Đã đến lúc dứt khoát nói không với khẩu trang dùng một lần

Khẩu trang đang trở thành vật bất ly thân đối với nhiều người khi ra đường, tuy vậy, các chuyên gia môi trường khuyên bạn nên đeo khẩu trang vải thay vì loại dùng một lần, để tạo ra một thay đổi tích cực.

Từ lúc đại dịch Covid-19 xảy ra, khẩu trang y tế loại dùng một lần trở thành vật phẩm phổ biến từ Đông sang Tây, hiện diện trên mặt người từ trẻ đến già, kẻ giàu người nghèo. Có vẻ như mọi tầng lớp xã hội đều có chung sở thích sử dụng khẩu trang dùng một lần để ngăn ngừa coronavirus.

noi-khong-voi-khau-trang-dung-mot-lan
Loài chim có thể mắc nghẹn và chết vì khẩu trang y tế

194 tỷ khẩu trang, găng tay dùng một lần được dùng mỗi tháng

Điều oái oăm là sau nhiều tháng, thị trường không còn khan hiếm khẩu trang và có vô số lựa chọn về loại có thể tái sử dụng, số đông vẫn chọn khẩu trang dùng một lần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới khoa học nhất trí rằng việc đeo khẩu trang là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu sự lây lan của virus, miễn là chúng được đeo đúng cách và thay đổi thường xuyên. Tất nhiên, việc mọi người đeo bất kỳ loại khẩu trang nào thì luôn tốt hơn là không đeo và gây rủi ro cho chính mình cũng như cho cộng đồng.

Nhưng với việc đa số vẫn chọn khẩu trang dùng một lần thay vì loại tái sử dụng, hệ lụy đến môi trường và các loài sinh vật khác là điều khó tránh khỏi. Theo một nghiên cứu được công bố, ước tính có khoảng 194 tỷ khẩu trang và găng tay dùng một lần đang được sử dụng trên toàn cầu mỗi tháng do hậu quả của đại dịch coronavirus.

noi-khong-voi-khau-trang-dung-mot-lan
Khẩu trang vải có thể giặt nhiều lần thì tốt cho môi trường hơn loại khẩu trang y tế

Mất 450 năm để phân hủy

Đối với các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu, việc sử dụng khẩu trang một lần có ý nghĩa vì họ cần đảm bảo mức độ vệ sinh cao nhất trong môi trường làm việc. Nhưng những người làm nghề khác cần biết rằng hầu hết khẩu trang dùng một lần được làm từ nhựa như polypropylene, polyethylene và vinyl – những vật liệu mất 450 năm để phân hủy. Trong quãng thời gian đó, hầu hết khẩu trang y tế trở thành các vi nhựa sau đó được sinh vật biển ăn vào.

Các tổ chức bảo vệ đại dương cho hay họ đã chứng kiến ​​”sự bùng nổ” của các loại khẩu trang và đồ nhựa bỏ đi trên các bãi biển và sông ngòi kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Chuyên gia Jack Middleton cho biết: “Kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ tại một số thành phố lớn, chúng tôi đã chứng kiến ​​một làn sóng ô nhiễm nhựa mới rải rác trên các bãi biển dưới dạng khẩu trang và găng tay dùng một lần. Và điều này nên được coi là tai họa cho tương lai của chính chúng ta.”

noi-khong-voi-khau-trang-dung-mot-lan
Hình ảnh này ngày càng trở nên phổ biến tại các bãi biển, sông ngòi

Mặc dù khẩu trang dùng một lần đã giúp cứu nhiều mạng sống trong vài tháng qua, nhưng giờ đây chúng ta cần xem xét cách xử lý chúng đúng cách để ngăn chúng bị thải vào sông và đại dương và phá hủy môi trường sống của các sinh vật biển rồi quay lại bàn ăn của con người dưới dạng vi nhựa.

Các loài sinh vật biển, chẳng hạn như rùa thường chết sau khi ăn phải túi ny lông mà chúng nhầm với sứa, nguồn thức ăn chính của chúng. Từ nay, chúng có nguy cơ tử vong với một loại rác nhựa mới là khẩu trang y tế.

Vào tháng 5/2020, các nhà vận động môi trường ở Pháp đã cảnh báo rằng nếu khẩu trang y tế tiếp tục được sử dụng với tốc độ hiện tại, thì có thể sẽ sớm có nhiều khẩu trang trôi nổi ở Địa Trung Hải hơn loài sứa.

Vào tháng 9/2020, giới bảo vệ động vật kêu gọi công chúng cắt dây thun của những chiếc khẩu trang sau khi dùng vì ngày càng nhiều báo cáo về tình trạng một số động vật, hầu hết là các loài chim bị mắc kẹt với dây thun khi nhầm tưởng đây là thức ăn mới.

Thiệu Kiệt

Theo 24hsongxanh.vn/ The Independent

 

Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/da-den-luc-dut-khoat-noi-khong-voi-khau-trang-dung-mot-lan/

Cùng chuyên mục