Covid-19 không chỉ là một căn bệnh…
Đến nay, bệnh dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm ngàn người tử vong trên toàn thế giới, các hệ thống y tế đang oằn mình và đẩy sinh kế của hàng triệu người vào tương lai vô định. Tuy vậy, dường như hệ lụy của đại dịch chưa dừng lại ở đó.
Trong khi một số chính phủ mau chóng tự hài lòng với việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng cấp tính, các chuyên gia y học đưa ra cảnh báo rằng các nước cần mau chóng rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng này để ngăn ngừa rủi ro trong tương lai.
Không phải là một sự kiện riêng lẻ
Theo họ, Covid-19 là lời nhắc nhở về mức độ dễ bị tổn thương ngay cả trong các xã hội hiện đại có nền y học ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Bài học lớn nhất là Covid-19 không chỉ là một căn bệnh. Đó là một triệu chứng về sự ốm yếu của hành tinh chúng ta. Nguồn gốc bệnh dịch được hiểu là do mối quan hệ của loài người với thiên nhiên đã không còn êm đẹp.
Việc hiểu được nguyên nhân gốc rễ này là rất quan trọng, nếu chúng ta muốn con người mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng. Covid-19 được hiểu là bệnh nhiễm trùng do một loại virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người. Do vậy, căn bệnh này không phải là một sự kiện riêng lẻ, mà là một phần trong một chuỗi tác nhân của thế kỷ 21: hệ sinh thái bị tàn phá, một số loài bị tuyệt chủng, hiện tượng ấm lên toàn cầu, tình trạng buôn bán động vật hoang dã chưa được kiểm soát trên toàn thế giới. Tất cả những điều này đã diễn ra trong một mạng lưới thương mại và du lịch toàn cầu hóa.
Rủi ro cho các thế hệ tương lai
Nghiên cứu cho thấy 60% tất cả các bệnh truyền nhiễm đã nhận biết ở người và 75% trong số tất cả các bệnh truyền nhiễm mới được biết đến gần đây đều là bệnh do virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người.
Đây được cho là hệ lụy của việc chúng ta xâm nhập và khai thác môi trường sống tự nhiên nhiều, khiến cho sự tiếp xúc giữa con người và các loài mang mầm bệnh gia tăng.
Đáng nói là bệnh do virus lây truyền từ động vật hoang dã sang người không phải là triệu chứng duy nhất cảnh báo sức khỏe con người từ nay sẽ bị đe dọa. Biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng thậm chí nghiêm trọng hơn. Nó có khả năng gây ra rủi ro cho các thế hệ tương lai. Trước mắt, hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm qua đều chứng kiến các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy và lũ lụt.
Tình trạng biến đổi khí hậu tất nhiên không diễn ra đơn lẻ mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, từ việc mất ổn định hệ sinh thái đến việc gián đoạn chuỗi cung cấp hàng hóa và dịch vụ của hành tinh, hủy diệt môi trường sống của các loài quan trọng. Chỉ tính riêng lượng hóa chất và chất thải đang gây ô nhiễm không khí, nguồn đất và nước sạch đã khiến hàng triệu người thiệt mạng mỗi năm. Tất cả những triệu chứng này cho thấy sức khỏe của loài đang xấu đi nhanh chóng.
Từ lâu, chúng ta đã biết rằng mình phải đối mặt với khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng sinh thái. Và bây giờ chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng khác – một đại dịch liên kết chặt chẽ. Nếu các chính phủ chỉ đặt mục tiêu phục hồi kinh tế hậu Covid-19 thì chưa đủ. Thay vào đó, giải pháp toàn diện là xây dựng khả năng phục hồi dựa trên sự quản lý bền vững cộng đồng toàn cầu về khí quyển, đảm bảo sự đa dạng của các loài động vật, thực vật.
Giải pháp bền vững
Một cuộc họp khí hậu toàn cầu của các nhà lãnh đạo thế giới đã được lên kế hoạch tại Glasgow, Scotland với mục tiêu chính là tìm các giải pháp tự nhiên để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu. Các quốc gia dự kiến sẽ đề xuất các cam kết mới để giảm lượng khí thải, phù hợp với Thỏa thuận Paris. Cộng đồng quốc tế cũng nhân đây đặt ra một khuôn khổ để quản lý tốt hơn lượng hóa chất và chất thải mà con người đổ ra thiên nhiên mỗi năm. Sự lây lan của coronavirus là minh chứng cho thấy trong một thế giới toàn cầu hóa, không có vấn đề cục bộ nào về ô nhiễm và mầm bệnh là có giới hạn trong một khu vực hay một quốc gia.
Hậu Covid-19, có lẽ là thời điểm thích hợp để chúng ta nhận ra những gì thực sự quan trọng nhất trong cuộc sống: an toàn và tự do. Khi vượt qua được đại dịch, chúng ta nên làm những gì tất cả những gì có thể để góp phần ổn định môi trường sinh thái. Chúng ta cần suy nghĩ về cách mà mình có thể đóng góp cho quá trình khôi phục tự nhiên bằng cách sống cuộc sống khác đi, bằng cách giảm thiểu việc xâm hại môi trường tự nhiên.
Cuối cùng, việc chế tạo thành công một loại vaccine hữu hiệu cho việc phòng ngừa Covid-19 không phải là giải pháp cuối cùng. Điều quan trọng hơn là các chính sách khuyến khích sáng kiến phát triển kinh tế theo hướng bền vững và đầu tư xanh. Đây mới là bước quan trọng để tránh một đại dịch xuất hiện trong tương lai.
Thiệu Kiệt
Theo 24hsongxanh.vn/ Time
Link nguồn: https://24hsongxanh.vn/covid-19-khong-chi-la-mot-can-benh/