sĩ đến từ Nhật Bản như Ueno Yuuka, Sone Yukie, Kawamura Yui. Theo Trung tâm VH-TT – truyền thanh truyền hình TP.Hội An, sẽ có nhiều tiết mục biểu diễn chào Xuân mới được dàn dựng công phu và màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật hấp dẫn trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

TP.Tam Kỳ cũng đã bắt đầu những cuộc hội ngộ cho mùa mới ngay từ giữa tháng Chạp. Như mọi năm, khu Quảng trường 24.3 trở thành “điểm hẹn” cho những sắc màu mùa Xuân. Phối cảnh Xuân tại quảng trường với chủ điểm là những sắc hoa tươi, cùng các hình ảnh của Tết quê như mái nhà tranh, lò bánh tét, ụ rơm vàng… Chưa hết, ngoài quảng trường, người dân Tam Kỳ lại thêm một điểm chơi xuân nữa, là hội hoa Tết, báo Xuân, gian hàng thư pháp, tái hiện không gian Tết Việt tại Trung tâm Văn hóa TP.Tam Kỳ. Cũng như tại Hội An, chương trình nghệ thuật đêm giao thừa của TP.Tam Kỳ sẽ đầy sắc màu tuổi trẻ từ việc chung kết của chương trình “Giai điệu sắc màu tuổi trẻ”, các giọng ca đặc sắc của xứ Quảng cũng như bắn pháo hoa chào đón giao thừa…

Ngược lên các địa phương vùng cao, Tết cổ truyền năm nay các ngày hội cổ truyền đậm chất vùng miền được tổ chức. Chưa kể, bắt đầu từ mùng 3 tháng Giêng, Đoàn Ca kịch Quảng Nam sẽ bắt đầu “du Xuân” đến những nơi này bằng vở diễn đặc sắc.

Một cái Tết an vui, đang đến rất gần…

Lê Quân

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục