Định hình giải pháp trùng tu đền tháp Chăm

Bảo tồn, trùng tu di tích Chăm ở Việt Nam hiện được đánh giá là đang trong giai đoạn xác lập các nguyên tắc, định hình các giải pháp kỹ thuật, vật liệu tu bổ và giải pháp can thiệp. Trong đó, những kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn là nơi ghi nhận rõ rệt nhất các dấu ấn kỹ thuật của quá trình phát triển và định hình phương pháp trùng tu thể hiện qua hai dự án bảo tồn nhóm tháp G và E7.

Việc xác lập phương pháp trùng tu sẽ giúp Mỹ Sơn được bảo tồn nguyên vẹn và bền vững.Ảnh: V.L
Việc xác lập phương pháp trùng tu sẽ giúp Mỹ Sơn được bảo tồn nguyên vẹn và bền vững.Ảnh: V.L

XÁC LẬP QUY TRÌNH

Tái định vị, gia cố kỹ thuật tạm thời và lâu dài; phục hồi từng phần nhằm định hình di tích có nguy cơ biến dạng nhưng vẫn tạo sự khác biệt dễ nhận biết so với phần gốc là những quan điểm xuyên suốt trong quá trình trùng tu nhóm tháp G và E7 Mỹ Sơn.

Hành trình bảo tồn

Lịch sử nghiên cứu, bảo tồn Mỹ Sơn đến nay đã trải qua hơn 100 năm, kể từ khi người Pháp phát hiện ra khu đền tháp vào năm 1898. Những năm 1981 – 1985, hợp tác Việt Nam – Ba Lan về trùng tu di tích, với sự tham gia của Trung tâm Bảo quản – Tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích ngày nay) đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhiều đền tháp ở Mỹ Sơn đã được cứu vãn khỏi sụp đổ và trùng tu theo phương pháp tái định vị (anatylose), gia cố các thành phần đã bị đổ nát. Các nguyên tắc và giải pháp kỹ thuật áp dụng lúc đó đã đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn di sản kiến trúc Chăm, tạo điều kiện để về sau công nhận di sản văn hóa thế giới đối với khu đền tháp Mỹ Sơn.

Sau năm 1997, nhiều dự án khảo cổ, trùng tu được tiến hành tại Mỹ Sơn. Dự án “Khảo sát, khoanh vùng bảo vệ và quản lý Khu di tích kiến trúc và khảo cổ học Mỹ Sơn”, các chuyên gia Italia đã khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố vật lý, địa chất, thủy văn… và thực trạng bảo tồn của khu di tích. Đặc biệt là những nghiên cứu khám phá về gạch xây, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng gốc. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu này, Chính phủ Italia đã tài trợ kinh phí, với sự bảo trợ của UNESCO tiếp tục triển khai dự án “Bảo vệ Di sản thế giới Mỹ Sơn – Thuyết trình và tập huấn ứng dụng các chuẩn mực quốc tế trong trùng tu tại nhóm tháp G”. Thông qua dự án nghiên cứu và phát lộ khảo cổ học, các phế tích kiến trúc nhóm tháp G đã được tu bổ, gia cố bền vững. Những giải pháp kỹ thuật được áp dụng ở dự án trùng tu nhóm tháp G được xem là bước tiến nổi bật, dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học bài bản được thể hiện qua việc sử dụng gạch phục chế và chất kết dính có nguồn gốc thực vật.

Khẳng định phương pháp trùng tu

Với những kết quả, kinh nghiệm đúc rút từ dự án bảo tồn nhóm tháp G, năm 2011 – 2015, Viện Bảo tồn di tích triển khai thực hiện dự án trùng tu bảo tồn tháp E7. Dự án này là bước ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính được tiếp nối từ chương trình hợp tác nghiên cứu chung với các chuyên gia Italia. Theo KTS. Đặng Khánh Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, từ năm 2000 đến nay dự án nhóm G của Ý vẫn là dự án đầu tiên đánh dấu một giai đoạn trùng tu tiên tiến và E7 là sự tiếp nối, khẳng định về một phương pháp trùng tu với các mục tiêu, giải pháp kỹ thuật áp dụng trên một nguyên tắc nhất quán.

Thông qua quy trình kỹ thuật, các giải pháp can thiệp đã được thực nghiệm trùng tu tại nhóm tháp G như phương pháp trùng tu khảo cổ học kết hợp tái định vị, gia cố, được thực hiện bài bản và khoa học tại E7 đã mang lại hiệu quả cao về bảo tồn. “Đây là kết quả rất quan trọng, thể hiện sự tiếp nối phương pháp trùng tu đã được thực hiện ở nhóm tháp G, đồng thời khẳng định công tác trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn đã sang một giai đoạn mới, ở cấp độ cao hơn về khoa học” – ông Ngọc nói.

GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính cho rằng, công việc mà các chuyên gia Italia đã thực hiện hơn 10 năm qua tại nhóm tháp G là sự tiếp nối của quá trình trùng tu thánh địa Mỹ Sơn hàng chục năm trước, bởi sự tham gia của các chuyên gia hai nước có truyền thống, tên tuổi trên thế giới về tu bổ di tích là Italia và Ba Lan. Ở nhóm tháp G, những nguyên tắc cơ bản trong việc ứng xử với một di tích, phế tích có giá trị nổi trội về mặt khảo cổ học đã được vận dụng, áp dụng một cách phù hợp, công phu và bài bản. Tại đây, các chuyên gia Italia rất chú trọng đến biện pháp gia cố tái định vị, tái định hình một phế tích đã bị biến dạng, đồng thời có sự nghiên cứu về vật liệu, kỹ thuật… cẩn trọng. “Nhóm tháp G không chỉ được cứu vãn mà đã trở thành một di tích được bảo quản, tu bổ bền vững nhưng về mặt tổng thể vẫn giữ được những giá trị cơ bản, nhất là giữ được một di tích, phế tích nhưng được bảo tồn chuẩn mực khang trang không biến dạng. Đặc biệt, quá trình khôi phục từng phần rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Tôi nghĩ rằng cách làm của các chuyên gia Italia với sự tham gia của các chuyên gia UNESCO đã đưa ra được một hướng đi cơ bản và giải pháp phù hợp, khả thi để cứu vãn toàn bộ di sản Mỹ Sơn” – GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính nhìn nhận.

NHIỀU NỖI LO

Giải pháp trùng tu các kiến trúc đền tháp Chămpa Mỹ Sơn dù đã được xác lập, song vẫn còn một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bên cạnh đó Mỹ Sơn vẫn còn nhiều nỗi lo do quá nhiều tháp xuống cấp nghiêm trọng.

Tháp E7 là sự tiếp nối của giải pháp trùng tu đã được áp dụng ở nhóm tháp G.Ảnh: V.L
Tháp E7 là sự tiếp nối của giải pháp trùng tu đã được áp dụng ở nhóm tháp G.Ảnh: V.L

Theo ông Phan Hộ – Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, nỗi lo lớn nhất hiện nay chính là sự xuống cấp, nghiêng lún của các đền tháp. Đáng lo ngại nhất là tháp F1 và B3, nhưng thời gian qua thủ tục cấp phép vẫn khá chậm chạp, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chống đỡ cấp thiết cũng như cứu vãn kịp thời những công trình này. “Vướng mắc thủ tục khiến dù có tiền cũng chưa triển khai trùng tu tháp được, vì khi tác động vào di tích phải hết sức thận trọng, kể cả góc độ kỹ thuật và quản lý, phải có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Do vậy, các thủ tục phải tuân thủ theo những quy định để quá trình trùng tu không tác động làm tổn hại đến di sản” – ông Hộ nói.

GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính nhìn nhận, khó khăn nhất trong quá trình trùng tu bảo tồn tháp Chăm hiện nay của cả miền Trung là số lượng di sản rất lớn, từ dạng phế tích ở trên mặt đất đến kiến trúc nằm dưới lòng đất cần được giữ lại tối đa. Trong đó, không ít phế tích đang có nguy cơ bị hủy hoại. Nổi bật như Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) đã hoàn toàn bị vùi lấp, điều này đặt ra những thử thách về nhiều phương diện như cách tiếp cận, phương pháp, kỹ thuật… Với tháp F1 Mỹ Sơn cũng vậy. Tuy nhiên tất cả vẫn có thể làm được, vấn đề là nguồn vốn vì lâu nay việc đầu tư cho các di sản văn hóa Chăm rất hạn chế, chủ yếu bằng sự hỗ trợ của nước ngoài nhưng hoàn toàn không tương xứng với yêu cầu thực tế. “Tôi cho rằng lúc này khi giải pháp kỹ thuật về cơ bản đã xác định được thì khó nhất chính là vấn đề kinh phí, nên phải biết chắt chiu, lựa chọn cách ứng xử, giải quyết vấn đề tương ứng với khả năng thực tế” – GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính phân tích.

Cũng theo ông Hoàng Đạo Kính, Đồng Dương đang là thách thức lớn nhất đối với những nhà quản lý, bảo tồn, vì đây là phế tích kiến trúc nhưng đã biến thành đối tượng của khảo cổ học. Nếu chỉ tiến hành khai quật thì không khó, nhưng vấn đề là khai quật xong sẽ làm sao tái dựng được ít nhiều diện mạo mà Đồng Dương từng có trước khi bị tàn phá. Đây là điều rất khó, không nên vội vàng. “Giả sử dù có tiền, có kỹ thuật thì việc cứu vãn, phát lộ phế tích Đồng Dương vẫn là việc khó không chỉ với Việt Nam mà kể cả thế giới. Chúng ta nên đặt ưu tiên số một vào việc nỗ lực cứu vãn một cách khoa học, bài bản các di sản đền tháp Chăm, chấm dứt quá trình xuống cấp, đổ nát, duy trì những gì còn lại ở dạng phế tích nhưng được bảo quản, gia cố và có khả năng tồn tại lâu dài, không đặt vấn đề khôi phục những gì đã mất, đã bị phế tích hóa. Cái chúng ta giữ là những giá trị chứng nhân lịch sử, giá trị của nguồn tư liệu lịch sử đích thực mà không bao giờ có thể tái tạo được dù chúng ta có nhiều tiền. Do dó, cần hạn chế những sự suy diễn, tùy tiện tái thiết kiến trúc vì lịch sử chỉ diễn ra một lần, cái gì còn lại của lịch sử là duy nhất” – GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính bày tỏ.

CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Thành công của dự án bảo tồn nhóm tháp G và E7 đã xác lập một phương pháp trùng tu khoa học và là nơi thuyết giảng và truyền tải những kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn không chỉ với Mỹ Sơn mà còn các đền tháp Chăm ở miền Trung Việt Nam.

Tiếp nối thành công

Tại hội thảo “Quy trình kỹ thuật trùng tu đền tháp Chămpa Mỹ Sơn qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G” vừa diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, với những giá trị kiệt xuất về kiến trúc, mỹ thuật, lịch sử… các đền tháp Mỹ Sơn cũng như các ngôi tháp Chăm ở miền Trung chỉ có thể chọn định hướng duy nhất là trùng tu theo định hướng bảo tồn, duy trì. Trong đó, nguyên tắc cơ bản là bằng mọi cách duy trì, giữ gìn di tích ở mức tối đa các giá trị nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, không để hư hỏng thêm. Đồng thời, tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi trên cơ sở những hiểu biết chắc chắn thông qua các nghiên cứu đa ngành toàn diện, khoa học.

Theo TS-KTS. Hoàng Đạo Cương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Bảo tồn di tích, tuy có sự khác biệt trong việc sử dụng vật liệu trùng tu song các giải pháp trùng tu cơ bản áp dụng ở 2 dự án bảo tồn nhóm tháp G và E7 vẫn là gia cố, tái định vị, bảo quản, tu sửa nhỏ và phục hồi có chừng mực. Trong đó, việc áp dụng những kỹ thuật và vật liệu trùng tu dựa trên nguyên tắc trùng tu khảo cổ học đã thể hiện tính hiệu quả và thành công. “Các kỹ thuật của phương pháp trùng tu khảo cổ học kết hợp gia cố, tái định vị cho thấy đây là lựa chọn khả thi và phù hợp áp dụng vào trùng tu các kiến trúc đền tháp đặc thù tại Mỹ Sơn. Thực tế kết quả tại tháp E7 và nhóm tháp G đã cho chúng ta những điểm tựa khoa học, những kinh nghiệm đối với trùng tu di tích tháp Chăm ở Việt Nam” – TS-KTS. Hoàng Đạo Cương khẳng định.

TS. Mauro Cucarzi – Giám đốc Tổ chức Lerici (Trường Đại học Bách khoa Milan) chia sẻ, thành công của dự án trùng tu nhóm tháp G không chỉ giúp nhóm tháp được bảo tồn vững chắc, mà còn tạo cơ sở thực tiễn góp phần cho sự ra đời của “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” tại TP.Tam Kỳ nhằm đào tạo ra những người làm chuyên môn bảo tồn tốt nhất. “Với thời gian 6 tháng gồm 2 tháng học lý thuyết và 4 tháng thực hành tại Mỹ Sơn, học viên sẽ được tiếp cận thực tế các giải pháp khảo cổ, trùng tu đã được triển khai tại 2 nhóm tháp G và E7. Đây chính là sự tiếp nối sinh động của dự án mà chúng tôi đã triển khai tại Mỹ Sơn hơn 10 năm qua” – TS. Mauro Cucarzi cho biết.

Dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G đã xác lập một giải pháp trùng tu mới cho các đền tháp Chăm Việt Nam.Ảnh: V.L
Dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G đã xác lập một giải pháp trùng tu mới cho các đền tháp Chăm Việt Nam.Ảnh: V.L

Vẫn thận trọng

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong  bảo tồn trùng tu nhóm tháp G và E7 chưa hẳn đã hoàn hảo. Tình trạng rêu mốc đã xuất hiện, nhất là tại nhóm tháp G sau 5 năm dự án kết thúc (2013). Theo GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính, đã đến lúc nhìn lại, đánh giá công việc, những dự án đã thực hiện bởi nhiều phía và ở các thời điểm nhằm xác định, củng cố thêm đường hướng, giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn nữa cho việc bảo tồn các di tích đền tháp Chăm. Đặc biệt, dù công tác nghiên cứu kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm đã làm rõ được các vấn đề như chế tác gạch (không bị mủn, biến màu và rêu phong); kỹ thuật xây, chất kết dính… thì vẫn nên hạn chế ở chừng mực hợp lý, những phần việc phục hồi nên tạo ra sự khác biệt, như là một tín hiệu để phân biệt cái “gốc” với cái “bổ sung” và biết điểm dừng… “Trong công tác tu bổ di tích đền tháp Chăm ở giai đoạn hiện nay nên đặt ưu tiên cho việc khắc phục tình trạng xuống cấp; phục hồi từng phần, chỉ khi thực sự cần thiết. Không đặt vấn đề phục hồi nguyên vẹn di tích” – GS-TS-KTS. Hoàng Đạo Kính nói.

TS. Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học cho rằng, với lịch sử xây dựng dài hàng nghìn năm, các kiến trúc ở Mỹ Sơn bên cạnh mẫu số chung là gạch thì cũng có những đặc điểm riêng mang tính thời đại, thể hiện qua vật liệu, kỹ thuật xây dựng ở đền tháp Mỹ Sơn. Vì vậy phải căn cứ vào từng kiến trúc để đề ra giải pháp hợp lý, không thể đánh đồng về vật liệu cũng như kỹ thuật được. Đặc biệt, trong trùng tu di tích, khai quật khảo cổ học phải đi trước một bước nhằm cung cấp những cơ sở khoa học chân xác. “Đối với loại hình phế tích như các kiến trúc ở Mỹ Sơn thì việc khai quật khảo cổ học trước khi tiến hành thiết kế, đề ra phương pháp chọn vật liệu, kỹ thuật xây dựng phù hợp cùng những hoa văn trang trí là điều không thể thiếu, do đó quá trình bảo tồn trùng tu phải cẩn trọng và đúng trình tự” – TS. Lê Đình Phụng nói.

TÌM KIẾM ĐIỂM CHUNG

Theo ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, để đánh giá hiệu quả của dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G và E7 rất khó. Tuy nhiên, nếu hội thảo thông qua những kinh nghiệm bảo tồn trùng tu nhóm tháp G và E7, từ đó đề ra giải pháp trùng tu tháp F1 và chống đỡ cho tháp B3 sẽ hiệu quả hơn là đúc kết những giải pháp trùng tu qua dự án trùng tu nhóm tháp G và E7, vì đã được tổng kết trước đây.

Riêng với dự án bảo tồn trùng tu hai nhóm tháp K, H do các chuyên gia Ấn Độ thực hiện, ông Cẩm nhìn nhận, phương pháp của người Ấn và người Italia cơ bản là giống nhau. “Người Italia tuy có nền văn minh rực rỡ, nhưng họ giỏi kiến trúc đá chứ không phải gạch. Đó là nền văn minh Thiên chúa giáo. Còn Ấn Độ là nền văn minh Hindu, Phật giáo nên mình kỳ vọng Ấn Độ sẽ thực hiện những giải pháp khác biệt, nhưng trên thực tế cũng không khác biệt mấy. Nghĩa là cũng dầu rái, cũng mài nhẵn, cũng là gạch mua cùng chỗ. Nên nếu hội thảo về cái đó thì có câu chuyện nói với nhau. Ví dụ thông qua việc tu bổ tháp G của Italia và việc đang trùng tu tháp H, K của Ấn Độ để tìm ra giải pháp chung nhất vận dụng vào các đền tháp ở Mỹ Sơn và ở Việt Nam” – ông Cẩm  chia sẻ thêm.

Theo TS-KTS. Mara Landoni – Đại học Bách khoa Milan, việc áp dụng các nguyên tắc chuẩn trong bảo tồn là quan trọng. Với sự thành công của dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G về nguyên tắc có thể áp dụng tốt cho những di sản khác nhưng với vấn đề vật liệu mới khi áp dụng cho di tích phải phù hợp tùy thuộc vào từng di tích như tình trạng, niên đại, kỹ thuật của từng công trình vì mỗi kiến trúc có những kỹ thuật khác nhau nên việc áp dụng cũng cẫn có những tương thích.

KTS.Đặng Khánh Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích khẳng định, không có một phương pháp nào hoàn hảo cả nên hội thảo vừa là thông báo kết quả, vừa là đánh giá, góp ý để hoàn thiện giải pháp tiếp tục cho các đền tháp khác ở Mỹ Sơn hoặc miền Trung. “Những nguyên tắc, giải pháp kỹ thuật của công tác bảo tồn và trùng tu di tích vừa phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, quan điểm gìn giữ tính nguyên gốc tạo nên giá trị của di tích, phải phù hợp với đặc điểm của địa phương, trình độ khoa học, công nghệ, khả năng tài chính, nguồn lực. Việc đúc rút kinh nghiệm từ dự án bảo tồn tháp E7 chính là cách mình nhìn lại, soi lại những phương pháp đã áp dụng ở nhóm G vì hai cái này dường như chung một phương pháp là trùng tu khảo cổ học nên ở góc độ quản lý có thể có những ý kiến khác nhưng với những người làm khoa học thì không có gì khó hiểu cả” – ông Ngọc diễn giải.

Thực hiện chuyên đề: VĨNH LỘC

Theo Báo Quảng Nam

 

 

 

 

Cùng chuyên mục