Cõi mướp

Một bữa tôi được chị bạn đãi món mướp hương xào cồi sò điệp. Mới nhìn màu trắng của cồi và màu xanh mướt như ngọc của mướp đã thấy ngon liền.

Món mướp hương xào cồi sò điệp do một đầu bếp tài tử thực hiện, thoạt trông thật ngon mắt. Ảnh: Trần Việt Đức.

Mà cái cách xào dòn của mướp hoà điệu với cái xào dòn dai của cồi ngon thật, lại còn chấm mắm cốt nữa.

Mướp ở xứ Việt thật cơ man.Nào mướp hương, mướp khía, mướp đồng tiền, mướp trâu và mướp rắn. Mướp hương được ca ngợi về hương, nhưng mướp khía được mấy bà mẹ già tín nhiệm hơn vì cho rằng bổ dưỡng, còn mướp hương ăn nhức mình nhức mẩy. Mướp rắn nhập giống muộn về sau, có ưu điểm cho món salad nhờ chắc thịt.Có nơi còn gọi là khổ qua ngọt. Tiếng Việt kỳ cục!

Nếu kể bằng hết ra những món có thể chế biến từ mướp, thật mênh mang. Phải trên trăm món là ít. Người ta thường nghĩ tới trước tiên là món mướp xào lòng gà. Nhưng món này đã hỏng, vì những cái mề gà đông lạnh hiện nay cứng như lốp casumina, kẻ hay đau răng nhìn là ngó lơ. Trứng non thì giả giả làm sao ấy.Có người một hai bảo đó là trứng giả.

May ra chỉ còn: chiều chiều gọt mướp nấu canh. Thấy anh qua lợi bỏ hành cho thơm. Canh mướp biết nấu không dở vào đâu được, vừa ngon vừa thương nhớ.Canh mướp và rau mồng tơi nấu canh với cua đồng giã lấy nước làm riêu.Ăn có kèm mấy trái cà pháo muối, thì thôi!

Bông mướp được dân Pháp xếp vào hàng thức ăn cao cấp.

Mướp còn là cái đưa ta về cõi mướp.Thế hệ 50, 60 và ít nhiều 70, phần đông đều có một cõi mướp.Đó là một dàn mướp gắn liền với bóng hình bà ngoại, bóng hình bà má, ở quê nhà của nhiều người. Dàn mướp với trái xanh lúc lỉu, với dáng ngoại, dáng má chăm sóc và hái trái vào nấu canh cho những ngày “nhập khẩu bất đắc dĩ” gió nam, nóng bức. Ngay cả những nhà nửa quê nửa thị cũng cố gắng tạo một dàn mướp hoặc cho nó leo rào. Không phân chuồng, thì pha loãng urea tưới, mướp vẫn xanh như ngọc. Có thể nói mướp năng suất cao trên đất nghèo cũng từ thành tựu của cuộc Cách mạng xanh.

Cách mạng xanh phát triển từ ngay sau thế chiến thứ 2 đến những năm 1970, một thời từng được ca ngợi trên mây. Đó là một loạt những phát kiến chuyển giao nghiên cứu và công nghệ được các quỹ Rockefeller và Ford hỗ trợ. Cách mạng xanh đã đưa năng suất một số loại cây trồng lên cao – cụ thể là những cây lương thực, khiến nhà nhà phấn khởi, người người hỉ hả.

Norman Borlaug, thường được coi là cha đẻ của cuộc cách mạng này đã được trao giải Nobel Hoà bình. Những nhà môi trường hiện nay cho rằng, là người ta phát giải cho những gì mà Cách mạng xanh đem lại cho thế giới, chứ không phải là những gì nó tước đoạt của thế giới: sự lệ thuộc vào thuốc trừ sâu và phân hoá học, thuốc trừ cỏ, sự đánh mất tính phong phú của đa canh, mà chỉ chăm bẵm đến một vài cây lương thực. Đưa đến hậu quả của sự phát triển hoàn toàn không bền vững. Bằng một con tính trừ, về tổng thể và lâu dài, mất nhiều hơn là được từ “cuộc cách mạng” đoản hậu này. Một thời nó đầy kiêu hãnh và thiếu hiểu biết về hậu hoạn nó sẽ mang lại.Nhưng nhân loại dường như đã quên lãng điều đó, hoặc là bị làm cho quên lãng vì cái lợi trước mắt một thời quá lớn. Tẩy ký ức cũng có một chức năng phổ biến mà… Hội chứng Alzheimer nơi loài người đang thịnh mà.

Qua phần mướp cũng phải nói đến chuyện con sò điệp. Sò điệp mà tôi thường ăn ngày xưa ngoài các biển miền Trung đã khan hiếm, nếu không nói sắp tuyệt chủng. Tuy sò điệp loài nhuyễn thể hai mảnh có mặt trên khắp các đại dương. Giờ đây phổ biến là con sò mà người ta hay gọi là sò shell, vì nó giống cái logo của hãng xăng dầu này. Con sò điệp xưa vỏ gần như láng bóng, những đường vân rất mờ. Con bây giờ có những đường gân nổi lên như nan quạt cọng nhỏ. Sò xưa ăn ngon hơn sò nay quá xá luôn!

Các loài nhuyễn thể hai mảnh thường có từ một cồi đến hai, thảng hoặc đến ba cồi.Tây họ cụ thể hơn qua tên gọi cơ khép (adductor muscle). Cơ này giúp cho con vật khép mở hai mảnh, nếu cần khép thật chặt để tự vệ khi gặp phải sát thủ của chúng, hoặc nước cạn bị trồi lên. Các bác bán cồi điệp trên internet hè nhau lớn giọng cùng một giuộc rằng cồi sò điệp là bộ phận quý giá nhất của nó, rất bổ dưỡng. Xạo ơi là xạo! Những người sành ăn đều biết rằng đó là một dạng phó phẩm khi người ta khai thác thịt con sò điệp như một thứ hàng hoá cao cấp. Thịt sò bán dạng xuất khẩu, cồi bán ra chợ.

Ngữ Yên
Theo Thế Giới Tiếp Thị

Cùng chuyên mục