Du khách vẫn “hững hờ” với ma nhai ở Ngũ Hành Sơn

Là thắng cảnh nổi tiếng nhất nhì xứ Đà, thời gian qua Ngũ Hành Sơn còn được nhắc đến nhiều hơn về những ma nhai được phát hiện. 

Hệ thống các ma nhai trong động Tàng, vị trí sau chùa Linh Ứng nằm trong Thủy Sơn.

Cũng cần phải nói ngay để bạn đọc khỏi thắc mắc, ma nhai là văn tự khắc lên vách núi đá (ma là mài, nhai là vách núi), xuất hiện từ thời cổ đại. Người xưa thường mài nhẵn một vách đá để ghi một bản văn bia hay đề bài thơ, ghi tên kỷ niệm, không chỉ bằng văn tự mà cả hình họa.

Ma nhai trên vách núi ở lối vào động Huyền Không

 Ma nhai, từ bí ẩn tới choáng váng

Thời gian qua, ma nhai được nhắc nhở nhiều hơn khi nó được nghiên cứu, phát hiện ở danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ở Việt Nam, ma nhai được phát hiện chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ Quảng Trị trở vào miền Nam, đến nay chỉ mới phát hiện hệ thống ma nhai ở hang động Ngũ Hành Sơn, không phải là nơi có ma nhai cổ nhất nhưng chiếm số lượng lớn nhất cả nước, mà cụ thể, là ở Thủy Sơn – hòn núi to lớn nhất đẹp nhất của danh thắng này.

Vết tích ma nhai còn lưu khá rõ nét ở động Hoa Nghiêm.

Nhiều hang động trong hòn Thủy như động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Tàng Chơn… có những vách đá được mài nhẵn hình chữ nhật đứng, khắc thành bia hoặc như một trang sách với những chữ tượng hình thời phong kiến. Đến nay, hầu như không ai giải thích được tường tận về những bia, chữ khắc trực tiếp trên đá trông rất bí ẩn kia.

Những ma nhai chỉ còn là vết tích ở vách núi trong động Huyền Không.

Nội dung không biết, chữ không đọc được, thông tin không có nên những tấm bia, những dòng chữ trên vách đó mãi là một bí ẩn dài lâu cho tới khi công trình nghiên cứu được Trung tâm Liễu Quán công bố với giới truyền thông hồi tháng 3 năm nay. Rằng hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn có đến 90 văn bản, nằm trên khắp các vách đá của cả 5 hang động, trong đó nhiều nhất ở động Huyền Không (60 bản), cũng là động to, cao nhất của nơi này. Kết quả này gây choáng váng giới chuyên môn vì những giá trị mang lại từ ma nhai nơi này.

Khó khăn lắm mới nhận ra vách núi này từng có một ma nhai, và chữ gì trên đó thì du khách chịu!

Tuy nhiên, có thể kiểm định bằng mắt thường, khi đa số không còn nguyên vẹn do bị phong hóa theo thời gian. Sau khi được nghiên cứu, phục dựng, vẫn có thể thấy rất rõ rằng rất nhiều ma nhai từng bị đục xóa nội dung, hoặc bị bồi lấp bằng sơn và xi-măng, một số bị bồi lấp bằng hỗn hợp sơn ta trộn xi-măng. Được biết, nhóm nghiên cứu đã rất công phu, mất nhiều thời gian để xử lý lớp phủ này để giữ nguyên từng nét chữ của người xưa. Nhờ vậy mà đã phát lộ hệ thống 90 bản ma nhai, trong đó có 60 bản đã được phục hồi nguyên văn, phiên dịch và làm rõ giá trị của cả nội dung lẫn hình thức. Ma nhai, kho tư liệu cổ giá trị được phát lộ ở Ngũ Hành Sơn đã góp phần tăng thêm giá trị cho di tích quốc gia đặc biệt này.

Du khách hững hờ vì “có biết chi mô”

Dấu hiệu nhận biết một ma nhai từng có ở đây là những vạch bo chung quanh hình chữ nhật này.

Giới chuyên môn sau những hào hứng, đã có những đề nghị về việc bảo tồn những di tích khảo cổ thú vị. Nhưng còn việc giới thiệu, quảng bá, nâng cao hiểu biết, nhận thức cho du khách với những giá trị cổ này thì chưa thấy.

Ô chữ nhật theo thời gian đã nhẵn bóng cả bề mặt lẫn vết khắc của chữ vào đá, ở động Huyền Không.

Cũng gần nửa năm sau khi công bố này được báo chí hào hứng đưa tin, tôi trở lại tham quan Ngũ Hành Sơn. Bản thân người viết cũng có ý la cà giữa nhiều đám đông du khách đang nghe thuyết minh nhưng không thấy nhắc đến thông tin này. Ngồi quan sát hàng giờ giữa các động, nhất là các động Tàng Chơn, Huyền Không, nơi tập trung ma nhai nhiều nhất, thì quả là rất ít ánh mắt dừng lại ở ma nhai. Người ta vẫn bận tâm đến các bức tượng, thạch nhũ, hang động… hơn là những vách núi được cà phẳng có những dòng chữ khi mờ khi tỏ hay mất hẳn kia.

Du khách nước ngoài đang ngồi phía trước các bức ma nhai ở động Huyền Không. Và dĩ nhiên, họ không biết gì về chúng.

Hỏi chuyện một hướng dẫn viên của một công ty du lịch TP.HCM  hay đưa khách đến đây, anh này cho biết có nghe thông tin về ma nhai, nhưng khách của mình thường là khách du lịch đại trà, mà ma nhai thì không phải ai cũng có ý tìm hiểu sâu về chuyên môn nên mình giới thiệu cũng không chú ý gì mấy. Nếu có ai hỏi thì mình cũng chỉ nói lướt qua. Có lẽ mọi người chưa hiểu hết tầm giá trị của nó. Người ta chỉ xem đơn giản như những vách đá, vách núi được tạc ghi những dòng chữ gì đấy thôi.

Hang Ráy, phía sau động Tàng Chơn, với những ma nhai in đậm trên vách và sự quan tâm của du khách dành cho pho tượng Phật trước mặt.

“Cũng phải thừa nhận rằng, những phát hiện về ma nhai như thế này rất giá trị, nhưng không phải ai cũng am hiểu quan tâm, nhất là với khách du lịch đại trà. Tôi nghĩ chúng ta nên có những bảng thông tin dựng ngay nơi này, hay ngay cả trong vé, tờ rơi quảng cáo về nơi này nên đề cập đến, cung cấp những thông tin cơ bản về ma nhai để nâng cao cảm nhận của du khách .Có thể người dân sẽ không hiểu hết ý nghĩa của ma nhai, nhưng có thể cảm được tầm giá trị quý báu của ma nhai ở Ngũ Hành Sơn”.  Ông Van Bill, phụ trách kinh doanh một công ty du lịch ở TP.HCM chia sẻ khi tham quan nơi này.

Có lẽ, đề nghị này nằm trong tầm tay của ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn?

Bài & ảnh: Sơn Trà

Cùng chuyên mục