Thơ Xuân trên liễn thờ

Ở nhà thờ một số họ tộc lớn vùng Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước và Tam Kỳ hiện còn lưu nhiều hoành phi liễn đối khắc chữ Nho trên gỗ rất giá trị.

Một số do các họ tộc địa phương tự thiết kế hoặc mua từ các thương nhân đồ cổ từ kinh thành Huế mang vào. Số khác do được nhượng lại từ các gia đình vùng Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên mang theo trên hành trình tản cư từ vùng Pháp tạm chiếm vào vùng tự do ở phía nam của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp 1946 – 1954. Có thể nói, vùng phía nam sông Ly Ly – Quế Sơn hiện nay là nơi còn lưu giữ nhiều nhất các hoành phi, liễn đối cổ có xuất xứ từ nhiều vùng ở tỉnh Quảng Nam xưa.

Nhà thờ phái Ba tộc Ngô ở thôn 3 xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành”. Ảnh: PHÚ BÌNH
Nhà thờ phái Ba tộc Ngô ở thôn 3 xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành”. Ảnh: PHÚ BÌNH

Các bức hoành phi, liễn đối cổ nói trên được khắc nhiều đoạn thơ, bài thơ chữ Nho có liên quan đến chủ đề mùa Xuân – mùa tượng trưng cho sự hưng vượng, phồn thịnh mà nhiều tộc họ mong mỏi có được cho con cháu. Phần lớn các thơ Xuân đó được đặt bên cạnh các họa tiết về hoa như hoa mai, hoa đào, hoa lê… hoặc các loài chim như phụng hoàng, yến, tước… Toàn bộ các nội dung văn tự và họa tiết ước lệ đó được bố trí theo phối cảnh cổ điển và đa số được cẩn xà cừ loại tốt mà đến nay, trải qua hơn mười mấy thập niên, vẫn còn lóng lánh sắc Xuân.

Thơ xuân trong nhà thờ tộc Ngô

Nhà thờ này của phái Ba tộc Ngô hiện tọa lạc tại thôn 3 (Phú Quý 2) xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành. Xưa, vùng này thuộc xã Đa Phú, tổng Đức Hòa, phủ Tam Kỳ. Trên phần rường của gian chính nhà thờ treo tấm hoành viền xà cừ rất tỉ mỉ và tinh tế. Trong phần lòng của hoành phi, ba phần tư dùng để thể hiện bức tranh hoa điểu mùa xuân gồm chim khổng tước (?) đậu lơi lả trên các cành đào (lê?). Dạng tranh này rất thường gặp trong các tác phẩm thể hiện cảnh xuân còn lưu nhiều nơi ở Huế. Một phần tư còn lại bên phải thể hiện hai câu thơ: “Vân đạm phong khinh cận ngọ thiên/ Bàng hoa tùy liễu quá tiền xuyên” (Dịch nghĩa: Trời đã gần trưa, mây mỏng, gió nhẹ. Men dưới hoa, theo hàng liễu đến trước dòng sông). Trong câu thơ này có các yếu tố của một cảnh xuân dù không có một từ xuân nào.

Bài thơ Xuân trên liễn tại các nhà thờ.
Bài thơ Xuân trên liễn tại các nhà thờ.

Đây là hai câu đầu của một bài tứ tuyệt Đường thi có tên “Xuân nhật ngẫu thành” (Ngẫu hứng giữa ngày xuân) rất nổi tiếng của Trình Hạo (1032 – 1085) – một nhà thơ thời Bắc Tống. Hai câu tiếp của các câu thơ cẩn trong tấm hoành phi của nhà thờ tộc Ngô xã Tam Mỹ Tây có nguyên văn như sau “Thời nhân bất thức dư tâm lạc/ Tương vị thâu nhàn học thiếu niên” (Dịch nghĩa: Người đời đâu biết lòng ta đang vui/ Họ bảo ta quá rảnh nên lơ đễnh, hồn nhiên như trẻ thơ). Hải Đà dịch bài thơ này rất hay: “Gió thoảng mây vờn nhẹ nắng trưa/ Đường hoa, bến nước liễu đong đưa/ Lòng vui ta hiểu nào ai biết?/ Lại bảo ta như trẻ nít đùa!”.

Cũng tại ngôi nhà cổ này, trước gian thờ có cặp liễn trong đó có cẩn xà cừ bài “Thành Đông tảo Xuân” của Dương Cự Nguyên (755 – ?), một thi nhân thời Đường. Bài thơ đó nguyên văn chữ Nho như sau: “Thi gia thanh cảnh tại tân xuân/ Lục liễu tài hoàng bán vị quân/ Nhược đãi Thượng Lâm hoa tự cẩm/ Xuất môn câu thị khán hoa nhân” (Dịch nghĩa: Cảnh thanh tao của nhà thơ là ở mùa xuân mới/ Lúc cây liễu biếc đơm hoa vàng chưa đến một nửa/ Nếu đợi khi hoa nở như gấm khắp vườn Thượng Lâm/ Thì nhà thơ cũng chẳng khác gì kẻ thưởng thức hoa bình thường). Bài thơ này được truyền tụng và trở thành điển hình cho thơ Xuân ở nhiều thời bởi nội dung cho là cảm thụ của nhà thơ phải đi trước mọi người, biết được sắc Xuân khi nó vừa chớm đến, qua đó nói lên sự tinh tế của xúc cảm. Xưa, nhiều người chọn treo câu liễn này cũng là do ý đó. Bài “Xuân sớm thành Đông” giới thiệu trên đây rất khó chuyển thành thơ. Trong hàng mấy chục bài dịch thành thơ trước nay chưa thấy bài nào diễn tả trọn vẹn cái ý “Xuân sớm của nhà thơ” như Dương Cự Nguyên dày công thể hiện.

Bài thơ Xuân ở nhà thờ tộc Nguyễn

Đó là thơ trên cặp liễn treo trước bàn thờ nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở khối phố Đông Yên, phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ. Cặp gỗ cẩn xà cừ thể hiện các họa tiết đôi chim tước mỏ dài đậu trên cành liễu với khoảng không phía trên có bướm lượn dập dìu, lại có thêm dáng hình cây thủy trúc bên cạnh chậu thủy tiên. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt đó có nguyên văn: “Nam chi tài phóng lưỡng tam hoa/ Tuyết lý ngâm hương lộng phấn ta/ Đạm đạm trước yên nùng trước nguyệt/ Thâm thâm lung thủy thiển lung sa” (Có người dịch nghĩa như sau: Vài ba đóa hoa mai vừa mới nở trên cành nam/ Trong tuyết nhả hương giỡn chút phấn chơi/ Làn lạt lồng khói sương đẫm bóng dưới trăng/ Trăng lên bóng chuyển, lúc in bóng dưới dòng sâu, lúc bên bờ cát). Rất dễ để biết đó là bài “Tảo xuân” của nhà thơ thời Nam Tống có tên Bạch Ngọc Thiềm (1194 – 1229). Phí Minh Tâm dịch thơ như sau: “Cành Nam chớm nở vài ba đóa/ Giữa tuyết hương thầm cợt phấn hoa/ Làn lạt hơi sương trăng ánh sậm/ Rậm râm đáy nước cát chan hòa”.

Cũng trong ngôi nhà đó còn gặp một bài thơ trên liễn có tên “Sơn hành” của Đỗ Mục (803 – 852) – nhà thơ sống cuối thời Đường. Bài này tuy không nói về cảnh Xuân nhưng lại dùng sắc tháng “trọng Xuân” (tháng Hai âm lịch) để so sánh. Xin giới thiệu thêm để tăng phần nhã hứng trước thềm Xuân: “Viễn thướng Hàn sơn thạch kính tà/ Bạch vân sinh xứ hữu nhân gia/ Đình xa tọa ái phong lâm vãn/ Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa” (Dịch nghĩa: Lên núi xa, đường đá chênh vênh/ Giữa chỗ bồng bềnh mây trắng lại có nhà người ở/ Dừng xe đắm đuối ngắm cảnh rừng phong buổi chiều tà/ Lá gặp sương thu, màu đỏ hơn cả hoa tháng Hai). Bài thơ trên được Nam Trân – một thi sĩ nổi tiếng thời tiền chiến dịch như sau: “Lên đỉnh non thu chếch nẻo ngoài/ Giữa vùng mây trắng thoáng nhà ai/ Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm/ Lá đỏ hơn hoa giữa tháng Hai”.

Ở Quảng Nam và ở cả nước ta xưa, nhiều danh sĩ từng làm nhiều thơ Xuân. Nhưng họ khiêm tốn không cho khắc treo mà chỉ khuyên chọn những thành tựu thơ Xuân có từ hàng mấy trăm đến nghìn năm trước để ghi trong hoành phi liễn đối.

Phú Bình

Theo báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục