Duyên phận với lụa

Lê Thái Vũ đã gắn cuộc đời mình với lụa. Duyên phận của lụa và Vũ cũng qua bao thăng trầm để có được chỗ neo đậu tại Khu du lịch văn hóa Làng lụa Hội An (Làng lụa HA). Trước thềm năm mới, người khai sinh ra Làng lụa này đã trò chuyện với chúng tôi về những ước mơ, khát vọng đưa dòng sông lụa xứ Quảng, lụa Việt vươn ra thế giới…

Thưa ông, từ đâu ông có ý tưởng thành lập Làng lụa HA?

Ông Lê Thái Vũ: Làng lụa HA có được như ngày hôm nay là duyên phận.

Khi còn học đại học ở TP.Hồ Chí Minh, tôi đã tham gia bán các sản phẩm lụa cho các anh chị em trong gia đình sản xuất ở Quảng Nam. Đến lúc ra trường, tôi thành lập Công ty TNHH Tơ lụa Quảng Nam đặt tại TP. Hồ Chí Minh, phân phối vải, tơ sợi và mở showroom trưng bày, bán các mặt hàng lụa. Năm 2006, tôi đầu tư vào Cụm công nghiệp & tiểu thủ công nghiệp Tân An (khu vực Làng lụa hiện nay) với chủ đích là chuyển tất cả nhà xưởng quy tụ về đây để sản xuất cung ứng cho thị trường. Tư duy của tôi là vừa sản xuất vừa làm du lịch nên quyết định chọn Hội An làm nơi khởi nghiệp; tôi trăn trở ngày đêm theo đuổi ý tưởng đó nhưng vận may không đến, vì rơi vào thời điểm ngành lụa suy thoái nên dự định xây dựng nhà xưởng quy mô và đem máy móc hiện đại về đành dang dở. Tôi chuyển qua làm du lịch bảo tồn ươm tơ, dệt lụa thông qua sử dụng các khung cửi bằng gỗ xưa tạo thành sản phẩm tại chỗ để du khách thưởng lãm.

Tôi cho thực hiện sản phẩm tại chỗ để du khách thấy biết Hội An thuộc xứ Đàng Trong chính là nơi xuất xứ của “con đường tơ lụa trên biển” vào khoảng thế kỷ 17 trở về trước. Tôi đã tổ chức nhiều kỳ Festival tơ lụa Việt Nam và thế giới, ngoài ra tôi còn tham gia Hiệp hội tơ lụa châu Á vào năm 2012 tổ chức ở Thái Lan; đến năm 2015, tôi gia nhập Hiệp hội Tơ lụa thế giới thành lập tại  Hàng Châu – Trung Quốc (trụ sở của Hiệp hội Tơ lụa thế giới, trụ sở của Hiệp hội Tơ lụa châu Âu đặt tại Lyon – Pháp). Gần đây, tôi thường ra nước ngoài như: dự Festival tơ lụa ở Pháp, Ý, Nhật, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ… để quảng bá tơ lụa Việt.

Ông Lê Thái Vũ tại Hội nghị xu hướng thời trang tơ lụa thế giới.
Ông Lê Thái Vũ tại Hội nghị xu hướng thời trang tơ lụa thế giới.

Trong quá trình dựng nghiệp, hẳn ông đã trải qua nhiều bước thăng trầm; ông có thể chia sẻ về giai đoạn gian nan nhất?

Ông Lê Thái Vũ:  Sau khi tôi mang lụa Việt hội nhập thế giới thì được biết họ cũng thăng trầm giống như nước mình diễn biến theo đồ thị hình sin, hiện tại trong giai đoạn chìm. Khó khăn nhất là năm 2003 đại dịch Sars hoành hành, hầu hết hệ thống showroom của tôi ở các thành phố lớn của Việt Nam bị đình trệ và sau đó là cúm gà tạo nên sự khủng hoảng vào đúng chu kỳ đi xuống của ngành lụa. Gia đình tôi 5 anh em xưởng dệt tan hoang, hàng tồn kho chồng chất không bán hết, tơ sợi ngổn ngang, công nợ không thu hồi được, sản phẩm sản xuất ra thì bị từ chối; gia đình chúng tôi rơi vào tình cảnh bất khả kháng vì hợp đồng đã ký với đối tác, khó khăn vô cùng (giọng ông Vũ như chùng xuống khi hồi tưởng lại thời kỳ đã qua – NV). Lúc này tôi đã đầu tư vào Làng lụa HA theo ý tưởng gồm: showroom, bảo tàng, lưu trú trải nghiệm… May thay, tôi kịp chuyển hướng qua du lịch thì Làng lụa bắt đầu vươn mình, sử dụng du lịch làm đòn bẩy để chấn hưng ngành tàm tang. Mô hình Làng lụa HA được tôi giới thiệu rất được ngưỡng mộ bởi trong bối cảnh lụa thế giới hấp hối nhưng Làng lụa HA vẫn sống và phát triển mạnh mẽ. Mô hình này đã phát huy hiệu quả và được thế giới ghi nhận.

Từ Làng lụa HA, hiện nay ông đã phát triển thêm được bao nhiêu cơ sở và tạo việc làm cho lao động ra sao?

Ông Lê Thái Vũ: Năm 2012, Làng lụa chỉ có 20 người, đến tất niên năm 2017 có được 1.000 lao động. Từ Làng lụa này, chúng tôi đã đầu tư mở rộng các dịch vụ du lịch khác không ngoài mục đích lồng ghép đưa lịch sử, văn hóa tơ lụa vào các điểm đến của chúng tôi như câu lạc bộ, nhà hàng… Hiện tại chúng tôi đã có 5 cơ sở ở Hội An, hoạt động về mảng du lịch, tour tuyến đều bám vào lụa hết. Một khu nghỉ dưỡng Silk Marina cao cấp hội đủ “nhất cận thị, nhị cận giang” nằm cạnh sông Thu Bồn, cạnh chợ đêm Hội An, tôi chuẩn bị đóng 10 thuyền rồng để phục vụ du khách, để hồi tưởng về câu chuyện chúa Nguyễn bén duyên với nàng thiếu nữ đã gửi lòng trong câu ca “…thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”.

Ông đã quảng bá, đưa lụa Việt đến những quốc gia nào?

Ông Lê Thái Vũ: Hiện tại có 17 nước tham gia vào Hiệp hội Tơ lụa thế giới. Tôi đã kết nối và quảng bá thương hiệu lụa Việt đến các quốc gia có nghề lụa truyền thống. Khi tham gia cộng đồng tơ lụa thế giới thì sản phẩm lụa Việt đã lan tỏa đến nhiều nước và đang cùng với thế giới bảo tồn, phát huy sản phẩm của mình ngày càng đáp ứng được nhu cầu của thị trường khó tính nhất. Thế giới có nhiều phân khúc thị trường khác nhau, riêng sản phẩm của mình vào thị trường Nhật Bản chỉ là sản phẩm thô, những sản phẩm tinh tế thì chưa hội nhập được ở thị trường khó tính này. Tơ của mình chỉ sản xuất được ở cấp độ 3A trở xuống trong khi thế giới đã đạt đến cấp độ 5 – 6A (cấp độ 6A là cao nhất). Tôi đã đến cơ sở dệt lụa lớn nhất châu Âu nằm ở TP. Como – Ý nhìn thấy mà thèm, biết bao giờ mình được như vậy!    
Hầu như duyên phận đã gắn chặt cuộc đời ông với lụa tơ tằm. Ông còn dự định tâm huyết nào phải thực hiện cho bằng được?

Ông Lê Thái Vũ: Khi thành lập Công ty TNHH Tơ lụa Quảng Nam ở TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi làm đề tài nghiên cứu về tơ tằm của Việt Nam thì nhận thấy các làng nghề lụa tại Quảng Nam quá tuyệt vời. Các làng nghề này gắn liền với lịch sử phát triển nghề lụa của người Chăm Pa sau Công nguyên. Đến thế kỷ thứ 17, người Việt đã hình thành và phát triển “con đường tơ lụa trên biển”. Thương cảng Hội An chính là nơi giao thương, là địa chỉ trung chuyển hàng của con đường tơ lụa đó. Do vậy, chúng tôi đặt ra hai sứ mệnh cho công ty: thứ nhất, phải đưa tơ lụa xứ Quảng trở về với giá trị vốn có của nó;  thứ hai, tạo nên một con đường tơ lụa mới từ Hội An, từ Quảng Nam.

Lụa xứ Quảng gắn liền với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của các nghệ nhân, tôi tin rằng sản phẩm lụa xứ Quảng một ngày nào đó sẽ vươn khắp địa cầu. Đó cũng là ước mơ cháy bỏng của tôi! Hiện tại, ước mơ đó phần nào đã thành hiện thực vì tôi đã kết nối được cộng đồng tơ lụa ở 14 quốc gia hội tụ về Hội An. Năm 2019, các thành phố, đại đô thị tơ lụa thế giới sẽ hội tụ về Hội An để ký kết hợp tác phát triển ngành tơ lụa. Đây là sáng kiến kết nối các đại đô thị tơ lụa trong Hiệp hội Tơ lụa thế giới. Tôi cũng tham gia sáng lập Hội nghiên cứu xu hướng thời trang tơ lụa thế giới do Tổng Giám đốc điều hành Công ty Hermes của Pháp làm Chủ tịch và được Viện Thời trang của Pháp cố vấn về kỹ thuật. Đây là cơ hội lớn để quảng bá lụa, gắn với thời trang và du lịch.

Tâm nguyện lớn nhất của đời tôi khi theo đuổi nghề truyền thống của ông cha để lại là sẽ tạo ra thương hiệu riêng cho ngành lụa xứ Quảng. Muốn thế, trước hết phải làm sao chủ động được khâu sản xuất trứng giống tằm. Hiện nay, trứng giống tằm của Việt Nam còn phải nhập từ nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Do vậy, tôi chú trọng giữ mối quan hệ mật thiết với các chuyên gia Nhật Bản – nơi đang sở hữu công nghệ sản xuất trứng giống tằm. Các giáo sư và chuyên gia đầu ngành Nhật Bản sẽ có hướng giúp đỡ phát triển ngành lụa Việt Nam, trong đó khâu quan trọng nhất là sản xuất trứng giống tại chỗ. Tháng 10.2019, sẽ có đợt chuyển giao công nghệ sản xuất trứng giống đầu tiên, và chúng tôi đang xin UBND tỉnh cùng thị xã Điện Bàn bố trí đất làm trung tâm nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất dâu tằm tơ lụa.

Ước nguyện lớn nữa của chúng tôi là thực hiện dự án “dòng sông lụa” dọc theo triền sông Thu Bồn. “Dòng sông lụa” sẽ làm trục nối giữa 2 Di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn để phục hồi ngành dâu tằm. Dự án này ngoài việc khôi phục ngành trồng dâu nuôi tằm xứ Quảng còn có mục đích khác là tạo thêm sản phẩm du lịch để kéo giãn lượng khách cho Làng lụa HA hiện đã quá tải. Dòng sông lụa là một dự án dài hơi, thực hiện hoàn chỉnh có thể kéo dài đến 10 năm.

Cảm ơn ông và xin chúc cho “dòng sông lụa” vươn xa!

Phan Quang Mười (thực hiện)

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục