Người con của biển Tam Ấp

Sinh ra từ biển, lớn lên nhờ biển và cả đời gắn bó với biển. Trong quãng đường đó có những kỷ niệm đẹp về tuổi thơ cũng như cả chuỗi ngày dài sống, lao động, học tập và chiến đấu của ông Lâm Cảnh ở làng chài Tam Ấp, nay là thôn Hạ Thanh 1, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ.

Ông Lâm Cảnh kể về những năm tháng sống, chiến đấu và học tập đầy gian lao mà anh dũng. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Ông Lâm Cảnh kể về những năm tháng sống, chiến đấu và học tập đầy gian lao mà anh dũng. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Ngoài tên thường gọi Lâm Cảnh, ông còn có tên Lâm Quảng Cảnh, Lâm Mân, sinh năm 1931 trong một gia đình ngư dân nghèo. Ra đời chưa được 7 ngày thì mẹ ông bị bạo bệnh và đột ngột qua đời, người cô ruột đem về nuôi, đến năm lên 5 tuổi thì về ở với ông nội và được cho đi học. Là người có năng khiếu và học giỏi song do điều kiện kinh tế khó khăn ông đành phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi ông vượt sông Trường Giang đầu quân vào Trung đoàn 108, thuộc Liên khu 5, đóng quân tại xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước). Sau đó không lâu đơn vị chuyển quân về đóng tại xã An Điền (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Năm 1950 ông được tuyển vào học theo chương trình bồi dưỡng cán bộ Tổng phản công. Qua hơn 6 tháng học tập và rèn luyện, về lại đơn vị ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1952 ông về quê và được tổ chức phân công xây dựng cơ sở, bám địa bàn để hoạt động bí mật. Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 248 trực thuộc Ban vận tải Phòng cung cấp Bộ Tư lệnh Liên khu 5 về tuyển quân. Mặc dù gia cảnh rất khó khăn và đơn chiếc nhưng ông không ngần ngại quyết định đầu quân vào đơn vị này. Được phân công làm hướng dẫn viên cho một chiếc thuyền bầu chuyên chở vũ khí, đạn dược, thuốc men, tài liệu, lương thực, thực phẩm và cán bộ từ Trung ương, Quân khu 5 vào chiến trường Nam Bộ.

Ông Lâm Cảnh cho biết. Lúc bấy giờ Tiểu đoàn 248 có hàng chục chiếc thuyền bầu và thuyền chèo dùng để đưa đón cán bộ, chiến sĩ và vận chuyển hàng hóa thuốc men, đạn dược… phục vụ chiến trường miền Nam. Trong đó, thuyền bầu hoạt động chủ yếu dựa vào mùa gió bấc, chờ khi gió cấp 6 – 7, tàu tuần tiễu địch khó đi lại thì ta mới xuất quân. Bình quân mỗi thuyền chở 30 – 40 tấn hàng, có thuyền chở đến 50 tấn, ra cửa ban đêm chạy 3 buồm. Tùy theo thuyền lớn, nhỏ mà số người phục vụ nhiều hay ít nhưng bình quân có 9 – 12 người. Đội quân này được gọi là “cảm tử” vì đi vào ban đêm, lại trong những ngày sóng to, gió lớn, có thuyền bị sóng làm bục ván giữa biển khơi mù mịt, số phận của thủy quân đều do thần biển định đoạt. Thuyền chèo thì hoạt động theo chiến thuật du kích, chủ yếu vào mùa gió nam (tháng 2 – 3 và tháng 8 – 9 trong năm), mỗi thuyền gồm 5 người với 5 mái chèo chở 1 – 3 tấn hàng. Mỗi đoàn 3 chiếc đi gần bãi sát ghềnh theo kiểu sâu đo, đêm đi ngày lên núi nghỉ, giấu thuyền vào chỗ ghềnh đá hoặc nhận chìm. Hàng hóa phải đào cát chôn hoặc đưa vào hang núi ngụy trang nhằm che mắt địch. Cái tài và lòng gan dạ của đoàn quân này là địch giăng đồn bốt dọc ven bờ có đèn pha chiếu sáng chung quanh, tàu tuần tiễu ngày đêm hoạt động vây bắt, máy bay thì cả ngày tìm kiếm, truy lùng thế mà họ luồn lách, lúc ra khơi, lúc vào lộng. Nhiều lần bị địch vây ráp, có thuyền phải đắm nhưng trăm người như một, thà hy sinh hay tù đày chứ nhất quyết không để hàng hóa lọt vào tay địch. Tiểu đoàn 248 vận tải biển có hơn 800 quân, trong đó Quảng Nam có hơn 100 người. Gần nửa cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đã hy sinh, riêng Quảng Nam có 32 người. Trong đó có không ít tấm gương trung liệt như Lê Lựa, cũng ở thôn Hạ Thanh 1 đã cắn lưỡi tự vẫn khi bị địch bắt; Nguyễn Xanh, Nguyễn Bính, Trương Hưng cùng quê Tam Thanh, Nguyễn Tư (Tam Hòa, Núi Thành), Nguyễn Văn Hiệu (Thăng Bình)… dũng cảm kiên cường vượt qua vòng vây địch, bơi từ Bãi Dầm đến Bãi Giếng (Khánh Hòa) và đã thả tay giữa dòng nước cho sóng cuốn trôi khi không còn đủ sức. Có nhiều người bị địch bắt giam đã tổ chức cướp bốt giặc lấy vũ khí rồi tìm đường trở về đơn vị để tiếp tục đi chuyến khác. Tiểu đoàn 248 đã tiếp sức mạnh cho các chiến dịch, các chiến trường mở rộng thế tiến công, thắng lợi ngày một to lớn hơn, vang dội hơn khiến địch hoang mang khiếp sợ.

Trong suốt quá trình tham gia vận chuyển hàng hóa, thuốc men, đạn dược, vũ khí tại Tiểu đoàn vận tải biển 248 ông Lâm Cảnh bị địch bắt 2 lần, lần nào cũng bị đánh đập dã man. Một lần, sau khi giấu xong hàng tại Vũng Rô (Phú Yên) thì ông Lâm Cảnh bị địch bắt về nhốt tại nhà giam Nha Trang (Khánh Hòa). Qua 11 tháng cầm tù, bị địch dùng mọi thủ đoạn đánh đập tra tấn dã man cũng như dụ dỗ nhưng ông Cảnh vẫn một mực trung thành với Đảng, với nhân dân. Khi được địch thả ra, thay vì tìm đường về nhà, ông Lâm Cảnh lại đi ngược vào Bình Thuận để tìm đồng đội. Tuy nhiên đến nơi không liên lạc được với đơn vị, “tiến thoái lưỡng nan”, ông quyết định đi bộ từ Phan Thiết về Quảng Nam. Gần 3 tháng trời đi bộ, vượt qua biết bao gian nan, thử thách, qua nhiều chặng kiểm soát gắt gao nhưng ông không để lộ tông tích của một chiến sĩ vận tải biển vừa ra khỏi nhà tù. Nhiều trận sốt rét hoành hành, những cơn ho dai dẳng hành hạ nhưng nhờ  sự  giúp đỡ của nhân dân trên đường đi qua, ông đã về đến nhà an toàn.

Chỉ một thời gian ngắn sau, ông bắt được liên lạc và tiếp tục công tác vận tải biển. Năm 1954 được lệnh tập kết ra miền Bắc nhưng do đang bị sốt rét nặng nên không đi, ở lại quê nhà hoạt động bí mật. Năm 1959 ông bị địch bắt nhốt tại nhà lao tỉnh Quảng Tín. Năm 1960 ra tù tiếp tục hoạt động, được các lãnh đạo Thị ủy Tam Kỳ và Đội công tác vùng Đông giao nhiệm vụ vận động lập quỹ nuôi quân, đào hầm bí mật, làm dân công hỏa tuyến, đấu tranh binh địch vận góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Chuẩn bị bước sang tuổi 90, đi lại khó khăn, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng giọng của ông Lâm Cảnh vẫn hào sảng khi kể về những năm tháng sống, chiến đấu và học tập đầy gian lao nhưng anh dũng. Ông rất vui và tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng công nhận Có công với nước, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đường Hồ Chí Minh trên biển, Chiến sĩ bị địch bắt tù đày…

Nguyễn Điện Ngọc

Theo báo Quảng Nam

 

Cùng chuyên mục