Độc đáo cá tính Quảng

‘Người Quảng có lẽ học được phần nào quan niệm sống vui và vui sống của người Chăm, nên dù gian khổ vẫn mỉm cười. Nói lái, nói trạng, kể chuyện tiếu lâm ở xứ Quảng rất đặc sắc’.

Một cuốn sách độc đáo từ bìa đến tiêu đề: (nhiều tác giả, thuộc Tủ sách Nét Quảng) vừa được những người xứ Quảng cho ra mắt. Phương ngữ “Quảng Nam hay cãi” đã nổi tiếng khắp nước khi nói về miền đất này, nhưng còn mở ra những căn tính khác nữa của người xứ Quảng. Ngoài cãi còn có “ngông, hề, chơi, làm”.

Cá tính Quảng trong ngày ra mắt, chiều 5/1
Cá tính Quảng trong ngày ra mắt, chiều 5/1

Thật thú vị khi mỗi từ đại diện cho những nét tính cách đặc trưng của người xứ Quảng lại được nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn chiết tự chữ Nôm. Những phân tích lại khiến người đọc ngưỡng mộ hơn nữa bởi những đức tính biểu trưng này đã góp phần tạo nên những người tài của đất Quảng – ở khắp các lĩnh vực nghệ thuật.

Sách mở đầu bằng câu chuyện về họa sĩ Lê Kinh Tài (sinh năm 1967, Đà Nẵng). Ông cũng là một trong những họa sĩ… gây tranh cãi nhất Việt Nam về trường phái nghệ thuật. Tiêu đề dành cho ông cũng đậm tính Quảng: Vẽ như cãi lộn với chính mình.

Không thể thiếu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong quyển sách
Không thể thiếu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong quyển sách

Có mặt trong buổi ra mắt sách, họa sĩ Lê Kinh Tài còn tiết lộ thói quen sinh hoạt không giống ai của ông: làm việc xuyên đêm và ngủ suốt ngày. Sự “không giống ai” với những “cái ngông” rất riêng còn được thể hiện ở rất nhiều người nổi tiếng khác của Quảng Nam – Đà Nẵng, như nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm…

Điều khiến cuốn sách thật sự có sức hút chính là quy tụ được quá nhiều người tài của xứ Quảng, đủ khiến người đọc cảm phục, yêu mến một vùng đất. Trong quá khứ từng có những tiền nhân tài danh: Ông Ích Khiêm, Phan Khôi, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Đương thời có những ngôi sao khó ai có thể “soán ngôi”: danh hài Hoài Linh, nhà văn của tuổi thơ Nguyễn Nhật Ánh; những tên tuổi được yêu thích đặc biệt: Lê Cát Trọng Lý, ca sĩ Ánh Tuyết, ĐD Trần Anh Hùng, nhạc sĩ Phan Vũ…

Mỹ Tâm được khắc họa bằng những tính từ: "Nóng tính, khó tính, khó gần, bảo thủ...".
Mỹ Tâm được khắc họa bằng những tính từ: “Nóng tính, khó tính, khó gần, bảo thủ…”.

Hầu hết các bài viết trong sách cũng đều do người Quảng viết (nhà báo Lý Đợi, Lê Minh Hạ, Trần Trung Sáng, Nguyễn Tấn Cứ, Tuệ Lãng…). Sự am hiểu nhân vật và cả thấu hiểu quê hương khiến cho những ngòi bút đều khắc họa được những bức chân dung rất thật, gần gũi và cũng có thể rất khác so với hình dung của công chúng lâu nay.

Không gian Quảng còn mở ra với những nhân vật giản dị, đời thường nhưng gìn giữ được những giá trị truyền thống, kết nối thế hệ và tỏa sáng bằng sự tử tế và tình yêu thương. Như người giữ lửa cho làng gốm qua hai thế kỷ – nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Được của làng gốm Thanh Hà; cụ Đường được xác lập kỷ lục Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất tại Việt Nam hay anh Nhi khùng trở thành “VIP của làng” chỉ vì nổi tiếng với việc đi bắt gỗ lậu và dự… đám tang.

Những cuộc đời âm thầm giản dị, ấy vậy mà chính họ lại là một phần hồn của đất. Xúc động không phải ở những gì họ đã làm được cho quê hương, mà còn là những giá trị được gìn giữ qua những thăng trầm của đời sống. Tất cả cùng tạo nên một “không gian Quảng” vừa “cãi ngông” vừa hài hước nhưng cũng thật thâm trầm, tình cảm và quảng đại.

Bìa 4 với tự sự về "cãi"
Bìa 4 với tự sự về “cãi”

Ban biên soạn nói vui, khi thực hiện quyển sách này họ đã có những cuộc… cãi nhau tưởng chừng không hồi kết. Việc chọn nhân vật nào đưa vào sách hoặc người chưa có mặt trong tác phẩm này đều có thể gây ra những hiểu lầm, trách móc. Vẫn còn nhiều nhân vật tài danh chưa có mặt trong quyển sách này.

Tuy nhiên, theo những người thực hiện, Cá tính Quảng chỉ là tập đầu tiên trong dự án tinh thần “Chúng ta đi mang theo quê hương” của những người con xứ Quảng. Nhà báo Lý Đợi – thành viên ban biên soạn – nói rằng sẽ còn có tiếp Cá tính Quảng (tập 2).

Lục Diệp

Theo phunuonline

Cùng chuyên mục