Đà Nẵng làm đập chặn sông để ngăn mặn

Sau hơn 10 năm bị xâm nhập mặn, Đà Nẵng quyết định làm đập tạm ngăn sông Cẩm Lệ để đảm bảo nước sinh hoạt cho hơn một triệu dân.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã đồng ý phương án cho Công ty cổ phần cấp nước Dawaco làm kín đập tạm bằng cọc cừ larsen chặn dòng chảy trên sông Cẩm Lệ (phía dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương).

Sông Cẩm Lệ là một nhánh đưa nước từ thượng nguồn (vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam) về sông Hàn, trước khi đổ ra biển. Trên đoạn sông này có nhà máy nước Cầu Đỏ, công suất 270.000 m3/ngày đêm, cung ứng 80% nhu cầu nước sạch cho thành phố Đà Nẵng.

Tuyến đập tạm thứ nhất ngăn một dòng sông Cẩm Lệ đã được hoàn thành.

Trước khi đề xuất cho chặn kín dòng sông, Dawaco đã làm hai tuyến đập tạm lần lượt dài 180 m và 90 m để ngăn mặn, chừa lại khoảng 50 m lòng sông cho nước lưu thông. Tuy nhiên thực trạng nhiễm mặn tại cửa thu nước thô không giảm, trong khi khu vực lòng sông còn lại thường xuyên bị xới lở.

Để đảm bảo duy trì dòng chảy và tránh xói lở bờ sông, ông Thơ yêu cầu khi chặn sông giữ nước ngọt từ thượng nguồn về, Dawaco phải hạ chiều cao các cọc đã đóng trước đây từ cao trình một mét xuống còn 35 cm. Người dân được chính quyền địa phương khuyến cáo dừng lưu thông qua tuyến đập tạm.

Ông Hồ Minh Nam – Phó tổng giám đốc Dawaco, cho biết kinh phí thực hiện việc làm đoạn đập tạm cuối cùng chặn kín sông Cẩm Lê khoảng 1 – 2 tỷ đồng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vật liệu là hệ thống cọc cừ phải nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa về được, nên dự kiến giữa tháng 5 mới có thể thi công.

Việc làm đập chặn sông là cần thiết bởi Cầu Đỏ thường xuyên nhiễm mặn hơn 10 năm qua, năm nay tình trạng này đến rất sớm. Liên tiếp hơn 5 tháng qua, độ mặn thường xuyên giao động từ 500 đến 5.000 mg/l, trong khi tiêu chuẩn nước sinh hoạt của Bộ Y tế quy định dưới 250mg/l“, ông Nam nói.

Công nhân thi công làm đập tạm thứ 2 hồi tháng 3/2020.

Ông Võ Tấn Hà – Phó giám đốc Sở Xây dựng, nói từ trước đến nay thành phố chưa từng chặn sông Cẩm Lệ để ngăn mặn, do đó các ngành xây dựng, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp đã phối hợp kỹ để nghiên cứu giải pháp và tham mưu cho lãnh đạo thành phố quyết định.

Mục tiêu trước mắt là đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân. Mùa lũ, các cọc này sẽ được nhổ nên để thoát nước, không gây ngập úng cho các vùng lân cận“, ông Hà nói.

Chuyên gia thuỷ lợi Huỳnh Vạn Thắng (nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng) nói việc ngăn đập tạm lần này không ảnh hưởng đến dòng chảy vì chỉ làm đập tạm. Nếu làm đập chính thì không được vì tuổi thọ lâu, trong khi quá trình đô thị hoá sẽ ô nhiễm khu vực sông được ngăn tách.

Nguồn sản xuất nước sinh hoạt của Đà Nẵng đang phụ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn nằm ở Quảng Nam – nơi đã cho xây dựng dày đặc thuỷ điện. Nhiều năm qua, thành phố đã phải đi xin nước xin nước để đẩy mặn, nâng cấp nhà máy và đường ống… nhưng cũng chỉ là những giải pháp tình thế.

Tháng 3 vừa qua, sau hơn 8 năm trì hoãn vì nhiều lý do, Đà Nẵng đã khởi công nhà máy nước Hoà Liên, giai đoạn một với tổng vốn đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 6/2021, có thể bổ sung công suất 120.000 m3/ngày đêm để người dân thành phố sinh hoạt.

Bài  & ảnh: Nguyễn Đông

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/da-nang-lam-dap-chan-song-de-ngan-man-4094314.html

Cùng chuyên mục