Lợn, heo hý sự

Miền Trung và miền Nam gọi là heo, ngoài Bắc kêu là lợn. Phân biệt cách nào? Đây: con heo ăn bắp, con lợn ăn ngô…

Từ khóa hot nhất về loài gia súc thân thuộc này, trường tồn theo năm tháng, có lẽ là… “phim con heo”!
Danh từ “phim” trong tiếng Việt chắc chắn vay mượn từ tiếng Anh và Pháp, là “film” rồi; còn “con heo” thì từ đâu ra?

Câu cửa miệng tiếng Pháp “C’est un cochon!” chuyển ngữ tiếng Việt thành lời mắng: “Đồ con lợn!”, “Đồ heo!” (“cochon” = lợn/heo). Nghe ra con heo tệ quá! Vậy thì “phim con heo” hẳn là thứ phim bẩn thỉu hay tục tĩu gì đó rồi?

Thế nên người ta lập luận “phim con heo” là phim bẩn, về dâm ô, tình dục. Trước kia, ba thứ phim này bị cấm tiệt, dân tình muốn coi phải thuê lén, xem lút. Bây giờ thì khác xưa nhưng con heo vẫn mang tiếng xấu dù được ung dung… cho đi vào điện ảnh!

Mà oan cho heo. Nó có phải là loài mạnh về ba cái khoản cái – đực ấy như bọn nhà dê đâu.

Xem phim Tây, đọc sách Tây, hỏi người Tây, thấy họ hầu như không ám chỉ “phim con heo” là phim sex. Xứ Nhật Bản, về công nghệ điện ảnh tình dục, cũng có tên chuyên môn riêng, là “JAV” (Japanese Adult Video: Phim “người lớn” Nhật Bản), chẳng dính gì tới heo cả.

Khả năng rất cao là cái tên “phim con heo” khởi phát từ quá trình giao thoa lịch sử – văn hóa giữa Trung Hoa và Việt Nam. Này nhé, người Tây Âu mà Pháp là chủ yếu sau năm 1858 mới chính thức sang Việt Nam; trong khi đó, bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” chép sử từ thời Hồng Bàng đến đời vua Gia Tôn nhà Lê năm Ất Mão 1675 đã từng đề cập “trư vương”, tức “vua heo” – do phó sứ Phạm Hy Tăng của nhà Minh (Trung Quốc) đặt cho vua Lê Tương Dực triều Lê sơ nước Đại Việt – với hàm ý háo dâm ô, thích nhục dục.

Sử chép như sau:

“Quý Dậu năm thứ 5 (1513)… Tháng giêng, ngày 26, nước Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thủy, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phạm Hy Tăng sang phong cho vua làm An Nam quốc vương và ban cho một bộ áo quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu.” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Thời Đại, 2011, tr.785).

Quả như tiên đoán của sứ thần Trung Hoa, chỉ 3 năm sau, vị hoàng đế thứ chín của triều Hậu Lê vốn quanh năm suốt tháng say mê xây cung điện và hoan lạc với cung nhân đã bị cận thần Trịnh Duy Sản giết chết, trị vì chỉ 7 năm.

Chẳng biết trước đó có bộ cổ thư nào đề cập loài heo liên quan chuyện dâm dục hay không nhưng từ hai cái tên “trư vương” và “phim con heo”, có thể đi đến một cách hiểu chung là: Do loài heo trùng trục, (hầu hết) lại trắng hồng, bản tính tự nhiên, nên trông giống cảnh tả thực con người trần truồng khi làm tình vậy. Sự liên tưởng gần là quá trình tư duy, mà tư duy thì cần có phương tiện để biểu đạt, nên sinh ra ngôn ngữ là vì thế.

Heo là con vật hết sức gần gũi và hữu ích đối với đời sống con người bao đời nay. Thế nhưng, rất khó tìm lấy một lời khen trong dân gian dành cho nó, ngược lại toàn là những câu xỉ vả. “Ngu như heo!” – heo có ngu đâu, do hiền quá nên trông ngố vậy thôi. “Ăn như heo!” – heo háo đói thật nhưng “ăn no lại nằm”, rất dễ thương. “Bẩn như lợn!” – phải vậy thôi, nó phải dầm mình trong rơm rạ, chuồng trại ẩm ướt để làm mát bởi loài này không có tuyến mồ hôi. Có nơi người ta đôn heo lên thành “ông”: “Ông ỉn”, nhưng tới kỳ lễ hội lại lôi “ông” ra chém. Cũng may, vài năm gần đây, dân tình phản đối vì thấy bạo lực quá nên những hình ảnh “Ông ỉn” bị “chém treo ngành” hầu như không còn nhìn thấy.

Nhưng người Việt vốn duy tình, trọng tình. Miệng nói thế thôi chứ bụng vẫn thương heo hết mực và dành cho heo một chỗ đứng trọng thị, nhất là trong đời sống văn hóa. Từ món ăn thường nhật đã đi vào bài ca dân gian “con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…”, thịt heo còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ, lễ – tết, ngày xuân: “Anh em hàng xóm xin mời cả/ Xôi bánh trâu heo cũng gọi là” (Nguyễn Khuyến, bài: Lên lão) hay: “Vỉ buồm gạo nếp “tay giềng” họ/ Thịt lợn đầy mâm thái miếng to” (Đoàn Văn Cừ, bài: Năm mới)… Rồi heo đường bệ đi vào tranh Đông Hồ trứ danh, sống động trong thơ Hoàng Cầm: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Bên kia sông Đuống). Có ai khen (gà) lợn tươi trong và sáng bừng như thi sĩ Hoàng Cầm không?

Dẫu “con trâu là đầu cơ nghiệp” nhưng đó là của đời sống – lao động thuần nông. Còn con heo thì thời nào cũng quan trọng, kể cả thời… 4.0 này! Thử đọc cổ thi khuyết danh “Lục súc tranh công”, nghe heo kể công trạng của mình, ngẫm thử xem có đúng không:

… Kìa những việc hôn nhân giá thú.

Không heo ra, tính đặng việc chi,

Dầu cho mời năm bảy chuyến đi,

Cũng không thấy một người thấp thoáng.

Việc hòa giải, heo đầu công trạng,

Thấy mặt heo nguôi dạ oán thù.

Nhẫn đến khi ngu phụ, ngu phu,

Giận nhau đánh dập đầu, chảy máu.

Làng xã tới lao đao, láu đáu,

Nào thấy ai gỡ rối cho xong,

Khiêng heo ra để lại giữa dòng,

Mọi việc rối liền xong trơn trải.

Phải chăng, chăng phải,

Nghĩ lại mà coi,

Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi

Thảy thảy cũng lấy heo làm trước…

Quả vậy, việc quan, hôn, tang, tế mà không có con heo là không xong. Nam – Trung – Bắc ba miền xưa nay đều cúng đầu heo (thủ lợn). Đầu heo được xem là món ngon nhất trong mâm cỗ đình, tạo nên thuyết “ăn theo kiểu Chánh tổng” là “nhất thủ, nhì vĩ” – đầu ăn trước vì ngon nhất, rồi đến đuôi… Nhà bạn cũng vậy, tết này mà thiếu món thịt heo là rối lên ngay. Có nó, “mọi việc rối liền xong trơn trải”!

Thêm minh chứng quan trọng nữa để khẳng định con heo có vai trò quan trọng trong nhân gian, đặc biệt đời sống Á Đông, đó là xét về mặt từ nguyên. Cụ thể: con heo (lợn) tiếng Hán Việt là “thỉ”, mặt chữ viết: 豕. Bộ 豕 là một thành tố, cùng với bộ miên (viết: 宀) hình thành chữ “gia” (家), tức là “nhà”. Sách “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận đời Đông Hán bên Tàu giải nghĩa ấy chứ chẳng nói chơi! Một gia đình/một hộ gồm mái nhà/mái ấm và con heo/đàn heo, vậy chứng tỏ heo quá quan trọng. Theo truyền thống, các nước Á Đông hay nuôi heo trong nhà hoặc làm chuồng heo cạnh nhà, cách lý giải này khá dễ hiểu.

Chưa hết đâu, còn một bằng chứng kỳ vĩ nữa xác quyết heo không phải là con vật tầm thường hay bình thường, mà là phi thường. Muốn biết, hãy lên Khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên) mà xem các tượng linh vật được điêu khắc trên các hạng mục kiến trúc tại đây, sẽ bắt gặp heo rừng Varaha.

Heo rừng Varaha là “ai”? Trong tam thần nhất thể của Hindu giáo (Ấn Độ) gồm Vishnu (Bảo tồn), Shiva (Hủy diệt) và Brahma (Sáng tạo) thì thần chính là thần Vishnu. Thần Vishnu hóa thân đến 10 lần và heo rừng Varaha là hóa thân thứ 3 của vị thần từ bi này. Thần thoại Ấn Độ kể rằng Vishnu hiện thân với hình dáng thân người, đầu heo, hình dáng của heo rừng, một loài heo đực, có 4 tay. Khi ấy, một con quỷ có tên là Hirayaksha nhấn thế giới chìm sâu vào đại dương. Thần Vishnu đến trong hình dạng của heo rừng Varaha và giải cứu nhân loại.

Đọc tới đây thì đố ai còn dám coi khinh con heo nữa!

Dương Quang

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục