Dịch tả lợn châu Phi lại lan rộng

Mặc dù đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng những ngày gần đây bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng tại 2 địa phương Quế Sơn và Duy Xuyên.

Những ngày qua, số heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy khẩn cấp tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: VĂN SỰ
Những ngày qua, số heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy khẩn cấp tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: VĂN SỰ

Bùng phát mạnh

Bà Phan Thị Thanh ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) cho biết, 2 con heo nái của bà đang khỏe mạnh thì mấy ngày nay bỗng dưng bỏ ăn, sốt cao, toàn thân đỏ ửng, chân đi xiêu vẹo, xuất huyết vùng bẹn – bụng… Nhận tin báo, chiều qua 29.7 ngành chuyên môn cùng lực lượng chức năng địa phương đến kiểm tra triệu chứng lâm sàng và nhận định số heo nái trên bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đã quyết định đưa đi tiêu hủy khẩn cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Mậu Ánh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho biết, mặc dù đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống nhưng những ngày qua bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát mạnh tại nhiều nơi của huyện khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng.

Quế Sơn có 14 xã, thị trấn thì hiện giờ đã có 12 xã, thị trấn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi gây hại, chỉ còn 2 xã Quế An và Quế Hiệp chưa xuất hiện vi rút gây bệnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến 14 giờ chiều 29.7 toàn huyện đã có 2.670 con heo của 664 hộ chăn nuôi ở 45 thôn, khối phố bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 166 tấn heo hơi. Theo nhận định, hiện nay tại Quế Sơn dịch vẫn còn bung mạnh chứ chưa có dấu hiệu chững lại” – ông Ánh nói.

Tại huyện Duy Xuyên, ngoài 5 xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Thành, Duy Trung, Duy Sơn, những ngày qua mầm bệnh tiếp tục lây lan đến 3 địa phương khác là Duy Hòa, Duy Tân và thị trấn Nam Phước.

Ông Lê Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, từ ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại hộ bà Võ Thị Bốn (thôn Phú Lạc), đến thời điểm này toàn xã Duy Hòa đã có 36 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với trọng lượng gần 2 tấn heo hơi, tập trung ở 4 thôn Phú Lạc, Cổ Châu, La Tháp Tây, A Đông. Trong khi đó, tại thị trấn Nam Phước, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đang có chiều hướng phát tán mạnh. Trong vòng chưa đầy 10 ngày trở lại đây, thị trấn Nam Phước đã tiến hành tiêu hủy 24 con heo bị nhiễm bệnh với trọng lượng xấp xỉ 1,4 tấn hơi.

Tính đến chiều qua 29.7, tại các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Tân và thị trấn Nam Phước đã có 550 con heo của hơn 100 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 32 tấn heo hơi.

Đáng quan ngại là, tại xã Duy Trung đã qua 35 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh thì nay dịch lại tái bùng phát. Trong khi đó, hơn 2 tháng nay vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cứ gây hại dây dưa ở 2 xã vùng đông của huyện Duy Xuyên là Duy Hải và Duy Nghĩa.

Nỗ lực ngăn chặn

Ông Nguyễn Mậu Ánh – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền các địa phương của Quế Sơn đã tập trung siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch. Đồng thời sử dụng 3.044 lít hóa chất Benkocid, Iodine và một lượng lớn vôi bột duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, những điểm buôn bán – giết mổ – tiêu thụ thịt heo cũng như các khu vực có nguy cơ cao bị dịch xâm nhiễm nhằm ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.

Chính quyền xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: VĂN SỰ
Chính quyền xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, bà Võ Thị Mỹ – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa (Duy Xuyên) cho biết, những ngày qua chính quyền địa phương đã trưng dụng nhiều máy bơm động cơ triển khai phun hơn 120 lít hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Đồng thời cấp phát 12 tấn vôi bột để các hộ chăn nuôi sát khuẩn môi trường nhằm hạn chế nguy cơ vi rút gây bệnh phát tán.

Cùng với việc nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, hiện nay Duy Hòa cũng đang khẩn trương tiêm vắc xin phòng 3 loại bệnh đỏ gồm tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả thông thường cho đàn heo 3.000 con nằm rải rác trong các khu dân cư” – bà Mỹ nói.

Trước những diễn biến hết sức khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo UBND huyện Duy Xuyên vừa yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn tập trung tối đa nhân lực, phương tiện, hóa chất, vật tư… xử lý dứt điểm các ổ bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới, nhất là tại 2 xã Duy Hải và Duy Nghĩa. Đồng thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định. Lập bản cam kết với từng hộ chăn nuôi về việc thực hiện triệt để “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi heo; không điều trị heo nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Văn Sự – Phi Thành

Theo Quảng Nam Online

Cùng chuyên mục